Cẩm nang xây dựng dự án nghiên cứu trong khoa học xã...
109 lượt mua
Hotline:
02466878415Năm xuất bản sách giấy: | 2025 | Năm xuất bản sách điện tử: | |
Khổ sách: | 13 x 20.5 | Số trang: | 304 |
Quốc gia: | Việt Nam | Ngôn ngữ: | vi |
Mã ISBN: | 9786326211610 | Mã ISBN Điện tử: | |
Loại sách: | Sách giấy | Nhà xuất bản: | Nhà xuất bản Tri thức |
Cuốn sách này không chỉ là bản phê bình ngắn gọn về cuộc đời và sự nghiệp của Vygotsky trong bối cảnh chính trị và biến động xã hội thời bấy giờ, mà còn phân tích hướng nghiên cứu xuyên văn hóa và ứng dụng những ý tưởng của ông vào giáo dục hiện đại. Tác giả René van der Veer cũng có những diễn giải riêng về Vygotsky với tư cách là người đóng góp đặc biệt cho giáo dục nhưng cũng có những điểm chưa tiến bộ. Qua đó ông kết luận rằng ưu điểm của di sản Vygotsky nằm ở tính gợi mở và chờ được hoàn thiện.
Các nhà chép sử của khoa học có thể “... không bao giờ lý giải được hoàn toàn sự nổi tiếng của các ý tưởng của Vygotsky ở phương Tây. Không thể giải thích được ít nhất là một phần nào đó sự hấp dẫn trong các bài viết của Vygotsky. Giống như một bí mật không thể tìm ra, sự sáng tạo của Vygotsky đã hấp dẫn nhiều nhà nghiên cứu, cả phương Tây và Nga.
Lời tựa
Cho dù là một sản phẩm tự nhiên hay là một tạo tác của tâm lý học Nga Xô viết thế kỷ XX, Vygotsky chắc chắn đã ảnh hưởng đến phong cảnh của tâm lý học hiện đại. Trong cuốn Tư duy giáo dục của Vygotsky, René Van Der Veer đã xem xét nguồn gốc trí tuệ và xúc cảm của Vygotsky với tư cách nhà tư tưởng, vạch cho độc giả sự diễn giải của ông về Vygotsky như một người và một phản-người (anti-man) của thời đại ông và phác thảo sự đóng góp sâu sắc của ông cho tâm lý học.
Như Van Der Veer đã gợi ý, các nhà chép sử của khoa học có thể “… không bao giờ lý giải được hoàn toàn” (tr.4) sự nổi tiếng của các ý tưởng của Vygotsky ở phương Tây. Không thể giải thích được ít nhất là một phần nào đó sự hấp dẫn trong các bài viết của Vygotsky. Giống như một bí mật không thể tìm ra, sự sáng tạo của Vygotsky đã hấp dẫn nhiều nhà nghiên cứu phương Tây và Nga.
Trong tập sách mới này, góc nhìn tuyến tính của Van der Veer đi từ tiểu sử của Vygotsky (Chương 1), khai phá những bài viết thời trẻ của ông (ít được biết đến hơn ở phương Tây) (Chương 2), điều tra nguồn gốc của thuyết lịch sử-văn hóa của Vygotsky (Chương 3), đặc biệt chú ý đến khái niệm vùng phát triển gần nhất (VPTGN) (Chương 4), giới thiệu ý tưởng của Vygotsky về tâm lý học văn hóa (Chương 5) và kết thúc bằng một tóm tắt về ảnh hưởng của Vygotsky đến tâm lý học hiện đại (Chương 6). Cuốn sách tập trung trước hết vào những đóng góp của Vygotsky cho giáo dục nhưng tác giả mở rộng sang một số chủ điểm chung trong các bài viết của Vygotsky (ví dụ: các khái niệm về công cụ văn hóa và chức năng tâm trí bậc cao), cung cấp tổng quan về công trình của Vygotsky. Cuốn sách của Vygotsky là một bản thống kê có nhiều giá trị về công trình của Vygotsky và rất hữu ích không chỉ với các nhà sử học của môn tâm lý học và giáo dục mà còn có ích cho sinh viên, các nhà nghiên cứu và người thực hành trong cả hai lĩnh vực.
