80 lượt mua
Hotline:
02466878415Năm XB: | 2018 | Loại sách: | Sách giấy; Ebook; |
Khổ sách: | 13 x 20.5 | Số trang: | 248 |
Quốc gia: | Việt Nam | Ngôn ngữ: | vi |
Mã ISBN: | 9786049437120 | Mã ISBN Điện tử: | 9786043402445 |
1.Tác giả
Nguyễn Văn Trọng sinh năm 1940. Năm 1960 ông học chuyên ngành vật lí lí thuyết tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Kiev, và theo đuổi nghiên cứu chuyên môn này tại Viện vật lí (Viện khoa học) cho đến khi về hưu (năm 2005). Ông là tác giả cuốn Những ghi chép về quyền tự do lựa chọn (NXB Tri thức, 2015). Ngoài ra ông còn dịch một số tác phẩm triết học nổi tiếng của các triết gia như J. S. Mill; I. Berlin; N. Berdyaev; S. L. Frank...
2. Tác phẩm
Đây là tập hợp chọn lọc những bài viết được thực hiện rải rác trong khoảng thời gian từ 2005 đến 2017, tập trung vào ba chủ đề chính: một là khoa học tự nhiên và văn hóa, hai là tất định luận & tự do lựa chọn, và ba là định hướng tinh thần của tôn giáo.
Ba chủ đề này là quá trình nhận thức của tác giả vốn có xuất phát điểm từ một người nghiên cứu khoa học tự nhiên (vật lí lí thuyết) theo nghề nghiệp. Hai bài viết đầu tiên là kết quả tìm hiểu để trả lời câu hỏi: thực chất khoa học tự nhiên là gì, và có thể giúp gì cho con người có được định hướng đúng đắn trong cuộc sống nhân sinh. Tác giả rất ấn tượng với nhận xét của E. F. Schumacher: "Ở điểm này, những gì chúng ta cần phải thấu hiểu - và viết vào tấm bản đồ tri thức của chúng ta - là điều sau đây: Vì vật lí học và các khoa học chỉ dẫn khác đặt cơ sở cho bản thân mình ở phương diện đã chết của tự nhiên, nên chúng không thể dẫn đến triết học, nếu triết học là đưa ra hướng dẫn về chuyện sống là thế nào. Vật lí học thế kỉ XIX bảo chúng ta rằng sự sống là một tình cờ vũ trụ không có ý nghĩa hay mục đích. Các nhà vật lí tốt nhất của thế kỉ XX lấy lại những lời nói ấy và bảo chúng ta rằng họ chỉ xử lí với các hệ thống đặc thù, bị cô lập chặt chẽ, nhằm chứng tỏ các hệ thống ấy vận hành ra sao, hay có thể tạo ra để vận hành thế nào, và rằng không có những kết luận triết học tổng quát nào có khi nào lại có thể được (hay phải được) rút ra từ tri thức ấy".
Vậy những câu hỏi nhân sinh về định hướng tinh thần cho cuộc sống của con người phải bắt đầu bằng câu hỏi về bản chất con người là gì. Tác giả đã lựa chọn bài viết "Tất định luận và tự do lựa chọn" để mở đầu cho chủ đề về tự do của con người. Tác giả muốn phân biệt TỰ DO với thói tự tung tự tác của con người ở hai bình diện: một là tôn trọng sự khác biệt của người khác trong giới hạn sự khác biệt ấy không tổn hại cho xã hội, và hai là: tự do lựa chọn cứu cánh cho cuộc sống của mỗi người như một quá trình con người tự tạo ra bản chất của mình. Đây là quan điểm của triết học hiện sinh, nhưng cũng là quan điểm của triết học Phật giáo.
Chủ đề cuối cùng trong tập hợp các bài viết này là về tôn giáo: tác giả tự thấy mình thời tuổi trẻ đã có những định kiến không đúng về tôn giáo, và muốn trình bày những lí lẽ bác bỏ các định kiến sai lầm ấy. Đó cũng là giới hạn tác giả tự đặt ra cho mình: không rao giảng một đức tin tôn giáo cụ thể nào vì đó là phạm vi tự do lựa chọn của mỗi cá nhân.
Trong tập hợp này mỗi bài viết có một chủ đề ít nhiều mang tính độc lập, nhưng đều là do tác giả thực hiện như một chủ thể hiện sinh. Và vì vậy việc xảy ra trùng lặp những trích đoạn là không thể tránh khỏi. Nếu lược bỏ những trích đoạn trùng lặp ở một bài viết nào đó ắt sẽ khiến cho bài viết ấy mất đi chủ đích độc lập vốn có của nó vào thời điểm nó được thực hiện. Đó là lí do tác giả giữ lại một cách đầy đủ các bài viết có các trích đoạn trùng lặp.
3. Trích dẫn
“Con người có thể tự do lựa chọn đi xuống tới những thang bậc thấp kém nhất của thế giới thú vật, nhưng cũng có thể nâng cao bản thân mình lên tới phạm vi cao cả nhất của thần thánh. Là nhân vị tự do nên con người phải chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình. Khi một người chối bỏ tự do (để đổi lấy miếng ăn hay sự an toàn chẳng hạn), thì anh ta cũng mất đi phẩm giá làm người để rơi xuống hàng "sự vật". Nhưng việc chối bỏ tự do suy đến cùng thì cũng vẫn là một lựa chọn, và anh ta phải chịu trách nhiệm với lựa chọn ấy của mình. Nói theo ngôn ngữ Phật giáo thì con người tự tạo nghiệp cho mình bằng những lựa chọn mà anh ta thực hiện trong cuộc đời; mọi sinh linh tự quyết định bản chất và hiện hữu cho chính nó bằng các hành động của nó. Hệ quả là: sự đa dạng là bản chất của con người chứ không phải là điều kiện nhất thời.
(Trích Bìa 4, Khoa học tự nhiên và con người trong đời sống tinh thần, Nguyễn Văn Trọng, NXB Tri thức 2018)
Bình luận