Giá trị văn hóa tâm linh trong phát triển và hội nhập
Giá trị văn hóa tâm linh trong phát triển và hội nhập
TS. Thang Văn Phúc và TS. Nguyễn Vi Khải đồng chủ biên
4.5
400
Lượt xem
0
Đã bán
Chọn sản phẩm
Sách giấy
Sắp ra mắt
Thông tin xuất bản
Năm XB:
2024
Loại sách:
Khổ sách:
16 x 24
Số trang:
820
Quốc gia:
Việt Nam
Ngôn ngữ:
vi
Mã ISBN:
9786044842431
Mã ISBN Điện tử:

Phát hành được một cuốn sách về văn hóa tâm linh trong thời điểm này là rất cần thiết. Có thể nói sự hiểu chưa đúng về tâm linh và văn hóa tâm linh là điều đáng luu ý khi mở cửa hội nhập. Từ hiểu chưa đúng, nhận thức phiến diện dẫn đến hành động lệch chuẩn là điều đang diễn ra của đời sống tâm linh hiện nay. Cuốn sách Giá trị văn hóa tâm linh trong phát triển và hội nhập là tài liệu có giá trị tham khảo tốt góp phần nhận thức đúng đắn, đầy đủ một vấn đề nhạy cảm và phức tạp. 

Tâm linh, đời sống tâm linh là một hiện thực trong đời sống tinh thần của con người cũng như đời sống thực thể sinh học, đời sống cộng đồng xã hội với tất cả sự phong phú, phức tạp của nó. Không thể giản đơn hóa quy đồng tâm linh với mê tín dị đoan, song cũng không nên “thần bí hóa”, huyễn hoặc chuyện tâm linh, gán cho nó những đặc tính khác thường tới mức không thể hiểu biết, thực ra chỉ là những điều chưa rõ, chưa có phương thức, công cụ minh chứng. Đâu đó nhìn nhận tâm linh là một tôn giáo đối lập với khoa học thì cũng là cực đoan. Tâm linh và khoa học sẽ là vấn đề của hiện tại và tương lai gần, người ta đã từng nói “Thế kỷ XXI con người sẽ nói chuyện bằng tâm linh” (Khoa Học và Đời Sống, 4/6).

Nhiều học giả và nhiều nhà tiên tri danh tiếng đã tiên lượng rằng thế kỷ XXI này sẽ đánh dấu một bước tiến vĩ đại về tư duy, đó là nhận thức được rằng Khoa học và Tâm linh không hề đối nghịch nhau mà ngược lại, đó là hai mặt bổ sung cho nhau để nghiên cứu thực tại (GS. VS. Đào Vọng Đức).

Xã hội hiện đại, phát triển dẫn đến một số hệ lụy, mặt trái khiến cho nhiều người cảm thấy bất an, lo lắng và tìm đến với niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng như một sự an ủi, đền bù hư ảo, hay tác động của các phương tiện truyền thông mới (mạng xã hội) trong việc phổ biến thông tin, tạo ra những cộng đồng mạng để kết nối việc thực hành tín ngưỡng, tâm linh, từ đó cũng làm gia tăng nhu cầu này trong nhân dân (Trung tướng GS. TS. Nguyễn Xuân Yêm).

Tâm linh nói chung, hoạt động tâm linh, đời sống tâm linh, văn hóa tâm linh nói riêng là một chuỗi vấn đề đang hiện diện trên phạm vi rộng lớn được bàn luận chia sẻ… khá sôi nổi trong xã hội và trên nhiều quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay cũng có nhiều vấn đề còn là những câu hỏi lớn chưa được làm rõ. Từ thuật ngữ, khái niệm đến nội hàm, bản chất, vai trò… đó là những ẩn số rất cần được nghiên cứu. Thế giới có 2000 dân tộc, hơn 4200 tôn giáo khác nhau với mọi sắc màu tín ngưỡng, giáo lý thiết chế… nhưng những thiết chế, giáo lý đó không thể thay thế hoạt động tâm linh. Văn hóa tâm linh là một chiều đặc biệt của đời sống văn hóa tinh thần. Không phải ngẫu nhiên UNESCO khẳng định: “Đối với một số người, văn hóa chỉ bao gồm những kiệt tác trong các lĩnh vực tư duy và sáng tạo; đối với những người khác, văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động”. Cách hiểu thứ hai này đã được cộng đồng quốc tế chấp nhận tại Hội nghị liên chính phủ về các chính sách văn hóa họp năm 1970 tại Venise (Federico Mayor, Tổng giám đốc UNESCO).