Vygotsky là một gương mặt quan trọng của lịch sử hàn lâm Nga nên đây không phải là cuốn sách đầu tiên về ông. Nhiều tác giả Nga như Andrey Brushlinsky, Alexandr Etkind, Valery Petukhov, Andrey Puzyrey, Irina Sirotkina, Vladimir Umrikhin và Mikhail Yaroshevsky cùng nhiều người khác đã viết về Vykotsky. Những bản tổng kết của họ, tuy có những khác biệt, đều cho ta một góc nhìn theo chiều ngang nhiều hơn, mô tả sự sáng tạo của Vygotsky như một phần của “ý thức chia sẻ”, “tư tưởng Nga”, của thế kỷ XX. Những tác giả đó thường viết bằng tiếng Nga, khó đến được các nhà tâm lý học và các nhà giáo dục học phương Tây. Đó cũng là lý do khiến cuốn sách của Van der Veer có tầm quan trọng đặc biệt - nó nối liền quan điểm Nga và phương Tây về Vygotsky và những sáng tạo của ông.
Cũng giống như mọi tiểu sử về các nhân vật lịch sử, cuộc đời của Vygotsky cũng có ít nhiều dị bản nhưng chỉ là ở những tiểu tiết. Những dị bản đó chỉ cho thấy sự phức tạp của bối cảnh lịch sử. Dù vậy, những người nghiên cứu Vygotsky đều thống nhất ở ba điểm chính sau đây:
Thứ nhất, độc giả của Vygotsky nhất trí về quan điểm có sức ảnh hưởng lớn của ông rằng con người là kẻ sáng tạo và điều chỉnh kiến thức. Đối với Vygotsky, đứa trẻ không phải là một cấu trúc cơ học hành động theo vài chương trình được mặc định trước, chạy theo các giai đoạn phát triển, mà là một “người sáng tạo” các chức năng tâm trí cao cấp của mình, vì mỗi chức năng này đòi hỏi phải được xây dựng vừa bằng những khối bẩm sinh với các công cụ tâm trí vừa bằng các quy tắc văn hóa do những người trưởng thành đề xướng. Hành động xây dựng này mang tính con người về bản chất và là duy nhất ở mỗi đứa trẻ. Cách diễn giải nhân văn về sự phát triển có sự tôn trọng đúng mức cả tự nhiên và cả sự nuôi dưỡng, trong đó tự nhiên là “vật liệu” còn nuôi dưỡng là “các quy tắc hướng dẫn”, nhấn mạnh rằng sự hợp thành và thống nhất của hai điều trên vô cùng thần diệu, và không ai bắt chước ai được. Vygotsky cổ vũ mỗi đứa trẻ - dù các em phát triển một cách điển hình hay không - xây dựng các tự ngã riêng.
Thứ hai, có sự nhất trí về độ rộng trong sáng tạo của Vygotsky cũng như đóng góp của ông cho các nhánh tâm lý học và tư duy con người. Bất kể cuốn sách nào viết về Vygotsky cũng cần phải được giới hạn, đơn giản là do ông viết hàng nghìn trang, đề cập đến nhiều chủ đề khác nhau. Điều quan trọng cần lưu ý là có sự không đồng nhất trong tư tưởng của Vygotsky, cả theo thời gian lẫn trong một thời điểm. Các bài viết của ông mâu thuẫn ở một số chỗ và sự phản tư về một “khủng hoảng trong tâm lý học” cho thấy sự căng thẳng trong nội tâm ông và sự căng thẳng trong lĩnh vực này, cũng nói lên sự căng thẳng tuyệt đối cần thiết và không thể tránh được cho sự phát triển của tâm lý học với tư cách một môn khoa học. Tâm lý học bị khủng hoảng trước Vygotsky, trong thời Vygotsky và sau Vygotsky, cả trong tương lai có thể nhìn thấy trước. Đối với Vygotsky, khi cơn khủng hoảng qua đi, tâm lý học với tư cách một môn khoa học sẽ chết.
