61 lượt mua
Hotline:
02466878415NXB | Nhà xuất bản Tri thức | Người dịch: | Trần Mạnh Hà, Phạm Văn Thiều |
Năm XB: | Loại sách: | Sách giấy; | |
Khổ sách: | 16 x 24 | Số trang: | 564 |
Quốc gia: | Ngôn ngữ: | vi | |
Mã ISBN: | Mã ISBN Điện tử: |
1. Giới thiệu chung:
Nghệ thuật thể hiện thế giới nhìn thấy được, còn vật lí giải thích sự vận hành không nhìn thấy được của thế giới đó, khiến cho hai lĩnh vực này dường như hoàn toàn đối lập nhau. Nhưng trong cuốn Nghệ thuật và vật lí, Leonard Shlain đã theo dõi sát sự phát triển bên cạnh nhau của hai lĩnh vực này trong suốt nhiều thế kỉ để phát lộ ra một mối tương quan thật kinh ngạc về quan niệm.
LỜI NÓI ĐẦU
Có một lần vào năm 1979, tôi đưa đứa con gái mười hai tuổi của mình đi thăm Bảo tàng Mĩ thuật Hiện đại tại thành phố New York. Tôi có phần lo rằng việc nuôi dưỡng tại vùng California đã tước đi của con bé cái vốn di sản văn hóa phong phú của nền văn minh phương Tây, và muốn cho cháu xem một số ví dụ xuất sắc của nó đang tồn tại ở bờ phía Đông này của nước Mĩ.
Bắt đầu với các tác phẩm trưng bày thuộc trường phái Ấn tượng Pháp của Bảo tàng, tôi đã cố khuấy động trong con tôi niềm sùng kính và tâm trạng rạo rực mà tôi luôn cảm thấy trước những tuyệt tác hội họa. Tuy nhiên, khi hai bố con càng đi sâu mãi vào cái mê cung trong bảo tàng, các tác phẩm mỗi lúc càng trở nên hiện đại hơn. Con gái tôi, với cái lối hỏi làm người lớn bối rối, cứ ép tôi phải giảng giải hết bức tranh này đến bức tranh khác tại sao chúng lại tạo nên “nghệ thuật vĩ đại” như vậy. Tôi đã phải trả lời nó rằng nếu toà nhà này mà chỉ là kho báu của nền văn hóa của chúng ta, thì tôi chắc chắn có thể giải thích bằng một thứ tiếng Anh đơn giản về cái gì đã làm cho mỗi bức tranh trở nên quý giá, độc nhất vô nhị như vậy. Mỗi lúc tôi một bứt rứt vì không trả lời nổi các câu hỏi thẳng thắn của con bé.
Sau đó, vừa sưởi nắng và nhóp nhép nhai bánh mì kẹp xúc xích, hai bố con vừa bàn luận về những gì đã xem. Với vẻ hồn nhiên trong sáng của con trẻ, con gái tôi dõng dạc tuyên bố quan điểm của nó - rằng đối với phần lớn mảng nghệ thuật vừa rồi, vị Hoàng đế đã không hề có quần áo gì cả[1]! Tôi chợt nhận ra rằng mặc dù hiểu về nội dung trí tuệ của từng trào lưu hiện đại, nhưng thực ra tôi cũng chưa “nắm bắt được” nó. Tôi đâm cảm thấy bực bội với các họa sĩ đã làm cho việc lĩnh hội nghệ thuật trở nên quá khó đối với chúng ta. Cứ như là họ đã từ chối không cho chúng ta tham dự vào một vài bí mật quan trọng nào đó cùng với họ.
Rồi mấy ngày tiếp theo trong các bảo tàng khác, tôi cứ liên tục bị đối mặt với tình cảnh tiến thoái lưỡng nan không lấy gì làm thoải mái này. Làm thế nào mà ý nghĩa của những thể hiện nghệ thuật đồng đại với mình lại vuột qua sự hiểu biết của một thành viên năng động và nhạy bén của nền văn hóa như tôi?
Cũng trong chuyến đi ấy, tôi còn đọc một cuốn sách khá nổi tiếng về vật lí hiện đại và tôi đã phải vật lộn với những khái niệm cơ bản của môn khoa học này. Nỗi tò mò suốt đời tôi về những vấn đề như vậy đã không được môn vật lí thuở đại học làm cho thoả mãn, bởi vì chúng tôi đã không được học cả thuyết tương đối của Einstein lẫn môn cơ lượng tử. Vị giáo sư lầm lì và khô khan của chúng tôi đã gạt phắt chúng đi, nói rằng ông đã hết thời gian. Những năm sau đó, khi bắt đầu tự mày mò tìm hiểu về vật lí hiện đại, tôi đã choáng váng trước sự khó hiểu dị thường của nhiều ý tưởng cơ bản của nó. Ý nghĩ này đã trở lại với tôi trong chuyến thăm bảo tàng ở New York. Mấy ngày sau, khi đang lơ đãng đứng trước một bức tranh trừu tượng khồng lồ tại phòng tranh Whitney, tôi băn khoăn tự hỏi làm thế nào mà một hệ thống suy tư về thế giới (bởi vì vật lí về bản chất chính là thế) lại có thể vượt quá tầm hiểu biết của hầu hết những thành viên thông minh nhất của xã hội.
