Chúng ta đã ở đâu và chúng ta đang đi về đâu?

Chúng ta đã ở đâu và chúng ta đang đi về đâu?

Trong cuốn “Thập kỷ tiếp theo - Chúng ta đã ở đâu và chúng ta đang đi về đâu”, nhà dự báo địa chính trị nổi tiếng George Friedman đã cố gắng phác họa một "thực tế" cụ thể về những thách thức mà nhân loại nói chung và nước Mỹ nói riêng phải đối mặt và xác định những hậu quả có thể xảy ra từ các quyết định chính trị quan trọng.

Ông đặc biệt tập trung vào vai trò của các tổng thống Mỹ, người nắm giữ quyền lực chính trị lớn nhất thế giới hiện nay.

Thế giới đầy ắp những biên niên sử về các đế chế hùng mạnh một thời: có thể kể ra ở đây một vài cái tên nổi trội như La Mã, Trung Quốc, Tây Ban Nha và Anh, những đế chế này đều đã làm thay đổi tiến trình lịch sử và có những tác động địa chính trị to lớn và lâu dài.

Để hiểu rõ hơn những nhận định của Friedman trong cuốn sách này, chúng ta phải nắm được định nghĩa của riêng ông về các thuật ngữ “ đế chế” và “ cộng hòa”, chúng rất khác với cách hiểu thông dụng hiện nay.

Những nhà lập quốc vĩ đại đã thiết kế nền chính trị Mỹ như một thể chế cộng hòa, một quốc gia tự trị trong đó quyền lực thuộc về mọi công dân, họ có quyền bỏ phiếu, trực tiếp hoặc gián tiếp để bầu ra những người đại diện cho mình. Đó là nguồn gốc căn bản của nước Mỹ với tư cách là một nền cộng hòa.

Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, một đế chế mới với ảnh hưởng đáng kể đã xuất hiện: nước Mỹ. Nhưng không giống như các đế chế trong quá khứ, Mỹ đã đạt được vị thế đế chế của mình không phải bằng cách đi xâm chiếm các thuộc địa trên thế giới. Chính vì thế Friedman đã mô tả Mỹ như một dạng “đế chế kiểu mới”, đạt được vị thế một siêu cường nhờ vào các ưu thế quân sự, sức mạnh kinh tế, tầm ảnh hưởng rộng lớn và có địa vị thống trị trên toàn cầu. Và như vậy nước Mỹ đã từ địa vị một nước cộng hòa tự trị trở thành một lực lượng thống trị trên thế giới, một đế chế “vô tình” hay “không chủ ý”.

Trong hành trình không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình đối với phần còn lại của thế giới, nước Mỹ phải đối mặt với một thách thức giống như trước đây Cộng hòa La Mã từng phải đối mặt: tìm cách duy trì một đế chế mà không từ bỏ nền cộng hòa. Điều đó có nghĩa là một mặt nước Mỹ phải trao cho tổng thống của họ những quyền hạn rất lớn để có thể điều hành hiệu quả một đế chế với tầm ảnh hưởng rộng khắp trên toàn cầu; nhưng mặt khác những quyền hạn ấy của tổng thống Mỹ không được phép chà đạp lên các quyền lợi, dù là nhỏ nhất của những người dân Mỹ bình thường, những công dân của một chế độ cộng hòa như nước Mỹ.

Friedman đã xem xét và đánh giá lại các chiến lược trong quá khứ của tổng thống Bush, Clinton, Obama và vạch ra những gì mà những tổng thống tương lai của nước Mỹ cần làm để thúc đẩy quan hệ với Trung Đông, châu Âu, Tây Thái Bình Dương, Mỹ Latin, châu Phi, Israel, Iran và Nga.

Friedman còn trở lại với vấn đề trọng tâm Friedman quay trở lại với vấn đề trọng tâm là làm thế nào để xử lý hài hòa giữa yêu cầu bảo vệ được nền cộng hòa của nước Mỹ mà không làm hại tới quyền lực toàn cầu của Đế chế Mỹ trong chương cuối có nhan đề “Đế quốc và Cộng hòa Mỹ trong thập niên 2010”. Ông nhận định, lựa chọn duy nhất đó là quản lý tốt những gì đã được tạo ra bằng việc dung hòa giữa các nguyên tắc đạo đức và việc thực thi quyền lực. Nước Mỹ phải có một hiểu biết kiên định về tình hình của mình và trên hết cần có một công chúng Mỹ trưởng thành, nhận ra những gì đang bị đe dọa và những thể chế, giải pháp cần thiết để quản lý nền cộng hòa trong vai trò một đế quốc.

Trong các phần còn lại của cuốn sách, Friedman tiến hành giải mã các vấn đề địa chính trị theo từng khu vực. Mối quan hệ giữa các quốc gia Đông Bắc Á, các tuyến đường biển của Indonesia và địa hình của Ấn Độ chỉ là một vài ví dụ về những điều tra và phân tích sâu sắc mà tác giả đã đưa vào cuốn sách. Hầu như không có khu vực nào bị bỏ qua.

