61 lượt mua
Hotline:
02466878415NXB | Nhà xuất bản Tri thức | Người dịch: | Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng, Trần Hữu Quang |
Năm XB: | 2019 | Loại sách: | Ebook; |
Khổ sách: | 16 x 24 | Số trang: | 646 |
Quốc gia: | Việt Nam | Ngôn ngữ: | vi |
Mã ISBN: | 9786049808234 | Mã ISBN Điện tử: | 9786043401592 |
I. Đôi nét về tác giả:
Maximilian Carl Emil Weber (1864 – 1920): nhà kinh tế chính trị học và xã hội học người Đức. Cùng với Vilfredo Pareto, Émile Durkheim, Georg Simmel và Karl Marx, ông được coi là một trong những người sáng lập ngành xã hội học hiện đại. Khởi nghiệp tại Đại học Berlin, sau đó Weber làm việc tại các trường đại học Freiburg, Heidelberg, Wien và München. Ông là người am tường nền chính trị Đức, từng là cố vấn cho các nhà thương thuyết Đức tại Hiệp ước Versaille và tham gia soạn thảo Hiến pháp Weimar.
Weber không chỉ là một nhà xã hội học, ông còn được biết đến như là một nhà triết học, nhà luật học, nhà kinh tế học và nhà sử học với những kiến thức và lý giải uyên thâm. Khối lượng công trình đồ sộ của Weber có thể được xếp làm bốn loại chính sau đây: (a) các công trình phương pháp luận trong khoa học xã hội và triết học, (b) các công trình sử học, (c) các công trình xã hội học về tôn giáo, và (d) công trình quan trọng nhất của Weber là quyển Wirtschaft und Gesellschaft (Kinh tế và xã hội) (1922).[1]Vốn được coi là một trong những nhà sáng lập của bộ môn xã hội học, Weber đã để lại những dấu ấn đặc trưng về mặt tư duy phương pháp luận xã hội học. Cũng giống như Georg Simmel (1858-1918), một nhà triết học và xã hội học Đức và cũng là bạn của ông, Max Weber còn được coi là một nhà tư tưởng về tính hiện đại (Modernität) – tính hiện đại xét như là hệ quả của quá trình lý tính hóa (Rationalisierung) toàn bộ đời sống xã hội trong quá trình chuyển từ các xã hội cổ truyền sang các xã hội tư bản chủ nghĩa hiện đại ở châu Âu.
II. Giới thiệu tác phẩm:
(Trích Lời giới thiệu - Trần Hữu Quang, Bùi Văn Nam Sơn)
Năm 1904-1905, Max Weber viết công trình nổi tiếng mang tên là Die protestantische Ethik und der Geist des Kapitalismus (Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản, từ đây viết tắt là ĐĐTL). Đây không phải là một công trình nghiên cứu xã hội học về tôn giáo theo đúng nghĩa của chuyên ngành này, vì đối tượng nghiên cứu của nó không phải là một vấn đề tôn giáo, mà là mối quan hệ giữa nền đạo đức Tin lành và “tinh thần” của chủ nghĩa tư bản. Trong quyển sách này, Weber khảo sát quan niệm đạo đức và động cơ ứng xử của các cá nhân thuộc các giáo phái Tin lành, cũng như ý nghĩa mà họ gán cho hành động xã hội của mình, nhằm đi đến giả thuyết cho rằng nền đạo đức Tin lành có một mối liên hệ “tương hợp chọn lọc” [Wahlverwandtschaften] với “tinh thần” của chủ nghĩa tư bản, và do vậy đã tạo ra một số động lực tinh thần cần thiết và thuận lợi cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu.