Chính lúc ấy tôi chợt bừng ngộ ra điều làm nên cảm hứng cho cuốn sách này, và cho mười năm làm việc tiếp theo. Tôi thầm nghĩ, hình như có một mối liên hệ giữa cái không thể giải thích hết được của nghệ thuật hiện đại với cái không thể thấu hiểu hết của vật lí hiện đại.
Về nghề nghiệp, tôi không phải là nhà vật lí hay nhà phê bình nghệ thuật, mà là bác sĩ phẫu thuật. Vì thế, tôi đem đến cho cả nghệ thuật lẫn vật lí một con mắt nhìn tương đối không định kiến và một tâm thế của người mới bắt đầu học hỏi. Mặc dù sự khờ khạo của mình đã buộc tôi thực hiện nhiều nghiên cứu hơn hẳn so với một chuyên gia có thể phải làm để hiểu được những sắc thái tinh tế của chủ đề này; nhưng chính điều đó lại có những ưu thế nổi bật. Chẳng hạn như, vì không phải kiếm sống dựa trên một trong hai lĩnh vực ấy, tôi có phần nào tự do hơn trong các suy đoán của mình so với các nhà chuyên môn, những người luôn có một cái gì đó dễ bị mất. Tôi sẽ tiếp cận vật lí với tư cách như là một nghệ sĩ cố gắng giải thích các nguyên lí của nó với những nghệ sĩ khác. Tương tự như vậy, bằng diễn giải khoa học, tôi hi vọng sẽ giải mã được sự huyền bí của nghệ thuật.
Tôi thường được người ta hỏi tại sao một nhà phẫu thuật lại có thể nói một cách hấp dẫn được về hai chủ đề khá nặng và khác hẳn nhau như thế. Thật ngạc nhiên là chính nghề phẫu thuật, một cách chỉ riêng nó mới có, đã chuẩn bị cho tôi có thể đảm đương được nhiệm vụ ấy, bởi nhà phẫu thuật vừa là nhà khoa học vừa là nhà nghệ sĩ. Phẫu thuật đòi hỏi một cảm quan mĩ học sắc sảo đến tinh tế: trong nghề có câu châm ngôn rằng nếu một ca mổ “nom” không đẹp, thì hầu như chắc chắn là nó không vận hành một cách hoàn mĩ. Bác sĩ phẫu thuật do đó trông cậy chủ yếu vào hoạt động linh cảm thị giác-không gian của bán cầu não phải. Đồng thời, nghề của chúng tôi rõ ràng là được đào tạo một cách rất khoa học. Lập luận logic, suy đoán, tư duy trừu tượng của bán cầu não trái là những hòn đá bắc cầu dẫn đến các nguyên lí chuyên sâu của cái kho văn bản khoa học rộng bao la. Yêu cầu của nghề phẫu thuật, đòi hỏi tôi phải liên tục chuyển đi chuyển lại giữa hai chức năng bổ trợ nhau ấy của tâm lí con người, đã phục vụ đắc lực cho tôi để thực hiện công trình này.
Dự định của tôi là nhằm tới các độc giả thiên về nghệ thuật muốn hiểu thêm về vật lí hiện đại và các nhà khoa học muốn có một cái khung giá trị để thưởng thức nghệ thuật. Vì ngôn ngữ của vật lí là cực kì chính xác, đối lập với ngôn ngữ khơi gợi của nghệ thuật, tôi đã phải bắc nhiều “cây cầu” bằng kho từ vựng chung của hai lĩnh vực. Để đạt được việc này, đôi khi tôi phải mở rộng ý nghĩa của các thuật ngữ khoa học và thỉnh thoảng phải kéo dãn chúng ra trở thành các ẩn dụ thi ca. Đồng thời, tôi cũng đã phải nói rất cụ thể khi diễn giải một tác phẩm nghệ thuật, điều này làm cho người ta thấy có vẻ tôi tin rằng diễn giải của mình là diễn giải duy nhất đối với tác phẩm đó. Ngược lại, tôi biết rằng diễn giải của tôi chỉ là một trong nhiều diễn giải và mong nó sẽ làm phong phú thêm các diễn giải khác. Ghi nhớ như vậy trong tâm trí, tôi mong nhận được sự lượng thứ phần nào của các chuyên gia ở cả hai lĩnh vực. Mượn lời của William Blake[2], “xin hãy tha thứ cho cái mà các bạn không tán thành và xin hãy yêu quý tôi về việc đã nhiệt tình dốc hết tài sức của bản thân.”
