CÁI KHÓ LÓ CÁI KHÔN:CÁCH NGƯỜI NGHÈO SỐNG VỚI 2 ĐÔ-LA MỖI NGÀY

CÁI KHÓ LÓ CÁI KHÔN:CÁCH NGƯỜI NGHÈO SỐNG VỚI 2 ĐÔ-LA MỖI NGÀY

 

CÁI KHÓ LÓ CÁI KHÔN Cách người nghèo sống với 2 đô-la mỗi ngày

Phần lớn tiền của bạn được chi cho các nhu cầu cơ bản, chủ yếu là thực phẩm. Vậy bạn sẽ lên kế hoạch chi tiêu như thế nào? Làm sao bạn có thể đảm bảo phải có gì đó để ăn mỗi ngày, chứ không phải chỉ vào những ngày kiếm được tiền? Nếu bạn thấy việc đó đã đủ khó thì làm cách nào bạn xử lí các tình huống nguy cấp? Làm thế nào bạn có thể đảm bảo mình có đủ khả năng để chi trả cho các chăm sóc y tế cần thiết khi con bạn “trái gió trở trời”? Ngay cả khi không có gì xảy ra, làm thế nào bạn dành dụm đủ tiền cho những thứ đắt đỏ nhưng quan trọng ở phía trước - một căn nhà tiện nghi, chi phí học hành và đám cưới của con bạn, và một ít thu nhập cho chính bạn khi không còn đủ sức lao động? Nói tóm lại, bạn sẽ quản lí tiền của mình như thế nào nếu bạn chỉ có rất ít?

 Hàng tỉ người phải đối diện với những câu hỏi thực tế đó mỗi ngày. Chúng chính là xuất phát điểm của việc nghĩ đến nhiều hình thức kinh doanh mới nhằm xây dựng những thị trường phục vụ những người chỉ có 1, 2 hoặc 3 đô-la để sống mỗi ngày. Đây cũng chính là xuất phát điểm cho các chính phủ và những nhà hoạch định chính sách đang cố gắng đương đầu với những bất bình đẳng dai dẳng trong xã hội.

Mặc dù những vấn đề liên quan đến thực trạng tài chính của người nghèo khá cơ bản, nhưng việc giải quyết chúng hoàn toàn không đơn giản. Những nguồn dữ liệu hiện có chỉ cung cấp thông tin một cách hạn chế. Không có nghiên cứu nào nhắm đến việc trả lời những vấn đề nêu trên, từ những cuộc điều tra lớn, quy mô quốc gia được điều hành bởi các chính phủ hoặc tổ chức như Ngân hàng Thế giới, cho đến những nghiên cứu xã hội hoặc khảo sát thị trường chuyên biệt. Những cuộc thăm dò có quy mô lớn thường mang lại những hình ảnh chớp nhoáng về điều kiện sống. Chúng giúp các nhà phân tích tính toán số người nghèo trên toàn thế giới và ước lượng mức độ tiêu thụ chung của họ trong suốt một năm. Tuy nhiên, những cuộc thăm dò này cũng chỉ mang lại cái nhìn hạn chế về việc người nghèo sống qua ngày như thế nào - cách họ xây dựng chiến lược, cân nhắc thiệt hơn, và nắm bắt cơ hội như thế nào. Trong khi đó, những nghiên cứu xã hội và thăm dò thị trường lại đánh giá hành vi một cách kĩ lưỡng hơn, nhưng chúng ít khi đưa ra bằng chứng có tính định lượng về hành vi kinh tế được xác định một cách chặt chẽ theo thời gian.

