Lòng tin & vốn xã hội
Lòng tin & vốn xã hội
4.5
224
Lượt xem
0
Đã bán
Chọn sản phẩm
Sách giấy
Sắp ra mắt
Thông tin xuất bản
NXB
Nhà xuất bản Tri thức
Người dịch:
Năm XB:
2014
Loại sách:
Sách giấy;
Khổ sách:
13 x 20.5
Số trang:
380
Quốc gia:
Ngôn ngữ:
vi
Mã ISBN:
Mã ISBN Điện tử:

Tin và đáng tin

Bùi Văn Nam Sơn

Lòng tin không thể mua mà có, không thể ra lệnh mà được, không thể học hay dạy mà cần thời gian để thử thách ở cả hai chiều: tin có nghĩa là tin nhau.

1.

Tin xuân đã có nhành mai đấy
Không lịch nhưng mà vẫn biết Giêng...

Đó là hạnh phúc đơn sơ của người hàn sĩ vào thuở mà tin còn đồng nghĩa với... tín, vì trong cõi vô thường, ít ra người ta vẫn còn có thể vững tin vào những định luật hầu như hằng cửu của tự nhiên: “Xuân sinh thu thành, bản vô tâm ư thảo mộc; phong hành ba động, tận hữu tín ư trùng ngư...”.

Ngày nay, có lẽ không khó lắm để có một quyển lịch, nhưng nhành mai thì không chắc sẽ kịp báo tin xuân vì bị ngập úng; gió mưa không chỉ lỗi hẹn với cá tôm mà còn đẩy chúng vào chết ngạt giữa lòng thành phố...

Rồi còn bao nhiêu sông hồ, rừng núi đang và sẽ là nạn nhân của cơn mê cuồng tàn phá. Câu thơ “Cung Oán” tưởng đã vĩnh viễn lùi xa nay lại làm quặn lòng bao người đang được sống trong hòa bình: tang thương đến cả hoa kia cỏ này...

“Nhân tai” lan tràn khắp chốn và nay đang trở thành thảm họa toàn cầu với cơn đại khủng hoảng kinh tế - tài chính mà chưa ai lường hết được quy mô và những hệ lụy của nó. Khủng hoảng lòng tin là câu chuyện trên cửa miệng mọi người ngay khi đang đón xuân bên tách trà và... nhành mai (nếu có!).

2. Lòng tin nói ở đây là sự chờ đợi rằng những người hay những tổ chức có liên quan sẽ hành động trong khuôn khổ những giá trị chung hay những quan niệm luân lý nào đó. Nói cách khác, lòng tin giả định rằng sự việc sẽ diễn ra một cách tích cực hay đúng theo sự chờ đợi. Đặc điểm quan trọng ở đây là sự có mặt của một khả năng hành động khác, và đó cũng là chỗ phân biệt giữa lòng tin và hy vọng. Lòng tin dựa trên sự đáng tin cậy, sự yên tâm và sự trung thực. Nó thể hiện ra trong hiện tại nhưng lại hướng đến những gì xảy ra trong tương lai.

Hằng ngày ta vẫn thường được khuyên: “Hãy giữ vững lòng tin!” như lời mời gọi của một phẩm tính nhân loại đích thực. Thật thế, lòng tin há chẳng phải là cơ sở mạnh mẽ cho quan hệ tốt đẹp giữa người với người, dù lòng tin ấy đã bao lần bị chà đạp, bởi người khác lẫn... bởi chính ta?

Giá trị nhân loại ấy trở thành một giá trị giả, khi lòng tin cậy bị đánh đồng với sự tin tưởng mù quáng. “Hãy tin cậy tôi!” trở thành “Hãy tin tôi đi!”. “Tôi không còn tin cậy anh nữa!” trở thành “Tôi không tin anh!”. Tin thay chỗ cho biết, không khác gì ta tin một người mà không hề biết họ. Chỉ khi ta biết họ thì mới đồng thời biết được chiều hướng hành động của họ có đáng để ta tin hay không. Người thầy tin vào trò vì biết về năng lực của trò. Tin mà không biết là giao việc một cách mù quáng và vô trách nhiệm.

Để nhận ra tầm quan trọng của cái biết vốn bắt rễ sâu trong lòng tin, nhiều tác giả phương Tây cố lần ra từ nguyên của chữ “trust” trong tiếng Anh hay chữ “vertrauen” trong tiếng Đức. Cả hai đều bắt nguồn từ chữ Gothic “trauan”, có nghĩa là “mạnh mẽ, chắc nịch như một cây cổ thụ”. Nghĩa bóng của nó là: đúng đắn, chân thật, đích thực và không có chút dính líu gì đến việc tin mù quáng cả! Mạnh mẽ, chắc nịch như cây cổ thụ là hình ảnh và biểu trưng đầy sức mạnh cho sinh lực bền vững, luôn sáng tạo và tiến hóa. Không phải ngẫu nhiên mà ngay trong niềm tin tôn giáo, nơi cái biết tưởng như không mấy quan trọng vì người ta vẫn có thể “tin vì nó phi lý” hay “tin để biết” thì nhiều bậc giáo chủ vẫn lập tức bổ sung: “Biết để tin” (Augustinus) hay mạnh mẽ hơn: “Một khi ta đã xác tín vững chắc trong đức tin thì theo tôi, có vẻ chính sự buông thả đã khiến ta không nỗ lực tìm hiểu những gì ta tin” (Anselm).

Như thế, việc có được lòng tin đích thực (hay ngược lại, tạo được lòng tin đích thực nơi người khác) là gian nan hơn mới thoạt nhìn, vì lòng tin không phải là quà tặng dễ dãi mà phải “lao động” cật lực mới có được - giống như đối với mọi giá trị bền vững đích thực khác. Một khi lòng tin đích thực đã đạt được thì không dễ bị lạm dụng và lợi dụng, vì nó dựa vững chắc vào cái biết đích thực...

 (Bài đã đăng tại Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 22/1/2009)

Bình luận

0/1500

Tuyển tập hay nhất

Tuyển tập hay nhất

Xem toàn bộ