Khi tôi viết mấy câu cuối cùng trên, mà hài hước thay chúng lại xuất hiện trước tiên trong cuốn sách, thật khó có thể tin rằng cái công trình hút trọn thời gian công sức này của tôi đã hoàn thành. Tôi mong bạn khi đọc cuốn sách này sẽ thấy thích thú như khi tôi viết ra nó.
LEONARD SHLAIN
Thung lũng Mill, California
[1] Tác giả lấy ý từ câu chuyện cổ tích Bộ quần áo mới của Hoàng đế của nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen (1805-1875): Trong khi mọi người lảng tránh, chỉ có một chú bé đã dám nói thẳng ra sự thật rằng Hoàng đế đã bị lừa, không hề mặc gì. (Các chú thích trong sách đều là của tác giả, trừ những chỗ ghi ND là chú thích của người dịch)
[2] William Blake (1757-1827): Nhà thơ, họa sĩ, nghệ nhân chạm khắc người Anh. - ND
***
2. Về tác giả
LEONARD SHLAIN TỰ BẠCH
Tôi thường thầm tự chơi một trò chơi trí tuệ là cố gắng miêu tả chỉ bằng một từ về một người nào đó mà mình đã biết tương đối rõ. Tôi biết một số người mà bản chất có thể tóm tắt trong từ Không!, còn một số khác thì là Có!. Số nữa thì là Có thể. Đối với một số khác nữa thì là Khi nào?, hay Ở đâu?, hoặc Như thế nào? Nhiều người thì cái từ đơn đó sẽ là Ai? Các tính chất như hăng say, chịu đựng, sáng tạo hay độc hại tôi thấy có thể hợp với một số cá nhân khác. Còn cái từ duy nhất mà tôi dùng để tóm tắt mình sẽ là Tại sao?
Tôi sinh ra ở Detroit, Michigan. Cha tôi là một người Nga di cư, cha mẹ vợ tôi cũng vậy. Theo như trí nhớ của tôi thì chưa bao giờ tôi thấy cha mình cầm trên tay một cuốn sách nào cả. Là một nhà kinh doanh cực kì thông minh, ông luôn ngốn ngấu tờ báo, nhưng ông không hề quan tâm đến bất cứ vấn đề gì liên quan đến văn học. Mẹ tôi thì lại là một độc giả say mê các thiên tiểu thuyết diễm tình. Cả hai ông bà đều không tỏ ra có một tình yêu nào đối với nghệ thuật hay khoa học. Tôi là một đứa trẻ mơ mộng, thường hay chơi những trò chơi tưởng tượng tỉ mỉ. Tôi yêu thể thao và thường được là ứng viên thứ ba hay thứ tư chức đội trưởng các đội tuyển của trường. Tôi lắp ráp mô hình máy bay... và tôi yêu đọc sách.
Tôi là con út trong nhà. Anh trai và hai chị gái đã không có ảnh hưởng thực sự lớn lắm đến lòng say mê học hỏi trong tôi. Nói một cách ẩn dụ, nhờ có ngọn đèn xì mà ông bố luôn thúc vào lưng liên quan đến bảng kết quả học tập, mà tôi đã tốt nghiệp trung học vào năm mười sáu tuổi - một ý tưởng tồi. Về mặt tình cảm, tôi chỉ mới mười sáu tuổi trong khi các bạn cùng lớp đã mười tám, một khoảng cách phải đo bằng nhiều năm ánh sáng - hay ít ra cậu học trò năm cuối trường trung học này đã cảm thấy như vậy.
Là người con đầu tiên trong gia đình vào được đại học, tôi nhập trường với ý định sẽ trở thành một bác sĩ (lại một kết quả nữa của ngọn đèn xì). Tôi đăng kí học theo một chương trình tăng tốc là chương trình có thể giúp tôi xin học được vào trường y ngay từ năm thứ hai, chứ không phải đi theo chương trình quy chuẩn thông thường bốn năm. Để đạt được mục đích của mình, tôi phải học tăng số môn khoa học lên gấp đôi để hoàn thành các yêu cầu cần thiết trong khoảng thời gian đã rút ngắn lại ấy.
Không có dịp học xong năm thứ hai và không đăng kí học được các môn tự chọn về các khoa học nhân văn đầy thú vị, tôi có cảm giác mình đã bị thiêu thiếu một cái gì đó. Nhưng trong cơn lốc quay cuồng của những năm tiếp theo đó - trường y, thực tập nội trú trong bệnh viện, một đợt quân dịch bắt buộc, rồi bác sĩ phẫu thuật nội trú bắt đầu từ Bệnh viện Bellevue New York và kết thúc tại Bệnh viện Giáo hội Trưởng lão ở San Francisco - tôi đã có rất ít thời gian để tiếc than cho mất mát ấy của mình. Giai đoạn ấy của đời tôi dường như chuyện tôi đã bỏ ra mười hai năm trong trại huấn luyện tân binh lính thủy đánh bộ.
