GIAN NAN HÀNH TRÌNH HÀNG THẬP KỶ CỦA NHỮNG TRANG BẢN THẢO

GIAN NAN HÀNH TRÌNH HÀNG THẬP KỶ CỦA NHỮNG TRANG BẢN THẢO

 

GIAN NAN HÀNH TRÌNH HÀNG THẬP KỶ CỦA NHỮNG TRANG BẢN THẢO

Trải qua cuộc hành trình suốt 14 năm, năm 2021 này những di cảo của Phan Khôi mới có thể hoàn thiện, và có thể được xem phần việc sau cùng để hoàn thành trọn bộ "Tác phẩm Phan Khôi" do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn và tái công bố suốt 27 năm qua.

Gian nan hành trình hàng thập kỷ của những trang bản thảo

Sau khi Phan Khôi qua đời, các bản thảo viết tay chưa công bố của ông được vợ ông, bà Nguyễn Thị Huệ và các con của ông giữ gìn, bảo quản nguyên vẹn suốt 54 năm, tính đến ngày 19/12/2013.

Vấn đề xuất bản Di cảo của ông được một người con nêu lên trong cuộc tọa đàm tại Hà Nội nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của ông (6/10/2007), báo chí đã đưa tin và được quý độc giả quan tâm, đón đợi. Việc chuẩn bị bản thảo để xuất bản Di cảo do các con ông tự đảm nhiệm.

Công việc chuẩn bị bản thảo được tiến hành ngay năm sau, năm 2008. Nay là năm 2021, trải qua 13 năm mà vẫn chưa xuất bản được, là quá chậm trễ, do gặp phải những khó khăn nằm ngoài mọi sự trù liệu.

Lần chuẩn bị bản thảo đầu tiên là năm 2008 và 2009, với sự tham gia của cả 4 anh chị em; đã đánh máy sao lục xong phần chính văn, đã soạn và sao lục xong phần chú thích, đã in ra giấy để góp ý, sửa lỗi, chỉ còn việc chèn chữ Hán vào bản thảo nữa thì máy tính bị virus tấn công, phá hủy toàn bộ các dữ liệu; công việc phải tạm dừng lại.

Lần tiếp theo là năm 2013, công việc lúc này chỉ cần hai người làm: một người đánh máy sao lục và xử lý văn bản, một người chèn phần chữ Hán. Đến cuối tháng 12 thì xong việc sao lục cả phần chính văn và phần chú thích, chỉ còn việc chèn chữ Hán vào, dự định tháng 6/2014 đưa xuất bản để kịp cho Hội thảo "Phan Khôi và những đóng góp trên lĩnh vực văn hóa dân tộc" tại Quảng Nam quê hương ông vào tháng 10.

Nhưng lần này, vì một số lý do, trục trặc trong việc chèn phần chữ Hán, bản thảo của ông lại một lần nữa lỗi hẹn với độc giả.

Tháng 9/2019, không may máy vi tính bị hỏng, làm mất dữ liệu về năm cuốn sổ tay ghi chép của ông, nhưng không thể để quý độc giả chờ đợi lâu hơn nữa, nên sang năm 2020, Nhà xuất bản Tri thức vẫn quyết định xuất bản Di cảo.

Việc không có bản gốc Di cảo chỉ ảnh hưởng tới việc chèn chữ Hán và không có điều kiện sao lục lại đầy đủ nội dung 5 cuốn sổ tay ghi chép, chứ không ảnh hưởng tới độ chính xác so với bản gốc, vì việc sao lục lần thứ ba này vẫn thực hiện theo bản đánh máy từ các năm 2008, 2009 có nguồn gốc từ bản gốc Di cảo. Lần xuất bản này, Nhà xuất bản (NXB) Tri thức lấy nhan đề sách: Phan Khôi Di Cảo (bản chưa đầy đủ) là vì vậy.

Được biết từ năm 1965, nhà giáo Phan Nam Sinh - con của ông - tiến hành việc soạn, sắp xếp, lập danh mục và gói buộc toàn bộ sách vở, báo chí cùng các bản thảo viết tay chưa công bố của ông, để bà mẹ giữ gìn, bảo quản tại Hà Nội.

Nhưng chỉ từ năm 2007, Di cảo mới được một người con khác của ông ở Hà Nội - là người trực tiếp gìn giữ, bảo quản Di cảo từ năm 1977, đến lúc đó là tròn 30 năm - tiến hành nghiên cứu, phân loại và sắp xếp để chuẩn bị cho việc xuất bản.

