1015 lượt mua
Hotline:
02466878415NXB | Nhà xuất bản Tri thức | Người dịch: | |
Năm XB: | Loại sách: | Sách giấy; | |
Khổ sách: | 19.5 x 25.5 | Số trang: | 238 |
Quốc gia: | Ngôn ngữ: | vi | |
Mã ISBN: | Mã ISBN Điện tử: |
1. Về tác giả:
Hai tác giả tham gia nhiều hội thảo khoa học về mỹ thuật Việt Nam hiện đại tại trường Đại học mỹ thuật Việt Nam- Viện Mỹ thuật, Hội mỹ thuật Việt Nam, Hội mỹ thuật Hà Nội; có nhiều bài viết về mỹ thuật Việt Nam hiện đại in trên nhiều báo, tạp chí, Kỷ yếu khoa học, Catalogue triển lãm. Đã xuất bản sách:
- Hội họa mới Việt Nam thập kỷ 90. Tác giả: Bùi Như Hương- Trần Hậu Tuấn (Nxb Mỹ thuật, Hà Nội 2001).
- Mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Nhóm tác giả: Bùi Như Hương- Phạm Trung- Nguyễn Văn Chiến, chủ biên: Nguyễn Lương Tiểu Bạch (Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội- Viện Mỹ thuật, 2005).
2. Về tác phẩm:
Đây là cuốn sách về nghệ thuật đương đại Việt Nam giai đoạn 1990-2010. Là cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam có 238 trang in 4 màu gồm bài viết, 333 ảnh minh họa, khái quát đánh giá hoạt động nghệ thuật đương đại Việt Nam từ sau Đổi mới và giới thiệu 27 gương mặt nghệ sĩ có nhiều hoạt động sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển của nghệ thuật đương đại. Cuốn sách cung cấp thông tin nghệ thuật cần thiết cho sinh viên, những người hoạt động văn hóa nghệ thuật, các nhà nghiên cứu cũng như những người quan tâm đến nghệ thuật đương đại Việt Nam ở trong nước và ngoài nước. Cuốn sách với phần viết tổng quan.
Cuốn sách với phần viết tổng quan về nghệ thuật đương đại Việt Nam và giới thiệu quá trình hoạt động, ảnh minh họa tác phẩm của các nghệ sĩ sẽ giúp cho người đọc có được thêm thông tin về những sự kiện, hoạt động và những nghệ sĩ đương đại đặc sắc trong 20 năm vừa qua. Sự hiểu biết được phần nào hoạt động và các nghệ sĩ đương đại thông qua cuốn sách sẽ giúp cho người đọc Việt Nam và nước ngoài biết rõ hơn những giá trị văn hóa, xã hội của Việt Nam hiện nay.
“Sau hơn hai mươi năm mở cửa và đổi mới, mỹ thuật Việt Nam chứng kiến sự phát triển bùng nổ không chỉ hội hoạ hiện đại, mà bên cạnh đó còn có cả những thử nghiệm nghệ thuật mới như sắp đặt, trình diễn, pop- art, video- art, digital- art…, cái mà trên thế giới nói chung gọi là nghệ thuật đương đại- contemporary art (để tạm phân biệt với modern art của thời kỳ trước). Nếu ở 10 năm đầu đổi mới, hội họa là tiếng nói đặc sắc, nổi trội, chiếm ưu thế, thì những năm về sau, nghệ thuật đương đại lại gây ra các scandal, sự kiện.
Sự hiện diện của các hình thức nghệ thuật đương đại đã được dư luận báo chí, văn đàn nghệ thuật thời gian qua đề cập tới ít nhiều, và là đề tài gây tranh cãi bởi tính tiền phong, cực đoan của nó. Bên cạnh sự thay đổi đột ngột về hình thức, chất liệu, phương tiện nghệ thuật, là sự thách thức, gây sốc về cảm giác và thẩm mỹ. Bên cạnh sự thay đổi các giá trị nghệ thuật, sự đi ngược hoàn toàn các quan niệm truyền thống về cái đẹp và giá trị vĩnh hằng, là tính xã hội hoá nghệ thuật, “Pop hoá” nghệ thuật, và cuối cùng là sự can thiệp trực tiếp của nghệ thuật vào các vấn đề chính trị, xã hội, môi trường và con người ở thời kỳ toàn cầu hoá.