Bất chấp niềm tự hào về việc mình đã làm chủ được một loạt những kĩ năng chuyên môn, tôi vẫn mong lấp đầy được cái mà tôi coi là một lỗ hổng khổng lồ trong học vấn của mình. Tại sao, tôi thầm hỏi, những con người mà tôi kính trọng lại có vẻ như biết thưởng thức được những lĩnh vực mà tôi hầu như biết rất ít hay chẳng biết gì? Giá như tôi đã có được kiểu sống nhàn nhã hơn một chút, thì có lẽ tôi đã đăng kí học một trong nhiều khóa bổ túc dành cho người lớn tại vùng Vịnh San Francisco này. Nhưng không may, gia đình, con cái và những đòi hỏi lúc nào cũng thường trực của cái nghề nghiệp chuyên môn mà tôi đã chọn không cho phép tôi thực hiện được phương án ấy. Cuộc đời tôi luôn quá lộn xộn một chút, nên tôi không có thể thực hiện được bất kì một kiểu đào tạo sau đại học quy củ trường lớp nào. Phương án duy nhất còn lại là tôi phải tự mình thực hiện việc đó.
Khi nhìn lại những cuốn sách mà mình đã viết, tôi thấy chúng dường như là cái cách thức để tôi tự thỏa mãn với những tò mò của mình và thu nhận kiến thức về những chủ đề mà tôi trước đó chỉ loáng thoáng biết đến.
Mỗi một cuốn sách tôi viết ra đều bắt đầu bằng các câu hỏi. Trong trường hợp của Nghệ thuật và Vật lí, các câu hỏi ấy là: Tại sao nghệ thuật hiện đại lại khó hiểu đến như vậy? Có được điểm số đáng khâm phục trong kì thi vào đại học, nhưng tại sao tôi lại “chẳng luận ra được gì” với loại nghệ thuật ấy? Tại sao tôi lại không hình dung ra nổi continuum không-thời gian hay bước nhảy lượng tử? Trong những cuốn sách tiếp theo của tôi, các câu hỏi là: Nếu mọi người đã từng tôn thờ các nữ thần trong thế giới cổ đại, tại sao họ lại thôi không làm thế nữa? Tại sao các niềm tin tôn giáo lại có sức mạnh ghê gớm đến như vậy? Tại sao phụ nữ lại hành kinh? Nếu hơn 4.000 loài có vú giống cái khác đã có thể sinh con mà không phải mất đi một lượng tương tự cái chất dịch sống còn này, thì tại sao loài người chúng ta vẫn còn cái đặc tính này được mã hóa ghi trong gen của chúng ta?
Khi tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi này từ các chuyên gia, tôi phát hiện ra rằng các câu trả lời của họ đều không rõ ràng. Được trời ban cho một óc tưởng tượng dồi dào, tôi tự đặt ra cho mình nhiệm vụ xem có thể xây dựng được một giả thuyết khả dĩ đáng tin để giải thích cái bí ẩn này hay không. Một khi có được bằng một linh cảm sáng tạo nào đó, tôi liền lao vào từng chủ đề, lục lọi kiếm tìm các bằng chứng để chứng minh cho các lí thuyết của mình. Mỗi một công trình của tôi đều bắt đầu bằng việc nghiên cứu tập trung đáng kể. Và như thực tế thường thấy, tôi đã bắt gặp được đủ mọi kiểu sự thật rất thú vị mà tôi dệt thành các trang sách sau này.
Các cặp hồ sơ của tôi đều phồng căng vì những bài viết xé ra từ báo và tạp chí, hay những trang sách tôi sao chụp từ những cuốn sách được chú giải kĩ càng. Tôi yêu bản thân quá trình tìm kiếm. Mỗi khi phát hiện ra được một mối liên hệ giữa hai chủ đề hoàn toàn cách biệt, tôi cảm thấy râm ran cả da đầu. Tôi có thể hình dung ra rằng các tế bào hình cây trong não mình đang vươn ra tạo nên các liên hệ mới với khối kiến thức cũ. Đối với tôi, làm cho da đầu ngứa râm ran như thế là một trong những phương diện thích thú nhất của việc viết - đúng vào khi sắp xếp nên một câu văn thanh nhã hay chọn được một ẩn dụ thích hợp. Càng ngày càng tăng, các cố gắng của tôi đang chưng cất bản chất của tôi thành một từ duy nhất - nhà văn.
3. Về tác phẩm
CON ĐƯỜNG KHỔ SỞ, LẠ LÙNG CỦA
VIỆC VIẾT RA CUỐN NGHỆ THUẬT VÀ VẬT LÍ
Mười lăm năm đã trôi qua kể từ khi Nghệ thuật và Vật lí xuất hiện trong các hiệu sách. Nhà xuất bản Harper Perennial, chuẩn bị kế hoạch cho việc tái bản có nâng cao về hình thức cho cuốn sách, đã đề nghị tôi kể lại về chuyện tôi đã bắt đầu hành trình (viết cuốn sách này) như thế nào, nó đã thay đổi tôi ra sao và nó đã giúp tôi mạnh dạn viết thêm các cuốn sách khác về những chủ đề rất khác nhau như thế nào.
