Nền tảng tâm linh của giáo dục

Nền tảng tâm linh của giáo dục

NỀN TẢNG TÂM LINH CỦA GIÁO DỤC là một trong những bài giảng xuất sắc của Rudolf Steiner về phương pháp giáo dục Waldorf vì có cái nhìn rộng rãi, sâu sắc, táo bạo và có khả năng tiếp cận cao. Bài giảng được đưa ra năm 1922 tại Đại học Mansfield, Oxford, Anh và thính giả là những người danh tiếng nhất mà Steiner từng thuyết giảng. Đó là hội nghị về “Giá trị tâm linh trong giáo dục và đời sống xã hội” với khoảng 200 người tham dự. Tiến sĩ Millicent Mackenzie, sau này là Giáo sư Giáo dục tại thành phố Cardiff (Wales) - người mà Steiner rất kính trọng - giữ vai trò chủ tọa trong các bài giảng. Bộ trưởng Bộ Lao động, Tiến sĩ H. A. L. Fisher chịu trách nhiệm điều khiển Hội nghị. Các diễn giả khác là những tên tuổi nổi tiếng như học giả cổ điển vĩ đại Gilbert Murray, nhà văn A. Clutton Brock, Giáo sư Maxwell Garnett và Edward Holmes.


Dù có sự xuất hiện của những nhân vật lừng lẫy như vậy, tờ Oxford Chronicle nhận định: “nhân vật nổi bật nhất Hội nghị có lẽ là Tiến sĩ Rudolf Steiner”. Tiến sĩ Jacks, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Manchester, chào đón người tham dự Hội nghị và ông cũng cho rằng Rudolf Steiner “là nhân vật chính tại Hội nghị”. Tờ Oxford Chronicle viết tiếp: “Theo Tiến sĩ Jacks, các bài giảng của Tiến sĩ Steiner đã cho ông ấn tượng về điều gì đó cực kì thú vị và quý giá”.
Bài viết ngày 21 tháng 8 trên nhật báo quốc gia The Manchester Guardian đồng tình:
Toàn Hội nghị đều thấy tâm điểm nằm trong nhân phẩm và bài giảng của Tiến sĩ Rudolf Steiner và vì thế khán giả có ấn tượng sâu sắc. Nhiều diễn giả của Hội nghị đến từ các vùng đất khác nhau trên thế giới là những người ủng hộ nhiệt thành cho các bài giảng của Tiến sĩ Steiner. Những người khác, lần đầu tiên nghe ông thuyết giảng, ấn tượng mạnh mẽ với nhân phẩm của ông và háo hức mong chờ tiến triển trong lí thuyết giáo dục của ông ở 12 bài giảng tiếp sau đó.
Ngày 31 tháng 8, sau khi Hội nghị kết thúc, tờ The Manchester Guardian viết rằng:
Các bài giảng của Tiến sĩ Rudolf Steiner mà chúng ta vô cùng biết ơn, đã mang đến cho chúng ta một mô hình lí tưởng về bản chất của con người trong giáo dục. Ông đã nói với chúng ta về giáo viên, những người không bị giới hạn bởi các quy định và tổ chức, tự do và đoàn kết, phát triển các phương pháp giáo dục riêng từ kiến thức sâu rộng về bản chất con người. Ông nói với chúng ta về loại kiến thức mà giáo viên cần, đó là kiến thức về bản chất của con người và thế giới, đồng thời là kiến thức khoa học và cũng tồn tại trong đời sống riêng tư vốn mang tính trực quan và nghệ thuật.
Nói cách khác, Rudolf Steiner đã đặc biệt tỏa sáng. Được diễn thuyết trong một hội nghị lớn gồm những tên tuổi lừng lẫy, ông rất vui mừng khi có thể mang đến cho người tham dự kết quả khả quan về những gì đã được thực hiện trong phương thức giáo dục Waldorf. Nói chung, ông cũng hiểu rằng, hội nghị là cơ hội để giới thiệu với người Anh về “khoa học tâm linh” của triết lí nhân linh học, trong đó thực hành phương pháp giáo dục Waldorf là điều quan trọng, thậm chí là chính yếu. Công việc này trở nên dễ dàng hơn nhờ chủ nghĩa thực dụng cố hữu của khán giả Anh, Steiner thấy có thể nói chuyện trực tiếp với họ và ông đã làm điều này vào mỗi buổi sáng của Hội nghị.
Do đó, Steiner bắt đầu Hội nghị bằng cách tuyên bố rõ ràng và không do dự rằng giáo dục Waldorf cùng chương trình giảng dạy hoàn toàn dựa trên kiến thức khoa học tâm linh về con người. Ông nói rằng giáo dục là “lĩnh vực chính của cuộc sống mà chúng ta phải phát triển mối quan hệ tốt đẹp với tâm linh”. Chúng ta phải hiểu trẻ em đang phát triển là một con người gồm ba bộ phận là cơ thể, tâm hồn và tâm linh. Chúng ta biết rằng, ở trẻ em, tâm linh gần gũi với cơ thể hơn ở người lớn. Thể chất được định hình bởi tâm linh. Tất cả điều này đều phải được xem xét. Kiến thức về tâm linh phải là kim chỉ nam cho quá trình giáo dục.