Theo đó, Di cảo gồm 9 bản thảo - có một bản dịch - được ông viết từ quý III/1950 đến tháng 2/1958, thuộc cả hai thời kỳ: kháng chiến chống Pháp trên Việt Bắc (6 bản thảo); sau hòa bình lập lại năm 1954 ở Hà Nội (3 bản thảo); cùng 5 cuốn sổ tay ghi chép, trong đó một cuốn khổ nhỏ còn lưu lại di bút cuối cùng của ông đề ngày 2/1/1959, tức chỉ 14 ngày trước khi ông qua đời (16/1/1959).

Các bản thảo đều thuộc sở trường của ông, là lịch sử cổ đại Trung Quốc, lịch sử cận đại Việt Nam, tiếng Việt, thêm phần tiểu sử tự thuật do tự tay ông viết trong cuộc chỉnh huấn năm 1953 trên Việt Bắc.

Với hoàn cảnh xã hội của miền Bắc trước năm 1975 và của cả nước trước năm 1986; với hoàn cảnh của cá nhân ông về cuối đời bị quy kết tội phản động, bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn, bị cấm công bố tác phẩm, thì các bản thảo có giá trị nhiều mặt này cũng phải chịu chung số phận không được công bố; đó là một thiệt thòi cho học giới nước nhà.

Di cảo là những trang viết mà Phan Khôi đã dồn hết trí tuệ, sức lực để hoàn thành một bản khảo luận rất có giá trị về tiếng Việt trước ngày ông qua đời một năm?

Lần này, xuất bản Phan Khôi Di Cảo (bản chưa đầy đủ) là phần việc sau cùng để hoàn thành trọn bộ Tác phẩm Phan Khôi do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn và tái công bố suốt 27 năm qua.

Những tác phẩm đồ sộ cho học giới nước nhà

Phan Khôi Di Cảo (bản chưa đầy đủ) gồm hai phần: Phần Di cảo và Phần Phụ lục. Phần Di cảo gồm năm loại: Tiểu sử tự thuật, nghiên cứu, tác phẩm dịch, hồi ký lịch sử và sổ tay ghi chép.

Tiểu sử tự thuật: Gồm các bài "Tự thuật tiểu sử sơ lược", "Kiểm thảo sơ bộ", "Tự kiểm thảo". Đây là ba tài liệu ông tự tay viết trong cuộc chỉnh huấn năm 1953 trên Việt Bắc. Chỉnh huấn hồi đó chỉ có tính chất thời sự, nhưng nhờ có ba tài liệu này mà người đời sau mới biết về các mốc thời gian quan trọng của cuộc đời ông và sự phát triển tư tưởng của ông.

Nghiên cứu: Gồm các bài "Cổ sử Trung Hoa bị đánh đổ", "Kiểm thảo lại cái gọi bằng dân chủ ở Trung Quốc đời xưa", "Những con số không nhất định trong từ ngữ".

Bài "Cổ sử Trung Hoa bị đánh đổ" ông viết xong vào tháng 12/1950. Đó là kết quả của việc ông được đọc và đặc biệt tâm đắc với tác phẩm Trung Quốc cổ đại xã hội nghiên cứu của Quách Mạt Nhược (1892 - 1978), một học giả lớn của Trung Quốc, cùng thời với ông.

Bài "Kiểm thảo lại cái gọi bằng dân chủ ở Trung Quốc đời xưa" ông viết xong ngày 4 tháng 5/1951. Ông viết bài này cũng từ cảm hứng khi đọc tác phẩm nói trên của Quách Mạt Nhược. Nội dung đậm tính phản biện lịch sử Trung Hoa cổ đại của bài viết là dấu ấn của một bộ óc thông kim bác cổ cùng khối kiến thức đồ sộ mà ông đã tích lũy trong suốt cuộc đời mình, trong đó nổi lên quan điểm duy vật lịch sử được ông thừa nhận như chìa khóa để mở cánh cửa lịch sử của bất cứ dân tộc nào, quốc gia nào.

Bài "Những con số không nhất định trong từ ngữ" ông viết xong ngày 1/2/1958 tại nhà số 10 Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội, khi mọi quyền lợi đều đã từ bỏ ông và ông cũng đã đến hồi sức cùng lực kiệt.

Để viết được bài nghiên cứu cuối cùng này, ông đã phải tích lũy các quan sát, các suy ngẫm từ lúc còn trẻ tuổi. Có đọc các bài báo ông viết hồi trước về cách viết tiếng Việt, cách đọc tiếng Việt, mới thấy bài viết này như chùm quả ngọt cuối cùng ông để lại cho đời, sau gần nửa thế kỷ cày xới, gieo trồng đầy nhọc nhằn với tất cả tâm huyết dành cho tiếng mẹ đẻ.