Cũng do phát triển chậm và mở cửa muộn nên nghệ thuật Việt Nam hiện nay đang trải nghiệm và giải quyết cùng một lúc cả hai giai đoạn: phát triển nghệ thuật hiện đại và thể nghiệm nghệ thuật đương đại.
Một mặt, hội hoạ vẫn tiếp tục nảy nở, phát triển cho hết vòng quay, chu trình của nó với đủ loại ngôn ngữ, phong cách cá nhân khác nhau. Rất nhiều họa sĩ vẫn say mê trải nghiệm hội họa. Đây chính là quá trình đổi mới, “hiện đại hoá” của mỹ thuật Việt Nam theo cách riêng của nó, không giống với phương Tây. Trong khi hội họa phương Tây, có thể nói, dường như đang khô kiệt dần vì đời sống công nghiệp và ý thức công nghiệp, thì hội họa Việt Nam còn tràn trề tính hồn nhiên dân gian, bản năng, gắn với thói quen và lối sống nông nghiệp. Câu chuyện hội họa vẫn còn là mới, và chắc sẽ không bao giờ kết thúc bởi hội họa luôn là tiếng nói cá nhân, là hành vi thuộc bản năng con người. Hết vòng quay này, có thể sẽ lại bắt đầu một vòng quay khác mới hơn. Tuy nhiên, có thể thấy ở Việt Nam, hội họa đích thực, chân thành ngày càng trở nên hiếm hoi, có xu hướng mệt mỏi, đi vào tháp ngà nội tâm, riêng tư. Một phần khác, khá phổ biến, xuống cấp trở thành nghệ thuật hàng chợ dân gian, trang trí mỹ nghệ kiếm sống, ít tính nghệ thuật. Phần còn lại cấp tiến hơn, trở thành phương tiện có mặt trong các trò chơi thể nghiệm đương đại, dưới hình thức nghệ thuật sắp đặt, Body- art, Pop- art, Collage, Graffiti, Digital art…
Trong lĩnh vực nghiên cứu, đã có một số sách giới thiệu chung về nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới, chủ yếu là về hội họa. Có thể thấy, mối quan tâm về nghệ thuật đương đại còn rời rạc, chưa được hình thành rõ nét, thiếu hệ thống. Dường như chưa có một ấn phẩm nào được xuất bản đề cập một cách khái quát, chuyên sâu những đặc điểm, sự kiện nghệ thuật, những cá nhân nghệ sĩ tiêu biểu của nghệ thuật đương đại Việt Nam thời gian qua.
Cuốn sách Nghệ thuật đương đại Việt Nam 1990-2010 chính là nỗ lực của nhóm tác giả với mong muốn giản dị: trước hết là tập hợp thông tin, sau là bù đắp được phần nào những thiếu hụt kể trên của lĩnh vực nghiên cứu, đồng thời, hy vọng có thể đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu của công chúng yêu thích nghệ thuật gần, xa.
Như một lẽ tự nhiên, cuốn Nghệ thuật đương đại Việt Nam 1990-2010 không có tham vọng khái quát hết toàn bộ hoạt động sáng tạo nghệ thuật đương đại đa dạng ở Việt Nam thời gian qua, cũng như khó có thể khẳng định những gì còn đang là vấn đề thời sự mới mẻ của nghệ thuật. Chúng tôi chỉ cố gắng đưa ra một số đặc điểm, một số nhận định ban đầu còn mang tính nhất thời của nghệ thuật. Các nghệ sĩ được đề cập tới ở đây là những người thể hiện cá tính sáng tạo riêng biệt, có những tác phẩm để lại dấu ấn nhất định trong lòng người xem, đồng thời, họ cũng là những người có đóng góp cho hoạt động nghệ thuật đương đại một thời kỳ. Mọi sự lựa chọn thông qua lăng kính cá nhân chắc chắn không tránh khỏi những chủ quan, thiếu sót. Hy vọng rằng trong tương lai sẽ có thêm các công trình bổ khuyết cho cuốn sách này.”
(Mở đầu cuốn Nghệ thuật đương đại Việt Nam 1990-2010, Bùi Như Hương, Phạm Trung, NXB Tri thức, 2013)
Bình luận