ÉMILE HAY LÀ VỀ GIÁO DỤC: CUỐN SÁCH KINH ĐIỂN VỀ DẠY VÀ HỌC LÀM NGƯỜI

ÉMILE HAY LÀ VỀ GIÁO DỤC: CUỐN SÁCH KINH ĐIỂN VỀ DẠY VÀ HỌC LÀM NGƯỜI


 

“Émile hay là về giáo dục”: Cuốn sách kinh điển về dạy và học làm người

 

Ở Nhật, các giáo viên mầm non phải đọc “Émile hay là về giáo dục” trước khi vào nghề, bởi cuốn sách chứa đựng triết lý giáo dục nhân bản dạy và học làm người. Jean-Jacques Rousseau (1712-1778), nhà triết học, nhà văn, nhà sân khấu xuất thân từ một gia đình gốc Pháp, được nuôi dạy theo truyền thống Tin lành. Với tư cách là một nhà văn, ông nổi tiếng trên văn đàn với những tác phẩm như Julie hay nàng Héloise mới (1761), Những lời bộc bạch (1782) Những mơ mộng của một người dạo chơi cô độc (1772-1778). Những tác phẩm này thể hiện nhân cách phức tạp của Rousseau mà "những niềm say đắm dữ dội, trào dâng" luôn vấp phải thực tế và ràng buộc xã hội, bộc lộ rõ tư tưởng của Rousseau về quan hệ con người trong xã hội, tạo cơ sở cho sự hình thành tính tâm lí trong văn học châu Âu. Rousseau là đại biểu xuất sắc của chủ nghĩa linh cảm trong lí luận văn học và sân khấu, là người có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền văn học Châu Âu không chỉ trong thời đại Khai sáng.

Robespierre - một trong các lãnh tụ nổi tiếng của Cách mạng Pháp từng nói: "Trong số những nhà tư tưởng thì chỉ có Rousseau mới thật xứng đáng với danh hiệu là người Thầy của nhân loại" (diễn văn ngày 7-5-1794).

Kant, suốt đời sống độc thân (tức không có nhu cầu giáo dục con cái!), cũng đã trở thành một nhà đại giáo dục tiêu biểu cho thời cận đại là nhờ chịu ảnh hưởng sâu đậm của J-J. Rousseau khi Kant nói: "Con người là tạo vật duy nhất cần phải được giáo dục" hay "Con người chỉ có thể trở thành người là nhờ giáo dục. Con người là những gì được giáo dục tạo nên" . Vấn đề chỉ còn là: nền giáo dục ấy phải như thế nào? [...]

Émile hay là về giáo dục (Émile ou de l'éducation) thông qua câu chuyện giả tưởng về cậu bé Émile được người thầy giáo dục từ lúc mới chào đời cho đến khi lập gia đình và trở thành "người công dân lý tưởng". Tác phẩm là sự hoà quyện giữa văn chương và triết lý. Như tiêu đề của nó đã chỉ ra, đó là một chuyên luận về giáo dục, hay đúng hơn là một chuyên luận về "nghệ thuật hình thành con người". Tuy nhiên, cũng có thể coi đó là một tiểu thuyết xã hội - sư phạm với nhân vật hư cấu là cậu bé Émile.

Việc giáo dục Émile chỉ nhằm một mục đích: đào tạo một con người tự do, có khả năng tự bảo vệ chống mọi sự gò ép khiên cưỡng; mà muốn đào tạo một con người tự do thì chỉ có một cách duy nhất là đối xử với họ như một sinh thể tự do, tôn trọng tự do của đứa trẻ. Chính ở chỗ này nảy sinh một sai lầm nghiêm trọng trong cách hiểu tác phẩm, tuy rằng Rousseau đã cẩn thận phân biệt rõ việc tôn trọng các nhu cầu tự nhiên của đứa trẻ (và tự do là nhu cầu đầu tiên trong các nhu cầu đó) với việc thỏa mãn các ham muốn, các ý thích thất thường của trẻ.

Bách khoa toàn thư Việt Nam có viết: “Cùng với những vấn đề về giáo dục được đặt ra, Rousseau phê phán nền giáo dục đương thời đàn áp nhân cách của trẻ, kể cả dùng nhục hình. Ông cho rằng bản tính con người vốn là thiện, nhưng đã bị xã hội bất bình đẳng huỷ hoại, nên cần xây dựng một nền giáo dục mới, phù hợp với thiên nhiên và bản tính vốn có của con người.

Nhân vật chính là Émile - người được hưởng sự giáo dục toàn diện, trong đó thầy tôn trọng nhân phẩm trò, giáo dục trò bằng sự thuyết phục. Tác phẩm thể hiện lòng yêu trẻ tha thiết, tinh thần dân chủ và chủ nghĩa nhân văn, tôn trọng tự do và nhân phẩm con người.” Tư tưởng sư phạm của Rousseau được phản ánh trong các đề án cải cách giáo dục quốc dân của Pháp thời Cách mạng 1789 và có ảnh hưởng đến nhiều nhà tư tưởng - sư phạm, như J. H. Pestalozzi, A. S. Makarenko, J. Dewey v.v…

Cho đến nay, Émile hay là về giáo dục vẫn là một tác phẩm được đọc nhiều nhất và phổ cập nhất về đề tài này. Đặc biệt ở Nhật Bản, người ta bắt buộc tất cả các giáo viên mầm non phải đọc cuốn sách này trước khi bước vào nghề.

Thùy Liên

 

Thủ tụcHành chính
Tin nổi bậtXem toàn bộ