Thứ ba, sự sáng tạo của Vygotsky không đặc trưng ở số lượng lớn các nghiên cứu quan nghiệm (empirical) mà là ở những ý tưởng thử nghiệm (experimental) xuất sắc. Mặc dù Vygotsky không có may mắn thực hiện và đánh giá các ý tưởng của chính ông nhưng những người khác đã và đang làm việc đó. Đặc trưng trong các bài viết của Vygotsky là hương vị của sự phong phú các giả thiết có thể đo nghiệm được. Ông đưa ra rất nhiều ý tưởng nhưng đo nghiệm rất ít. Đó là vì sao đọc Vygotsky lại hiệu quả. Người ta luôn đi ra khỏi cuốn sách với một hai điều để thử nghiệm.
Đó là lý do vì sao Vygotsky luôn có các môn đồ và việc Van der Veer giải trình về con người Vygotsky và các ý tưởng của ông sẽ hữu ích cho họ. Về thực chất, việc Van der Veer làm với sự sáng tạo của Vygotsky cũng giống như việc Vygotsky đã làm với Hamlet của Shakespeare - ông lôi kéo “sự chú ý của độc giả vào một diễn giải khả dĩ và được thừa nhận là chủ quan” về tác phẩm “trong khi vẫn bảo tồn đặc tính bí hiểm của nó” (xem trang 80 cuốn sách này).
Elena L. Grigorenko
Đại học Yale - Mỹ
Đại học Quốc gia Moscow - Nga
Lời nói đầu của Biên tập viên Tủ sách
Giáo dục đôi khi được mô tả như là một hoạt động thực tế. Có vẻ như, đó là nói về việc dạy và học, chương trình giảng dạy và những gì diễn ra trong trường học. Đó là nói về việc đạt được những mục tiêu nhất định, sử dụng những phương pháp nhất định và những mục tiêu và phương pháp này thường được quy định sẵn cho giáo viên, những người có nhiệm vụ thực hiện chúng một cách nhiệt tình và trung thành. Với mục đích rõ ràng như vậy, giá trị của lý thuyết là gì?
Những năm gần đây, các chính trị gia và nhà hoạch định chính sách ở nhiều quốc gia công khai phủ nhận mọi giá trị hoặc nhu cầu đối với lý thuyết giáo dục. Có lẽ manh mối cho sự việc này là một bình luận đáng chú ý của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Anh vào những năm 1990: “việc có bất kỳ ý tưởng nào về cách trẻ em học tập, phát triển hay cảm nhận, nên được coi là hoạt động phá hoại”. Cụm từ ngắn gọn này nắm bắt được vấn đề của lý thuyết: nó phá hoại, thách thức và làm suy yếu chính những giả định làm nền tảng cho hoạt động giáo dục.
Do đó, các nhà lý thuyết giáo dục là những kẻ gây rắc rối trong lĩnh vực ý tưởng. Họ gây ra mối đe dọa đối với hiện trạng và khiến chúng ta đặt câu hỏi về những giả định theo thường tri của các hoạt động giáo dục. Nhưng đây chính xác là những gì chúng nên làm vì ngôn ngữ có vẻ đơn giản của trường học và việc dạy-học ở nhà trường ẩn chứa nhiều khái niệm gây tranh cãi mà trong những cách sử dụng khác nhau của chúng phản ánh những bất đồng cơ bản về mục tiêu, giá trị và hoạt động của giáo dục.
Ngụ ý trong tủ sách Thư viện liên tục về tư tưởng giáo dục (Continuum Library of Educational Thought) là một khẳng định rằng các lý thuyết và việc lý thuyết hóa là vô cùng quan trọng đối với giáo dục. Bằng cách tập hợp các ý tưởng của một số nhà tư tưởng giáo dục có ảnh hưởng, quan trọng và thú vị nhất, từ người Hy Lạp cổ đại đến các học giả đương đại, bộ sách này có nhiệm vụ đầy tham vọng là cung cấp một nguồn tài nguyên dễ tiếp cận nhưng có thẩm quyền cho một thế hệ sinh viên và giáo viên. Các tập trong bộ sách được viết bởi những nhà lãnh đạo được công nhận trong lĩnh vực này, những người được lựa chọn vì cả vị thế học giả và năng lực truyền đạt những ý tưởng thường là phức tạp đến nhiều đối tượng khác nhau.