Friedman đã lên tiếng cảnh báo về hai nguy cơ lớn nhân loại phải đối mặt trong vài thập lỷ tới, những nguy cơ mà rất ít nhà bình luận quốc tế nhắc đến, đó là nguy cơ về công nghệ và nhân khẩu. Theo ông, trong thập kỷ tiếp theo, các công nghệ hiện hữu đã đạt đến giới hạn phát triển nhưng các công nghệ thay thế lại chưa sẵn sàng. Vấn đề thứ hai là hiện tượng dân số già nua sẽ trở thành một thực tế phổ biến và xuất hiện ở hầu khắp các nước trên thế giới. Lực lượng lao động sẽ bị thu nhỏ lại, chi phí ý tế để chữa các bệnh thoái hóa sẽ tăng chưa từng có.

Cuốn sách của Friedman dẫu đã đề cập vấn đề địa chính trị tại mọi khu vực trên thế giới, vẫn là một tác phẩm mang đậm chất Mỹ vì tác giả luôn xuất phát từ góc nhìn của một nhà lãnh đạo Mỹ để phân tích cũng như để đưa ra các các giải pháp hành động mà nước Mỹ cần thực thi trong từng vấn đề được thảo luận, mà theo đánh giá của tác giả thì nước Mỹ giờ đây đã can dự gần như vào mọi sự kiện đang diễn ra trên thế giới.

Được xuất bản vào năm 2010 và đưa ra những dự báo cho thập kỷ 2010-2020, bởi vậy vào thời điểm này, chúng ta có thể dễ dàng kiểm chứng những dự báo nào trong cuốn sách của Friedman là chính xác và những dự báo nào đã có phần sai lệch. Thứ nhất, những phân tích về nền chính trị của nước Mỹ là hoàn toàn chính xác, nó cho thấy rõ vai trò của tống thống Mỹ quan trọng đến nhường nào và ảnh hưởng đến cục diện thế giới ra sao, điều có thể quan sát thấy qua sự kiện Donald Trump thắng cử. Và đúng như Friedman dự đoán, nước Mỹ đã phải rút quân khỏi Iraq và Afganistan và không còn quá quan tâm đến cuộc chiến chống khủng bố mà thay vào đó là tìm cách tăng cường sự hiện diện ở châu Á -Thái Bình Dương nhằm kiềm chế Trung Quốc, đối thủ đáng gờm nhất của Mỹ trong vài thập kỷ tới.

Friedman, cũng như hầu hết các nhà dự báo địa chính trị khác, đều không thể dự đoán được sự bùng nổ một cuộc chiến tranh trên lục địa châu Âu: chiến tranh Nga - Ukraina, một cuộc chiến tranh mà mức độ tàn khốc đã vượt xa khả năng tưởng tượng của chúng ta. Tuy nhiên, khác với những nhà dự báo địa chính trị khác, Friedman là người sáng lập và điều hành Stratfor, công ty tình báo hàng đầu thế giới, cũng như đã đóng vai trò cố vấn an ninh và tình báo cho nhiều chính quyền Mỹ, vì thế những phân tích nhận định của ông, dẫu không đem tới nhiều hiểu biết về lý thuyết nhưng lại rất thuyết phục và đáng tin cậy vì nó được xây dựng dựa trên kho dữ liệu khổng lồ về các thông tin thu thập từ khắp nơi trên thế giới của Stratfor. Đây là điểm mạnh của Friedman và những tác phẩm của ông bởi trong kỷ nguyên của chúng ta, thông tin là tài nguyên hàng đầu và quý giá nhất.

George Friedman, giám đốc điều hành của Stratfor, một cơ quan nghiên cứu, giám sát chiến lược và tình báo Mỹ được thành lập năm 1996. Trước khi gia nhập khu vực tư nhân, ông đã giảng dạy khoa học chính trị trong 20 năm tại Đại học Dickinson, đồng thời là cố vấn cho quân đội và chính quyền Mỹ về các vấn đề an ninh và quốc phòng. Friedman cũng là tác giả của hàng loạt các cuốn sách nổi tiếng và rất ăn khách như: Thế kỷ tiếp theo, Cuộc chiến bí mật của nước Mỹ, Chiến tranh trong tương lai, Tình báo, Triết lý chính trị của trường phái Frankfurt…

Dương Thắng

https://khoahocphattrien.vn/kham-pha/chung-ta-da-o-dau-va-chung-ta-dang-di-ve-dau/202308251048794p1c879.htm?fbclid=IwAR3pNkKp7ZhJdO55uO3s6CiIhSO9HJ-ijHMu0JqgQK0uCXyOrXURw92_rxw

Thủ tụcHành chính
Tin nổi bậtXem toàn bộ