Nhưng đây không phải là kiến thức “bí truyền”. Steiner nói rằng: “Để có được kiến thức như vậy cần rất nhiều thời gian quan sát cuộc sống một cách chân thành, không định kiến”. Steiner đưa ra nhiều ví dụ về những gì mà kiến thức này có thể mang lại. Đồng thời, ông nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của những giáo viên có thể giảng dạy bằng tình yêu cũng như giảng dạy thông qua nghệ thuật. Quan trọng nhất, giáo dục Waldorf là một bước đệm chuẩn bị cho cuộc sống. “Đây phải là nền tảng cho những gì chúng ta có thể gọi là phương pháp sư phạm tâm-sinh lí. Chúng ta phải có mong muốn mang đến cho trẻ em những sinh vật sống có thể song hành cùng trẻ trong cuộc sống sau này. Những gì chúng ta nuôi dưỡng ở trẻ em thường bám rễ rất sâu trong tâm hồn và sẽ xuất hiện về sau trong cuộc sống”.
Trong bài giảng thứ hai, vì thính giả thấy khó hiểu khi ông sử dụng từ “tâm linh” (như trong “nhận thức tâm linh”), Steiner quyết định gác lại kế hoạch ban đầu của mình và nói về những điều này một cách thẳng thắn, cởi mở. Những gì ông nói sẽ rất hữu ích và thú vị cho bất kì ai gặp khó khăn tương tự như những thính giả trong buổi hội nghị. Ông thừa nhận tâm linh không thể được cảm nhận trực tiếp ở bất cứ nơi nào. Chúng ta chỉ thấy biểu hiện của tâm linh rõ ràng nhất trong sự phát triển của trẻ em, ở đó “các lực lượng tâm linh và cốt lõi của tâm hồn tham gia vào việc hình thành não bộ và định hình toàn bộ cơ thể”. Ông bổ sung rằng: “Những gì chúng ta thấy là biểu hiện của cuộc sống trong một đứa trẻ. Chúng ta nhận thức được những điều này bằng các giác quan. Nhưng chính tâm linh và tâm hồn hoạt động thông qua chúng từ sau tấm màn che là những thứ có thể cảm nhận được bằng giác quan”. Nói cách khác, “Tâm linh là thực tại của những điều ẩn giấu bên trong… Tâm linh là hoạt động, luôn luôn hoạt động, luôn luôn sáng tạo”. Sau đó, ông đưa ra rất nhiều ví dụ về hoạt động này và cách để có thể nhận thức được nó.
Bài giảng thứ ba hé lộ bản chất con người là một cơ thể gồm ba phần. Theo Steiner, đây là điều kiện tiên quyết cần thiết để hiểu cách tiếp cận của giáo dục Waldorf.
Các bài giảng tiếp theo đề cập việc dạy học cho trẻ em, trong đó giáo dục như một môn “nghệ thuật” và giáo viên là “nghệ sĩ” trong giáo dục. Sau đó, Steiner nói về cách tổ chức thực sự của trường Waldorf, giáo dục đạo đức và eurythmy - nghệ thuật chuyển động biểu cảm. Cuối cùng, ông quay trở lại với giáo viên, nòng cốt của bất kì phương pháp sư phạm nào. Giáo viên phải là tấm gương sáng về lối sống cho trẻ. Giáo viên phải có tâm hồn nghệ thuật và có khả năng ứng biến, không định kiến và luôn mong đợi những điều bất ngờ. Họ phải giàu cảm xúc và dễ dàng tiếp thu những thay đổi trong bản chất con người. Và quan trọng nhất:
“Giáo viên cần có tâm trí cởi mở, sẵn sàng đón nhận kiến thức mới mỗi ngày và khuynh hướng có thể biến đổi tri thức tích lũy thành tiềm lực giúp tâm trí luôn rộng mở đón nhận cái mới. Điều này giúp con người khỏe mạnh, trẻ trung và năng động. Một trái tim cởi mở đón nhận những thay đổi trong cuộc sống - sự mới mẻ bất ngờ và tiếp diễn của cuộc sống - phải là bản chất và tâm tính cơ bản của một giáo viên trường Waldorf”.
Đồng thời, học sinh phải có cảm giác được kết nối với giáo viên của mình. Nếu không, cần phải làm một điều gì đó. Steiner đưa ra những ví dụ cho thấy tầm quan trọng của việc này.
Nhìn chung, Nền tảng tâm linh của giáo dục là một trong những khóa học thú vị và cởi mở nhất về giáo dục của Steiner.

Thủ tụcHành chính
Tin nổi bậtXem toàn bộ