Luôn có thể đặt câu hỏi về danh sách các nhà tư tưởng chính được giới thiệu trong bộ sách này. Một số người có thể đặt câu hỏi về việc đưa vào một số nhà tư tưởng; một số có thể không đồng ý với việc loại trừ những người khác. Việc đó chắc chắn sẽ xảy ra. Không có gợi ý nào cho thấy danh sách các nhà tư tưởng được giới thiệu trong Thư viện liên tục về tư tưởng giáo dục là có tính quyết định theo bất kỳ cách nào. Điều không thể chối cãi là những nhà tư tưởng này có những ý tưởng hấp dẫn về giáo dục và khi kết hợp lại, Thư viện có thể hoạt động như một nguồn thông tin và nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho những người cam kết nghiên cứu giáo dục.
Richard Bailey
Đại học Roehampton, London
Lời nói đầu của tác giả
Khi viết cuốn sách này, tôi đã sử dụng nhiều sách và bài viết trước đây do Jaan Valsiner và tôi xuất bản. Trong nhiều năm, chúng tôi đã hợp tác rất nhiều về lý thuyết văn hóa-lịch sử và các chủ điểm khác đến nỗi đôi khi khó có thể nói ông ấy kết thúc ở đâu và tôi bắt đầu ở đâu. Do đó, tôi muốn cảm ơn cả hai chúng tôi vì những gợi ý hữu ích, hiểu biết sâu sắc có giá trị và những bình luận phê bình. Tôi cũng nợ David Allen vì những thông tin hữu ích của ông về Stanislavsky. Paul Vedder và Seth Chaiklin đã đưa ra những bình luận phê bình về một số phần của bản thảo mà tôi đã cố gắng bỏ qua nhưng không thành công. Cảm ơn vì điều đó. Tất nhiên, những lỗi còn lại là của tôi. Vấn đề là Vygotsky đã đề cập đến rất nhiều chủ điểm có nhiều hậu quả đối với khoa học của chúng ta đến mức cần một Vygotsky khác để thảo luận đầy đủ về chúng theo quan điểm của khoa học hiện đại. Mà tôi thì không phải người ấy. May mắn thay, độc giả sẽ mang kiến thức chuyên môn của riêng mình vào cuốn sách này và sẽ điền vào các chi tiết mà tôi bỏ sót và sửa bất kỳ lỗi nào tôi mắc phải. Hy vọng rằng kết quả của nỗ lực chung này sẽ là một cái nhìn tổng quan đầy kích thích về quan điểm của Vygotsky về giáo dục.
René van der Veer
Leiden, tháng 7 năm 2006
LEV VYGOTSKY
(1896-1934)
Nhà tâm lý học vĩ đại người Nga Lev Vygotsky có ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng về giáo dục. Các công trình nổi bật của ông về diễn giải nghệ thuật, lý thuyết văn hóa-lịch sử về tâm trí và vùng phát triển gần nhất đều có tác động đến giáo dục hiện đại.
Các cuốn nhập môn tâm lý học đều nêu tên ông với tư cách nhà nghiên cứu đã đưa các quan điểm xã hội vào tâm lý học. Các nhà nghiên cứu trên mọi lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đều chịu ảnh hưởng của các công trình của Vygotsky. Ông là một trong 100 nhà tâm lý học nổi danh nhất thế kỷ XX.
- (Haggbloom 3 cộng sự, 2002)
RENÉ VAN DER VEER (1952)
là Giáo sư (Casimir) Lịch sử Giáo dục tại Đại học Leiden (Leiden University - Hà Lan).
Ông là tác giả của nhiều bài báo và nhiều cuốn sách về lịch sử tâm lý học phát triển và giáo dục.
Các tác phẩm chính:
• Hiểu về Vygotsky (Understanding Vygotsky) (viết năm 1991 cùng J. Valsiner), Độc giả Vygotsky (Vygotsky Reader) (viết năm 1994 cùng J. Valsiner),
Tâm trí xã hội (Social Mind) (viết năm 2000 cùng J. Valsiner),
Sổ tay Cambridge về Tâm lý học Văn hóa-Lịch sử (Cambridge Handbook of Cultural Historical Psychology) (viết năm 2014 cùng A. Yasnitsky và M. Ferrari)
Suy tưởng
4014 lượt xem
Tâm lí học đám đông
3401 lượt xem
Nguồn gốc các loài
3212 lượt xem
Căn phòng riêng
3005 lượt xem
Những thế giới trong tâm trí
2921 lượt xem
Bình luận