Sự nghiệp nhà văn của tôi xuất hiện từ một trải nghiệm tồi tệ nhất trong đời mình. Ở tuổi ba mươi bảy, tôi đã vượt qua (những kì thi của) các hội đồng phẫu thuật, đã được kết nạp vào Hội đoàn các nhà Phẫu thuật Mĩ, đã được bổ nhiệm làm một thành viên nghiên cứu của Hội Ung thư Mĩ và giữ một ghế giáo sư giảng dạy tại trường y. Vợ chồng tôi có ba đứa con nhỏ xinh xắn là Kimberly, Jordan và Tiffany; chúng tôi lại vừa dọn đến nhà mới. Cuộc đời tôi đang diễn ra đúng như kế hoạch.
Và rồi đột nhiên, trong một chớp mắt, mọi cái thay đổi. Tôi thấy mình ngồi trên mép một chiếc giường bệnh viện, mặc tấm áo choàng nửa người của bệnh nhân hậu phẫu, được thông báo cho biết rằng kết quả sinh thiết của tôi là ác tính. Bác sĩ phẫu thuật gọi nó bằng một cái tên lạ: một khối u lymphô (tế bào bạch huyết) phi Hodgkin.
Khi tôi còn học ở trường y, tên của khối u ác tính này được gọi là sacoma lymphô, nhưng rồi sau đó nó được tái phân loại thành lymphô Hodgkin và phi Hodgkin. Bởi vì căn bệnh này không đóng một vai trò chủ chốt trong việc đào tạo nghề phẫu thuật của tôi, nên tôi cũng chỉ hiểu mơ hồ về nó.
Đột nhiên, tôi thấy cần phải biết tất cả những gì có thể biết được về căn bệnh không quen thuộc này. Tôi đã chọn bác sĩ mổ cho mình bởi vì anh ta thật sự có chuyên môn. Nhưng thật không may, tôi lại chưa biết đến cách xử sự bên giường bệnh của anh ta. Lo âu và sợ hãi, tôi đề nghị anh ta dự đoán khả năng sống sót của tôi. Câu trả lời của anh ta làm tôi tan nát. Anh chàng nhắc lại một câu thoại mà tôi chỉ nghe thấy trong những bộ phim hạng B cổ lỗ sĩ và là câu mà tôi không bao giờ sử dụng khi chẩn đoán một bệnh nghiêm trọng cho bệnh nhân. Anh ta nghiêm giọng đáp: “Nếu tôi mà là anh, thì tôi sẽ thu xếp mọi chuyện của mình đâu vào đấy.”
Sau khi anh ta ra khỏi phòng, tôi bật khóc và run bắn hết cả người, không tài nào kiềm chế được. Dường như gã bác sĩ đã tương cả một quả lựu đạn vào chính giữa não tôi. Đúng lúc đấy thì anh bạn Fred Miller thân thiết của tôi đến. Thấy tôi trong tình trạng đó, Fred hỏi chuyện gì đã xảy ra. Tôi nói với anh rằng tôi vừa mới được cho biết là mình có thể sẽ chết... và chết sớm. Là một người bạn tốt, Fred cố an ủi tôi. Fred thốt lên: “Này Lenny, từ chuyện này, chắc rồi cũng nảy sinh ra một điều gì đó tốt đẹp.”
Dù đang tủi thân, tôi cũng phải dừng lại để trách móc cái cố gắng vụng về nhằm an ủi tôi của anh bạn “Cậu có mất trí không đấy?”, tôi vặn lại. “Bác sĩ vừa mới bảo tớ đang sắp chết, còn cậu thì lại nói rằng sắp sửa có điều tốt đẹp nảy sinh từ việc bị ung thư!” Tôi không thể được xoa dịu bằng cách như thế được.
Những gì tiếp theo là một năm đầy ác mộng. Tôi trải qua bốn ca mổ, sáu tháng xạ trị toàn thân và những rắc rối khó chịu không thể tránh khỏi đi kèm với liệu pháp xạ trị. Tôi bị sút mất hơn hai mươi cân, tóc rụng, xanh xao nhợt nhạt như thần chết. Vẻ ngoài của tôi nom như một gã đang đi thẳng tới nấm mồ của mình. Có đáng mỉa mai hay không, khi ung thư không phải là nguyên nhân của tất cả những triệu chứng ấy, mà chính là do các liệu pháp chữa trị gây ra - một kiểu báo trước tàn nhẫn những gì sắp tới chăng?
Sau một năm, tôi cảm thấy đã đủ khỏe để hoàn toàn quay trở lại làm nghề phẫu thuật của mình. Chín chắn và dễ động lòng trắc ẩn hơn, giờ đây tôi đã trải nghiệm qua hai khóa đào tạo về nghề y khác hẳn nhau - một là việc đào tạo chuyên môn trước đây, và cái thứ hai: những gì tôi biết được từ việc phải là một bệnh nhân.
