74 lượt mua
Hotline:
02466878415NXB | Nhà xuất bản Tri thức | Người dịch: | Phạm Toàn; Hiệu đính: Nguyễn Dương Khư, Phạm Anh Tuấn |
Năm XB: | 2024 | Loại sách: | Sách giấy; Ebook; |
Khổ sách: | 16 x 24 | Số trang: | 588 |
Quốc gia: | Việt Nam | Ngôn ngữ: | vi |
Mã ISBN: | 9786043406450 | Mã ISBN Điện tử: | 9786043401509 |
Lời người dịch:
Một sự tình cờ đã khiến tôi đến với nhà tâm lí học lớn đương đại của Hoa Kì, ông Howard Gardner, tác giả cuốn sách Cơ cấu trí khôn bạn đang có đây.
Cuối những năm 1980 thế kỉ trước (nghe có vẻ xa quá rồi), hễ gặp một bạn người nước ngoài nào thì tôi cũng tranh thủ giới thiệu trường thực nghiệm của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Tôi làm điều đó chỉ vì mục đích tìm nguồn viện trợ cho hệ thống Công nghệ Giáo dục khi vào năm 1985 mỗi tháng ngân quỹ chỉ có 3.000 đồng (ba nghìn đồng tiền Việt).
Trăm bó đuốc cũng được con ếch: ở trường thực nghiệm này, chúng tôi đã có nhiều lượt giáo viên, sinh viên, học sinh Mĩ qua dạy tiếng Anh cho cả cán bộ, giáo viên, học sinh. Đó là một nguồn viện trợ lớn. Một bộ sách dạy tiếng Anh đã ra đời ở đây có tên tuổi người giúp sức là bà Beryl Hackner. Ông Woodrof Halsey II, Giám đốc trường SYA ở Boston (Hoa Kì), hầu như từ năm 1995 đến năm 2002 năm nào cũng dẫn học sinh qua giao lưu hai tuần với trường thực nghiệm Công nghệ Giáo dục, và có lúc đã gửi qua đây cả hai cô con gái qua dạy tiếng Anh trong suốt một năm học.
Thu hoạch lớn với tôi là món quà của ông tình nguyện viên Mĩ David Blair, người sau khi nghe tôi hết lời giới thiệu về Công nghệ Giáo dục Việt Nam đã ân cần mua tặng tôi cuốn sách này, Frames of Mind – The Theory of Multiple Intelligences, đó là năm 1995. Về sau, ông Woodrof Halsey II, có cô em gái làm trợ lí cho Giáo sư Howard Gardner, cũng lại thành người cung cấp cho tôi có gần trọn bộ sách của nhà tâm lí học kém tôi hai chục tuổi này.
Có cuốn sách trong tay, Tiến sĩ Đào Thái Lai yêu cầu tôi thuyết trình cho mọi người. Công việc chuẩn bị đòi hỏi phải dịch nhiều đoạn, và thế là sau một cái tặc lưỡi, tôi đã dịch toàn bộ cuốn sách – chưa thuyết trình được buổi nào, nhưng có một bản thảo tâm lí học nhận thức khá xa lạ với nước ta khi đó (và chẳng biết bây giờ đã hết xa lạ chưa?). Bạn tôi, anh Nguyễn Dương Khư, đã ngồi dò lại cho tôi từng câu một – tôi sẽ không bao giờ quên tài năng và tấm lòng của anh, người vẫn động viên tôi “chúng mình là những nhà giáo ưu tư”. Cô biên tập viên Trần Thị Phú Bình lại đã giúp thúc đẩy nhanh việc xuất bản, và trong hai năm 1997 và 1998 bản tiếng Việt sách này đã in tới hai lần.
Nhược điểm của bản in hai năm đó là ở việc làm ngốc nghếch của tôi khi đề nghị lược bỏ toàn bộ phần Lời mở đầu và toàn bộ phần Chú thích. Lời mở đầu rất hay, nhưng tôi đòi lược bỏ vì nghĩ bạn đọc Việt Nam vào lúc ấy không đủ kiên nhẫn để đọc những văn bản dài quá. Phần Chú thích với vô vàn gợi ý cho các nhà nghiên cứu, song tôi cũng đề nghị lược bỏ vì nghĩ rằng không biết tới khi nào bạn đọc Việt Nam mới có điều kiện chạm tay vào vô vàn tư liệu đó – tôi nhầm một điều là chỉ cách vài năm sau, internet đã phát triển không gì chặn nổi.
Bạn đọc đã hiểu vì sao trong lần tái bản này tại Nhà xuất bản Tri thức, bạn đã có thêm những phần còn thiếu mà nguyên nhân chỉ vì cái “sáng kiến” ấu trĩ của người dịch cả đời là người tự học với những nhược điểm không sao tránh khỏi.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn.
Lời nói đầu
“Trong lời mở đầu cuốn sách Giáo dục đạo đức (Éducation morale), nhà xã hội học Pháp Emile Durkheim viết: “Bởi vì, trong tư cách nhà sư phạm chúng ta sắp bàn tới chuyện giáo dục đạo đức, nên có lẽ chúng ta cần thiết phải cùng nhau thống nhất cách hiểu về khái niệm sư phạm”. Suy từ đó ra, có lẽ cũng có thể nói như sau chăng: hễ đã bàn về chuyện sư phạm, thì chắc chắn thế nào chúng ta cũng phải bàn về tâm lý học.