Nhận thức được khoảng cách giữa hiểu biết của chúng tôi và những vấn đề tồn đọng, vài năm trước chúng tôi đã triển khai một chuỗi những điều tra chi tiết và kéo dài một năm để tìm hiểu cuộc sống của những gia đình có thu nhập thấp. Một số nghiên cứu theo sát những người sống ở vùng nông thôn, trong khi số khác lại tập trung vào dân thành thị. Kết quả ban đầu khá cơ bản: dù ở địa bàn nào, chúng tôi cũng nhận thấy đại đa số các gia đình, thậm chí những gia đình đang sống với ít hơn 1 đô-la mỗi ngày trên đầu người, hầu như không tiêu hết ngay số tiền đó khi họ kiếm được. Thay vào đó, họ cố gắng “quản lí” số tiền của mình bằng cách tiết kiệm nhất có thể và vay mượn khi cần. Cách này không phải lúc nào cũng thành công, nhưng theo thời gian, ngay cả với những gia đình nghèo nhất, một phần lớn của thu nhập được cho vào quỹ tiết kiệm hoặc được dùng để trả các khoản vay. Trong quá trình này, nhiều phương pháp khác nhau được sử dụng: giữ tiền tiết kiệm ở nhà, gửi người khác hoặc gửi các tổ chức ngân hàng; tham gia vào các nhóm tiết kiệm, các nhóm tiết kiệm và cho vay, các nhóm bảo hiểm; và vay mượn láng giềng, họ hàng, người chủ lao động, người cho vay lãi hoặc các tổ chức tài chính. Ở bất kì thời điểm nào, các gia đình nghèo cũng bị ràng buộc trong hàng tá mối quan hệ tài chính như thế.

Khi tất cả điều này hiện bày ra, chúng tôi đã đi đến hai suy nghĩ khiến chúng tôi thay đổi cái nhìn về sự đói nghèo trên thế giới và về tiềm năng của những thị trường đáp ứng nhu cầu của các gia đình nghèo. Thứ nhất, chúng tôi nhận thấy rằng đối với người nghèo, việc quản lí tiền bạc là một phần cơ bản và dễ hiểu của cuộc sống thường nhật. Đó là yếu tố chính trong việc xác định mức độ thành công mà những gia đình nghèo cải thiện đời sống của họ. Việc quản lí tiền tốt không nhất thiết phải được xếp trên sức khỏe hay việc học hành tử tế, nhưng lại là yếu tố cơ bản để đạt được các mục tiêu rộng lớn đó. Thứ hai, chúng tôi nhận thấy hầu như các gia đình nghèo luôn không thỏa mãn với chất lượng kém của những phương tiện mà họ sử dụng để quản lí số thu nhập còm cõi của mình - nhất là độ tin cậy thấp. Điều này khiến chúng tôi nhận ra rằng giá như những gia đình này có được cách thức an toàn để tiếp cận những công cụ tài chính tốt hơn thì cơ hội cải thiện cuộc sống của họ chắc chắn sẽ cao hơn.

Những công cụ mà chúng tôi đang đề cập được sử dụng để quản lí tiền còn được gọi là công cụ tài chính. Với những công cụ này, 2 đô-la mỗi người một ngày không chỉ đủ ăn mà còn chi trả cho tất cả những khoản khác trong cuộc sống. Tầm quan trọng của những công cụ tài chính đáng tin cậy đi ngược lại với những quan niệm thông thường về cuộc sống và những ưu tiên của những gia đình nghèo. Điều này đòi hỏi chúng tôi phải xem xét lại những quan niệm của mình về dịch vụ ngân hàng. Một phần của sự đánh giá lại đó đã khởi động thông qua phong trào “tài chính vi mô” toàn cầu, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Những khám phá được trình bày trong cuốn sách này chỉ ra những cơ hội mới cho các nhà nhân đạo và các chính phủ đang tìm cách tạo ra sự thay đổi kinh tế xã hội, và cho các doanh nghiệp đang tìm cách mở rộng thị trường.

Người nghèo cũng đa dạng như những tầng lớp khác trong xã hội, nhưng họ có một điểm chung mang tính đặc thù, đó là không có nhiều tiền. Khi bạn nghèo, việc quản lí tốt tiền bạc luôn là vấn đề cốt lõi trong cuộc sống của bạn - có lẽ còn quan trọng hơn so với các tầng lớp khác.

 

Thủ tụcHành chính
Tin nổi bậtXem toàn bộ