Đó là năm 1974. Trong cái trò chơi ném phi tiêu hú họa của cuộc đời, mũi phi tiêu đặc biệt này đã phi trúng điểm đen tấm bia của đời tôi trong một năm nằm trên đường phân thủy của lịch sử nước Mĩ, tràn ngập tin tức về sự kiện Watergate và cuộc chiến tranh Việt Nam. Nước Mĩ đang trải qua một cảm giác bao trùm về sự trong sáng ngây thơ đã bị đánh mất. Giữa cơn tuyệt vọng chung của cả dân tộc, thì Elisabeth Kübler Ross cho xuất bản cuốn sách của bà: Về cái chết và sự hấp hối. Làm rung động cả nước, cuốn sách đã gieo mầm cho vô số các xemina, trong đó các cá nhân tự ngẫm về ý nghĩa của cuộc đời và những gì cần thiết phải chuẩn bị để đối mặt với sự tử vong của mình. Một nhà tổ chức của một trong những cuộc hội thảo ấy có biết về chuyện tôi đã thoáng “gặp mặt” với Thần Chết và nghĩ rằng sẽ rất kích thích thính giả nếu có được một bác sĩ phẫu thuật nói về những quan điểm của anh ta từ cả hai phía của con dao mổ.
Thoạt tiên tôi lưỡng lự, bởi vì biết rằng sẽ phải bộc lộ khá nhiều những tư liệu cá nhân về bản thân và những nỗi sợ hãi của mình. Nhưng một năm trong địa ngục đã đem đến cho tôi một trải nghiệm biến đổi hẳn con người tôi, và tôi muốn chia sẻ nó.
Xét từ phản ứng của thính giả, thì tôi thấy bài trình bày của mình đã có tiếng vang sâu sắc. Sau đó, có một người tìm đến tôi và hỏi tôi có bản viết của bài thuyết trình hay không. Tôi trả lời là mình đã ghi chép một số điểm, nhưng tôi chưa chính thức viết nó thành văn bản. Người đàn ông tự giới thiệu là Charlie Garfield và cho biết rằng anh đang biên tập một cuốn sách mang tên Căng thẳng và Sống sót: Các thực tại của một căn bệnh trầm trọng. Đã thu thập được các đóng góp của Linus Pauling, Norman Cousins, Karl Menninger và Hans Selye, anh mời tôi tham gia cùng những người khác bằng cách viết ra những gì tôi đã nói thành một chương của cuốn sách.
Ban đầu, tôi không chắc là có đủ sức đáp ứng một nhiệm vụ như vậy hay không. Tôi chỉ học một khóa luyện viết tiếng Anh cho sinh viên năm thứ nhất tại Trường Đại học Michigan. Từ nền móng gia đình, sự nuôi dưỡng của cha mẹ, cho đến mối quan hệ giao du bạn bè hay ngành chuyên môn được đào tạo, có rất ít những gì chỉ ra thậm chí một cách rất mơ hồ là tôi có được cái sẽ khiến tôi trở thành một thợ chữ thanh nhã.
Toàn bộ đầu ra của việc sáng tạo chữ nghĩa mà tôi thực hiện trong vòng mười năm trước đó chỉ là những dòng nhận xét hằng ngày trong các bảng theo dõi diễn tiến tình trạng các bệnh nhân tại bệnh viện. Mục đích là để cho các bác sĩ và y tá đọc, những miêu tả này - hoàn toàn theo lối nói bị động, khách quan, xa rời mọi sắc thái tình cảm - chứa đầy các biệt ngữ chuyên môn, các tên tạo ra từ những chữ cái viết tắt, danh từ chung do tên riêng chuyển hóa mà thành và các thông số lấy từ phòng xét nghiệm. Chúng sẽ không bao giờ có đủ tiêu chuẩn cho bất kì một giải thưởng văn chương nào. Trong nghề này, lối diễn tả theo kiểu sáng tạo hoàn toàn không được khuyến khích, bởi vì các ghi chép hoa mĩ về tiến triển của bệnh có xu hướng dẫn đến rối loạn thông tin – “Chỉ có các sự thật, thưa quý bà” - nói theo lời của tài tử Jack Webb, đóng vai trung úy cảnh sát Joe Friday mặt lạnh trong loạt phim điều tra nhiều tập Lưới quét trên truyền hình.
Tuy nhiên, tôi tin rằng việc kể lại cái năm bị đánh mất trong cuộc đời là một liệu pháp chữa trị cho tâm hồn mình. Và bởi vì tôi vẫn còn khá lo lắng rằng mình sẽ có thể sớm chết đi, nên tôi muốn có gì đó để lại cho các con. Chúng sẽ có một thứ di chúc kiểu nào đó, để hiểu hơn về người cha đã khuất.