Thực ra, Max Weber không phải là người đầu tiên nêu câu hỏi: đạo Tin lành có dính líu gì và ở mức độ nào với chủ nghĩa tư bản? Vào đầu thế kỷ XX, đã có một loạt học giả Đức bàn về vấn đề này (mà Weber đều có quen biết) như Eberhard Gothein, Werner Sombart, Georg Jellinek và Ernst Troeltsch. Cơ hội trực tiếp khiến ông quan tâm đặc biệt đến vấn đề là vào tháng 4-1903 nhân “Hội nghị của sử gia Đức” (Deutscher Historikertag) ở Heidelberg và ông được nghe Georg Jellinek phê phán rất mạnh bộ Chủ nghĩa tư bản hiện đại (Der moderne Kapitalismus) (hai tập) (1902) của Werner Sombart. Trong quyển ĐĐTL này, Weber có ý muốn lý giải chủ nghĩa tư bản khác với Sombart mà ông đã nhiều lần phản bác. Cũng trong năm 1903, ông đã sang Hà Lan để tìm thêm tư liệu về đạo Tin lành. Và ông đã phát hiện mối quan hệ giữa “một số quan niệm Puritanist [Thanh giáo]” và sự ra đời của “tinh thần” của chủ nghĩa tư bản. Kết quả sơ khởi này được ông nêu trong phần đầu của công trình nghiên cứu về “Roscher und Knies und die logischen Probleme der historischen Nationalökonomie” (Roscher và Knies và các vấn đề logic của khoa lịch sử kinh tế quốc dân), trong đó ông đưa ra ý tưởng như sau: “Một nghiên cứu sâu hơn có lẽ sẽ cho thấy rằng sự phân ly này [giữa nền kinh tế tư nhân và hoạt động công cộng] có nguồn gốc từ một số quan niệm Puritanist nhất định, vốn đã có ý nghĩa rất lớn đối với 'sự ra đời của tinh thần tư bản chủ nghĩa'.”[2]
Ý tưởng đó hình thành dần dần trong bài “Die 'Objektivität' sozialwissenschaftlicher und sozialpolitischer Erkenntnis” (“Tính khách quan” của nhận thức khoa học xã hội và chính trị-xã hội) đăng vào năm 1904 trong Archiv für Sozialwissenschaft und Sozialpolitik, tập XIX, tức một tập trước khi công bố luận văn đầu tiên của ĐĐTL (tập XX, 1904). Trong bài báo đó, Weber nhấn mạnh đến sự cần thiết phải “phác thảo một 'ý niệm' về nền văn hóa tư bản chủ nghĩa” (“Zeichnung einer 'Idee' der kapitalistischen Kultur”) cũng như đã đề cập đến sự phân biệt rất cơ bản giữa “giáo hội” (“Kirche”) và “giáo phái” (“Sekte”), và tầm quan trọng của niềm tin vào sự tiền định (Prädestinationsglauben) trong giáo thuyết của Calvin.
Trong số các trước tác của Weber, chính quyển ĐĐTL này đã làm cho giới nghiên cứu hao tốn nhiều giấy mực nhất kể từ khi xuất bản lần đầu cho tới ngày nay. Max Weber có lẽ là một trong số rất ít tác giả xã hội học, nếu không muốn nói là người duy nhất, đã coi các nhân tố tôn giáo như có vai trò trung tâm trong sự hình thành của các nền văn minh và đặc biệt là trong sự ra đời của tư duy duy lý Tây phương. Trong những công trình nghiên cứu khác về các tôn giáo lớn trên thế giới như Do Thái giáo cổ đại, Lão giáo, Khổng giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo (mà ông bắt đầu nghiên cứu kể từ năm 1911), ông đã tìm cách xác định vai trò của các nền văn hóa tôn giáo và các nền đạo đức tôn giáo với tư cách là những nhân tố thúc đẩy hay kìm hãm sự phát triển của nền văn minh công nghiệp tư bản chủ nghĩa cận đại.
Người ta có thể đồng ý hay không đồng ý với giả thuyết của ông về vai trò chủ yếu của nền đạo đức khổ hạnh Tin lành trong sự sinh thành của tư duy duy lý tư bản chủ nghĩa Tây phương, nhưng đáng chú ý là trong lịch sử khoa học xã hội hiện đại, hiếm có luận đề nào gây ra những cuộc tranh cãi sôi nổi kéo dài hơn một thế kỷ và cho đến nay vẫn còn kích thích mở ra nhiều cuộc nghiên cứu mới.[3]
[1] Đây là cách xếp loại của Raymond Aron. Xem Raymond Aron, Les étapes de la pensée sociologique (Các giai đoạn phát triển của tư tưởng xã hội học) [1967], Paris, Nxb Gallimard, 1993, tr. 499.
[2] Gesammelte Aufsätze zur Wissenschaftslehre, 3. Aufl. Tübingen 1968, tr. 32.
[3] Xem thêm Michael Löwy, Heinz Wismann, “Introduction” (Bài giới thiệu cho chủ đề “Max Weber, la religion et la construction du social” [Max Weber, tôn giáo và việc kiến tạo tính xã hội]), Archives des Sciences sociales des Religions, số 127, 2004, tr. 5-8.
Bình luận