Tác phẩm dịch: Gồm "Bài tựa" và "Bài đạo luận" của cuốn Trung Quốc cổ đại xã hội nghiên cứu. Nguyên do là ông rất muốn dịch cuốn sách của tác giả họ Quách ra tiếng Việt vì thấy nó có ích lắm, nhưng ngặt nỗi hoàn cảnh kháng chiến không thể xuất bản một cuốn sách dày như thế, nên ông phải dịch trước phần "Bài tựa" và "Bài đạo luận" của sách ấy. Hai bài này ông dịch xong vào cuối quý III năm 1950, ngay sau khi ông đọc xong lần cuối cuốn sách và hình thành ý định giới thiệu nó tới người Việt.

Hồi ký lịch sử: Gồm hai bài "Vụ xin xâu ở Quảng Nam" và "Duy Tân khởi nghĩa". Năm 1955, ở Hà Nội, ông Trần Huy Liệu, Trưởng Ban nghiên cứu Văn - Sử - Địa, đề nghị ông viết lại hai sự kiện quan trọng này của lịch sử cận đại Việt Nam, vì ông là nạn nhân của sự kiện thứ nhất và là nhân chứng sống của sự kiện thứ hai. Ông hoàn thành hai bài viết này vào giữa năm 1955.

Sổ tay ghi chép: Theo bản thảo chuẩn bị năm 2013, thì ông có năm cuốn sổ tay ghi chép. Nhưng, như đã nói ở trên, tháng 9/2019 máy tính bị hỏng, dữ liệu của năm cuốn sổ tay này bị mất hẳn, bản gốc Di cảo lại không có trong tay; nên Phan Khôi Di Cảo (bản chưa đầy đủ) xuất bản lần này không có những mẩu ghi chép trong năm cuốn sổ tay đó.

Tuy vậy, một số mẩu ghi chép của vài cuốn trong sổ đó đã kịp đưa vào tác phẩm Nắng được thì cứ nắng - Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân văn của Phan An Sa do NXB Tri thức ấn hành năm 2013 tại Hà Nội. Vì vậy, lần này, với mong muốn lưu giữ lại những tư liệu ấy, ban biên soạn đã gom góp những mẩu ghi chép đó, đưa chung vào mục "Các cuốn sổ tay".

Thuộc phạm vi Di cảo của Phan Khôi, còn có hai tác phẩm cực kỳ quan trọng, đến nay buộc phải khẳng định là đã vĩnh viễn mất đi, không còn có cơ hội tìm lại được nữa. Đó là tác phẩm Phan Châu Trinh do chính vị lãnh tụ Phong trào Duy Tân ủy thác Phan Khôi soạn thảo vào cuối năm 1925 đầu năm 1926 tại Sài Gòn và tác phẩm ghi chép và tạp văn Phan Khôi viết từ đầu kháng chiến chống Pháp đến hòa bình lập lại.

Tác phẩm Phan Châu Trinh: thông qua tiểu sử Phan Châu Trinh, tác phẩm bình luận về đời sống chính trị, tư tưởng, các dự án và công việc tuyên truyền cách mạng ở Đông Dương. Phan Châu Trinh tạ thế ngày 24/3/1926, thì đến giữa năm 1926 bản thảo đánh máy 94 trang của tác phẩm này bị mật thám Pháp tịch thu, từ đó không ai còn biết số phận của nó nữa.

Tác phẩm ghi chép và tạp văn Phan Khôi viết từ đầu kháng chiến chống Pháp đến hòa bình lập lại, trở về Thủ đô, ông sửa sang lại và đặt tên là Nắng chiều. Tập bản thảo khá dày, được ông đưa đến NXB Hội nhà văn vào tháng 12/1957, lúc câu chuyện Nhân văn - Giai phẩm đã thành ra vấn đề và số phận của những người tham gia thực chất đã được định đoạt, bởi đó mà nghe nói tập bản thảo đã bị đốt.

Phan Khôi (1887 - 1959) là một học giả tên tuổi, một nhà thơ, nhà văn, thành viên nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm, cháu ngoại của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu. Ông sinh tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, đỗ Tú tài chữ Hán năm 19 tuổi nhưng lại mở đầu và cổ vũ cho phong trào Thơ mới.

Ông còn là một nhà báo tài năng, một người tích cực áp dụng tư tưởng duy lý phương Tây, phê phán một cách hài hước thói hư tật xấu của quan lại phong kiến và thực dân Pháp. Ông cũng là một trong số ít nhà báo tiếp thu nhiều tư tưởng mới, đa văn hóa từ Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp... Ông còn nổi tiếng vì sự trực ngôn, trước 1945 được mang danh là Ngự sử văn đàn. Ông phê phán chính sách cai trị của người Pháp một cách sát sườn, đối thoại với các học giả từ Bắc đến Nam không e dè kiêng nể. Những năm 1956 - 1958 cũng vì cung cách nói thẳng ấy ông đã buộc phải dừng sáng tác. Ông qua đời vào năm 1959./.

 

Thủ tụcHành chính
Tin nổi bậtXem toàn bộ