Hoạt động tâm linh, đời sống tâm linh, văn hóa tâm linh là một chuỗi vấn đề đang hiện diện trên phạm vi rộng lớn được bàn luận khá sôi nổi trong xã hội và trên nhiều quốc gia. Đặc biệt, đời sống văn hóa tinh thần của nhân loại sau Thế chiến II như rơi vào sự bế tắc với thân phận con người cô đơn, sống gấp. Hàng loạt chủ nghĩa, trào lưu triết học, văn học đã nói lên điều đó với ngôn từ “suy đồi” “phi lý” “buồn nôn”… Triết học hiện sinh, chủ nghĩa siêu thực (surréalisme), một khi vượt khỏi (sur) cái thực (réalité) mà không bắt gặp được cái tâm linh thì người ta sẽ trở thành hoang tưởng và mê loạn.

Trong bối cảnh đó, cuối thế kỷ XX, sự đóng góp của phương Đông cho nhân loại không phải là khoa học kỹ thuật, không phải là những thể chế chính trị-kinh tế, không phải là dân chủ và tự do (cái dân chủ và tự do quá đà theo cá nhân chủ nghĩa), mà chỉ duy nhất một điều: đời sống tâm linh (Nguyễn Thế Đăng - Nhu cầu tâm linh của thế kỷ XXI).

Thế giới đã từng có một quá trình nghiên cứu về tâm linh với nhiều ấn phẩm đặc sắc: Năm 2011 nhà xuất bản Watkins Books - London đã phát hành ấn phẩm giới thiệu danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng tâm linh lớn nhất trên thế giới còn sống hiện nay. 

Nhân vật đứng đầu bảng là Eckhart Tolle, người Canada, tác giả của 3 cuốn sách nổi tiếng, nhân vật thứ nhì là Đức Đạt lai Lạt ma người Tây Tạng, nhân vật thứ tư là Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người Việt Nam, người được đề cử giải Nobel hòa bình đã viết hơn 100 cuốn sách, trong số đó hơn 70 cuốn bằng tiếng Anh… 

Mặc dù vậy, hiện nay cũng có nhiều vấn đề còn chưa được lý giải. Ngay thuật ngữ, khái niệm cũng phải thừa nhận rằng: “Nếu có một từ nào bị lầm lẫn, khó hiểu, và hiểu sai nhiều nhất, thì đó là từ tâm linh” (Roberto Assagioli 1888-1974): “Tâm linh là thiêng liêng, cao cả và siêu việt”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 11 - 2014.

Tại Việt Nam, quá trình đổi mới từ cuối năm 1986 đến nay đã cho thấy sự phát triển kinh tế - xã hội đã tạo nên hình ảnh một Việt Nam như là một điểm sáng của khu vực trong đó văn hóa, văn hóa tâm linh như là một nguồn lực, một sức mạnh cho phát triển bền vững.

Trong đổi mới, một bộ phận khá lớn công dân Việt Nam có điều kiện trở lại với những sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh, xây dựng lại nhà thờ họ, tu sửa các phần mộ của những người thân đã khuất, lập lại bàn thờ tổ tiên trong từng gia đình. Xóm làng góp sức tu bổ đình chùa, tổ chức lễ hội, sửa sang các đền thờ những bậc danh nhân có công với nước, với làng, trùng tu các thánh thất. Giỗ Tổ Vua Hùng được Nhà nước công nhận là ngày quốc lễ. Các tôn giáo được tự do hành lễ. Các tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau cũng như những người không tín ngưỡng, tôn giáo cùng sống với nhau chan hòa trong dòng họ, trong làng, xã, trong cộng đồng xã hội. Đời sống tâm linh dường như được đánh thức dậy.

Với chức năng mới được bổ sung, Viện VIDS đã tổ chức nghiên cứu và xuất bản thành ấn phẩm sách chuyên khảo về văn hóa tâm linh và phát triển. Đây là việc cần thiết. Từ hội thảo ở khắp ba miền cho thấy văn hóa tâm linh là vấn đề cuộc sống đặt ra không thể né tránh, quá trình triển khai đã có kết quả rất tốt với sự tham gia đông đủ của các cơ quan ban ngành và sự hưởng ứng đông đủ của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân, chức sắc tôn giáo, tướng lĩnh… Đến nay việc biên tập để xuất bản in thành sách là một nỗ lực đáng được ủng hộ. Điều này không chỉ là hiện thực hóa đường lối của Đảng và Nhà nước mà còn đáp ứng yêu cầu của cuộc sống trong hoạt động văn hóa tâm linh theo yêu cầu của phát triển, hội nhập. 