Sau khi cuốn sách được xuất bản, tôi bắt đầu nhận được thư từ và các cú điện thoại của những người cũng đã trải qua những cơn khốn khổ kinh hoàng như vậy, họ đã cảm động khi đọc chương sách của tôi. Tôi còn biết được rằng Khoa Xạ trị Bệnh viện Stanford đã sao chụp nó để trao cho tất cả các bệnh nhân tham gia chương trình chữa trị của họ, và một trường y đã đưa nó vào danh mục tài liệu bắt buộc đọc của sinh viên năm thứ hai, khi bắt đầu học và thực hành môn ung thư học. “Ừmm”, tôi thầm nghĩ. Một điều gì đó mà tôi đã viết ra đã có một tác động đầy ý nghĩa.
Chẳng bao lâu sau, nhà xuất bản liên hệ với tôi và muốn biết liệu tôi có thích mở rộng chương ấy ra thành hẳn một cuốn sách hay không. Sau khi nghiền ngẫm sự công nhận bất ngờ này, tôi quyết định rằng không. Tiếp tục viết về cái giai đoạn tăm tối chứa ngập sự sợ hãi, tuyệt vọng và chịu đựng khắc kỉ ấy là sẽ phải sống lại nó, mà tôi thì muốn đi tiếp. Nhưng dù sao, l’affair cancer (cái vụ việc ung thư) này đã thổi bùng niềm tin của tôi về năng lực viết lách của mình.
Trong thời gian dưỡng bệnh, tôi và con gái đầu Kimberly quyết định đi chơi New York để tham quan các di sản vĩ đại của nền Văn minh phương Tây đang được trưng bày trong các bảo tàng. Mười hai tuổi, Kimberly đã bộc lộ các năng khiếu nghệ thuật đang đâm chồi. Và thế là hai cha con tôi lên đường hưởng một kì nghỉ mang tính văn hóa.
Như tôi đã kể trong “Lời nói đầu” của cuốn sách, chính là trong chuyến đi này, ý tưởng gốc rễ của Nghệ thuật và Vật lí đã bắt đầu hình thành. Tôi nhận ra sự tương đồng giữa nghệ thuật hiện đại và vật lí thế kỉ hai mươi, và tiến tới chỗ tin rằng phải có một mối nối cơ bản giữa chúng.
Vào thời gian đó, tôi cũng đang thực hiện các phẫu thuật mạch máu. Một loại phẫu thuật thông thường, cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh (một kiểu miêu tả hoa mĩ về nong rộng các động mạch chính dẫn lên não), luôn kích thích trí tưởng tượng của tôi. Khi mới vào học trường y, tôi đã có ý nghĩ tính đến việc sẽ trở thành bác sĩ tâm lí. Mặc dù cuối cùng tôi đã chọn ngành phẫu thuật, nhưng tôi vẫn không hề dập tắt mối quan tâm về chuyện tâm trí con người hoạt động như thế nào. Phẫu thuật động mạch cảnh đòi hỏi tôi phải biết về sự vận hành của bộ não. Có một đặc tính của nó làm tôi rất tò mò: não phải rõ ràng là khác với não trái, và vẫn còn tồn tại một điều lạ lùng không thể giải thích nổi về khoảng 10 phần trăm những người thuận tay trái. Những suy nghĩ tới lui về câu đố bí hiểm của nhận thức, sự phân tách não phải / não trái, các mối liên hệ giữa phong cách Lập thể và tính tương đối cứ đảo lộn tùng phèo như mớ quần áo trong cái thùng vắt máy giặt của tâm trí tôi.
Một hôm, trong khi tôi đang cố làm việc với tâm trí không tập trung lắm, cái thùng vắt máy giặt trong đầu tôi bỗng kêu “bíp bíp”, báo hiệu đã hoàn thành chu kì giặt. Tôi đột ngột nhận ra rằng: tất cả những chủ đề khác nhau này thực ra đều có mối liên quan qua lại với nhau. Và Voilà!, tôi bắt đầu cái hành trình lớn lao viết ra một cuốn sách.
Tôi đã đi tới nghệ thuật viết tương tự như đi tới quá trình đạt được các kĩ năng cần thiết để trở thành một bác sĩ phẫu thuật. Tôi biết rằng sự thành thạo chỉ bắt đầu từ việc thực hành đáng kể và từ việc tìm hiểu sâu sắc những chuyên gia. Bao nhiêu cuộn giấy khổ A4 đã biến mất trong sọt rác trong khi tôi cố nắm bắt được những phẩm chất thanh nhã và duyên dáng nằm trên cái continuum dài hẹp được căng ra bởi lối viết suy tư và hoa mĩ ở một đầu và sự chính xác, chặt chẽ ở đầu kia. Tôi cũng có một ưu thế: luôn là một người đọc ngốn ngấu, và ngay cả trong những ca trực căng thẳng nhất trong thời gian thực tập phẫu thuật, bao giờ tôi cũng thủ sẵn một cuốn sách bìa mềm trong túi sau cho những phút giây rảnh rỗi không bị quấy rầy hiếm hoi.