Trong việc thực hiện chiến lược con người, không thể thiếu vắng những hiểu biết Tâm lí học. Vì một lẽ dễ hiểu: bất kì trẻ em nào trên con đường trưởng thành để tham gia tích cực vào nguồn lực xây dựng đất nước, đều không thể không đi qua cánh cửa giáo dục. Cánh cửa giáo dục đó mở ra với người công dân bé nhỏ nếu không sớm hơn được thì cũng phải từ khi em lọt lòng. Vì thế mà Tâm lí học có tầm quan trọng lớn lao đối với mỗi người chịu trách nhiệm sự nghiệp giáo dục, từ bậc làm cha mẹ đến thầy giáo và cô giáo ở nhà trường (nhất là trường Mẫu giáo và Tiểu học). Các nhà giáo dục chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp đó suy cho cùng đều phải đụng tới một vấn đề cốt lõi: trí khôn. Các bà đỡ đó sẽ giúp trí khôn con em mình hình thành và phát triển ra sao, sẽ giúp trí khôn đó nảy nở hay làm nó thui chột, sẽ nhìn nhận và tác động vào trí khôn đó một cách tỉnh táo hay ảo tưởng, những điều đó hệ trọng vô cùng.
Cuốn sách này của Howard Gardner giúp chúng ta có một cách nhìn tâm lí học vào trí khôn người. Cái trí khôn người đó không thể được nhận ra theo lối suy đoán, áng chừng đã đành. Nó lại càng không thể là cái kết quả "khoa học", hiện ra thành một con số tròn sau vài giờ đồng hồ đo nghiệm, nhất là lại chỉ "test" với cây bút và tờ giấy. Và nếu như, trong phạm vi nhỏ nào đó, các kết quả đo nghiệm tâm lí học có đúng với "thực tế", thì cũng cần lí giải vì sao nó đúng. Dĩ nhiên, ngược lại, nếu con số IQ sai với thực tế, thì cũng cần lí giải vì sao lại sai.
Howard Gardner giúp chúng ta làm công việc lí giải đúng sai ấy.
Tác giả chỉ ra rằng, cần dựa trên nhiều nguồn cứ liệu để hiểu tâm lí người. Những nguồn cứ liệu đó ít nhất phải thuộc bộ môn sinh học và khoa học về nhận thức, cụ thể là tâm lí học nhận thức và tâm lí học phát triển. Đối với nhóm cứ liệu sinh học, trước hết phải là những cứ liệu thu thập được từ sinh lí học thần kinh ở người. Những cứ liệu đó lại phải được so sánh giữa những cư dân bình thường với những cư dân bị tổn thương não. Không kể là, các cứ liệu đó cũng cần được đối chiếu giữa những con người bình thường và những con người có tài năng. Như bạn đọc rồi sẽ nhận ra khi đọc sách này, các cứ liệu đó cho thấy não con người làm việc thật diệu kì, và ta luôn luôn gặp những chứng cứ bác bẻ lại nhau một cách "khó hiểu". Có nghĩa là, nếu chỉ giải thích một chiều bằng sinh lí học thần kinh thì, mặc dù vô cùng quan trọng đấy, nhưng hình như hoặc rất có thể là vẫn còn phiến diện.
Vì thế mà tác giả phải đi tìm đến những cứ liệu từ những sinh thể khác nữa. Con chim học hót ra sao? Con vượn học cách sinh tồn thế nào? Vì sao ở những con vượn cũng thấy có những biểu cảm "hệt như" người và nhiều khi lại khác hẳn ở con người? v.v. Và thế là ta lại có cả loạt chứng cứ nữa liên quan đến sự tiến hóa của các loài. Đến đó thì ta thấy loài người quả là một loài ưu đẳng. Chỉ ra được vì sao loài người là giống ưu đẳng vừa giúp các nhà giáo dục tìm ra được cách tác động tốt nhất cho sự nảy nở trí khôn người, mặt khác cũng làm lộ ra nhiều điều khó lí giải.
Vì thế mà, với một tinh thần thực sự cầu thị, tác giả đưa ta viễn du vào kho tàng cứ liệu so sánh giữa các nền văn hóa. Sự so sánh này dẫn tới việc xóa bỏ định kiến thường có xưa nay vẫn lấy các chuẩn mực trí khôn "phương Tây" làm thước đo. Một thiếu niên trở thành thủy thủ nhà nghề (và bậc thầy) ở vùng đảo Thái Bình Dương ra sao? Một thiếu niên học tiếng A-rập cực khó qua kinh Koran và trở thành nhà trí thức của đạo Hồi như thế nào? Một loạt cả ngàn em bé Nhật Bản 2 tuổi hoặc 6 tuổi chơi đàn giỏi, nghệ sĩ kịch câm kì tài Marcel Marceau v.v. cùng những trò chơi, những tài năng hát rong ở những vùng chưa biết chữ trên trái đất này. Tất cả những bộ mặt trí khôn trong các nền văn hóa khác nhau đó bộc lộ cái gì chung? Đó cũng là nội dung sách này.
Bình luận