Nhóm biên tập đã chọn một cấu trúc sách hợp lý thể hiện sự tôn trọng với các tác giả: giữ nguyên hình thức cấu trúc các tham luận của các tác giả, chia ra 3 phần, với sự khác biệt tương đối. Trong từng chuyên luận của mình, nhiều tác giả cập nhật toàn diện từ thuật ngữ, khái niệm, đến thực trạng và kiến nghị, giải pháp… Điều này giúp chúng ta có thể tham khảo theo chiều ngang với từng tác giả ở các vị thế khác nhau. 

Bước đầu có thể nhấn mạnh mấy nội dung sau:

Thứ nhất - khẳng định nhận thức ngày càng đầy đủ hơn về vai trò của đời sống tâm linh và những hoạt động văn hóa tâm linh. Đồng thời cũng cập nhật quan điểm chỉ đạo của Đảng: “Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật; chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng, đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tôn giáo” (Văn kiện Đại hội XIII tập 2).

Thứ hai - nếu như văn hóa sản xuất của cải vật chất là nền tảng chi phối đặc trưng của một nền văn hóa, thì văn hóa tâm linh lại là thành tố giúp người ta nhận diện ra một nền văn hóa. Việt Nam cần ý thức sâu sắc về những di sản quý giá này. Trong bối cảnh hiện nay, khi đạo đức xã hội nhiều dấu hiệu suy thoái, xuống cấp, củng cố đức tin vào những giá trị cao đẹp, hướng thiện là việc mà văn hóa tâm linh có những đóng góp tích cực, hiệu quả. Tôn giáo tín ngưỡng chẳng những là hợp phần quan trọng của một nền văn hóa mà còn làm nên sắc thái của nền văn hóa ấy. Văn hóa tâm linh là một di sản đặc biệt của mỗi dân tộc, trong đó ẩn chứa rất nhiều truyền thống và giá trị đặc sắc cần được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy (GS. TS. Vũ Minh Giang).

Thứ ba - cùng với tôn giáo, tín ngưỡng và “tâm linh” là những hiện tượng xã hội có tính phổ biến, gắn liền với đời sống của con người và xã hội cả hàng ngàn năm nay. Việt Nam cần ý thức sâu sắc về những di sản quý giá này. 

Thứ tư - hoạt động của văn hóa tâm linh và góp phần căn chỉnh những hành vi lệch chuẩn, các di sản văn hóa tâm linh cần được xem là nguồn tài nguyên vô giá và vô tận. Nhiều công trình tôn giáo là kiến trúc độc đáo mời gọi du khách trong và ngoài nước đến chiêm bái, thưởng lãm. Nghi thức, lễ hội của nhiều tôn giáo tín ngưỡng hoàn toàn có thể trở thành những sản phẩm văn hóa độc đáo thu hút khách du lịch.

Thứ năm - tâm linh, chuyện tâm linh, hoạt động tâm linh là một nét trội trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam xưa và nay. Mọi lúc, mọi nơi, mọi thời đại đều tồn tại yếu tố tâm linh và hiện diện yếu tố tâm linh. Tâm linh trong văn hóa Việt Nam có thể nói hòa lẫn/gắn liền với tôn giáo, tín ngưỡng và niềm tin vào những gì thiêng liêng kỳ lạ không lý giải nổi (TS. Nguyễn Ngọc Mai).

Thứ sáu - những vấn đề về khái niệm, thuật ngữ, định nghĩa, vai trò, tính chất của tâm linh và văn hóa tâm linh còn đang bàn luận chưa thể kết thúc. Loài người đang cố gắng lý giải về bản chất, cấu trúc của tâm linh dưới góc độ khoa học y học, sinh học, triết học, vật lý lượng tử, kính hiển vi lượng tử, nhận diện cấu trúc dưới tế bào, đo kích thước nanomet các vật thể dạng trường, bước sóng cực ngắn… là nội dung cần được khảo cứu sâu hơn nữa (Bài có tính đề dẫn của TS. Thang Văn Phúc). 

Thứ bảy - “Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng”. “Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội” (TS. Nguyễn Vi Khải).

Khá nhiều nội dung đề cập đến mối quan hệ giữa tâm linh và tôn giáo, sự tương thích và khác biệt căn bản giữa tâm linh và tôn giáo. Như có người nói: Tôn giáo là một thỏa thuận, trong khi tâm linh là một hành trình.

Rõ ràng tâm linh và văn hóa tâm linh khác với mê tín dị doan - về mặt lý luận nhưng trong thực tiễn không dễ phân biệt các giải pháp nâng cao nhận thức hiệu quả là như thế nào.

Đặc biệt là tín ngưỡng thờ tổ tiên của người Việt và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

GS. VS. Đặng Hữu, 
nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương,
nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ


 


 

 

 


 


 

Bình luận

0/1500

Tuyển tập hay nhất

Tuyển tập hay nhất

Xem toàn bộ