Khi tham dự các cuộc giao tiếp xã hội, tôi thường được người ta hỏi đầy thiện ý: “Vậy thì ông đang làm gì?”. Tôi thường nói với họ là tôi đang viết một cuốn sách. “Về phẫu thuật ư?” họ hỏi lại ngay. “Không, về nghệ thuật và vật lí”, tôi đáp. Câu chuyện thường dừng ngay ở đấy. Tôi đã chứng kiến cảnh mắt họ đờ ra khi tôi cố gắng giải thích các luận đề của mình trong tiếng chạm cốc lanh canh và trong các đối thoại xã giao quanh tuần rượu khai vị. Lịch thiệp chỉ ra điều hiển nhiên, rằng tôi không phải là một nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật hay một nhà vật lí, người ta thường gợi ý: “Có lẽ ông nên thử để một tờ tạp chí xuất bản một bài báo của mình trước đã.”
Không nao núng, tôi cứ lầm lũi xông lên trước, nhưng cái hàng rào định làm nản lòng tôi đã khiến tôi tự biện giải là chỉ coi các nỗ lực này của bản thân như một trò tiêu khiển gì đó vô hại sẽ làm bận bịu mình trong thời về hưu. Tuy nhiên, trong sâu thẳm trái tim, tôi tin rằng mình đang đạt tới một điều gì đó.
Một đêm, sau khi thuyết trình cho một nhóm nhỏ cử tọa gọi là Hội Văn học thung lũng Mill, một người đàn ông đi đến gặp và hỏi xem liệu tôi có một văn bản bổ sung cho những thuyết trình vừa rồi không. Robert Stricker cho tôi biết rằng anh là một nhà đại lí văn học mới và rất hứng thú với các ý tưởng của tôi. Khi tôi nói với anh rằng tôi đang viết một cuốn sách về chủ đề này, anh đề nghị xem có thể được đọc một cái gì đó mà tôi đã viết hay không. Hãnh diện, tôi đưa cho anh bản thảo của mấy chương đã viết và sướng ngất ngây khi mấy hôm sau anh gọi điện cho tôi, thông báo rằng anh thấy đây có thể sẽ là một cuốn sách rất thành công và đề nghị được làm đại diện cho tôi.
Stricker thông báo với tôi rằng anh sẽ đi New York và anh muốn cho một số nhà xuất bản xem công trình của tôi. Bất chấp danh tiếng của Stricker, tôi thật sự có những ngờ vực về chất lượng bản thảo của mình và không nghĩ rằng nó đã đủ trau chuốt để đưa ra cho các nhà xuất bản lớn xem xét. Tôi cũng có những nghi ngại về việc Stricker chỉ là một nhà đại lí văn học mới. Liệu tôi có nên tin tưởng giao cho một tay mơ như vậy một nhiệm vụ như thế? Nhưng Stricker đã nói rất thuyết phục khiến tôi đồng ý cho phép anh ta đưa một chương cho một nhà xuất bản, để xem họ phản ứng như thế nào.
Khi lên đường đi New York, Stricker hứa rằng tôi sẽ được nghe anh thông tin lại trong vòng dăm ngày. Một tuần trôi đi, tôi bắt đầu tin rằng công chuyện của anh đã thất bại, và anh quá ngượng không dám gọi lại cho tôi nữa. Mười ngày sau, Stricker gọi điện cho tôi. Anh xin lỗi vì đã không làm đúng như kế hoạch ban đầu. Anh giải thích rằng nhà xuất bản đầu tiên đã thích thú với chương duy nhất đến mức anh quyết định phải đi chào dự án ngay cho các nhà xuất bản khác. Tám nhà xuất bản lớn đã thích thú với công trình của tôi! Trong đời, hiếm có những khoảnh khắc mà người ta phải để ống nghe điện thoại rời xa khỏi tai để nhìn chằm chằm vào nó nhằm xác định chắc chắn rằng cái thiết bị này đã không bị trục trặc gì!
Sau khi đã định thần lại, tôi hỏi anh bước tiếp theo sẽ là gì. Anh nói với tôi là họ muốn đọc toàn bộ phần còn lại của cuốn sách. Choáng người, tôi đáp là chưa viết phần còn lại của nó. “Thế thì viết đi!”, Stricker nói. Trong cái năm tiếp theo, tôi như người bị ma ám. Tôi viết trong buổi sáng trước ca mổ. Tôi viết trong kì nghỉ phép, vào các ngày không làm việc cuối tuần, trong khi chờ đợi các ca mổ bắt đầu tại phòng phẫu thuật.
Năm 1991, bản xuất bản đầu tiên lăn ra khỏi máy in và mấy ngày sau tôi nhận được một cuốn. Tôi nhớ lại mình đã đóng sập cửa văn phòng, bỏ ống nghe ra khỏi điện thoại và thưởng thức cái giây phút hồi tưởng về mười năm qua, cuốn sách tưởng tượng của tôi đã là người bạn đồng hành gắn bó với mình như thế nào. Và giờ đây, trong hai tay tôi, nó thật sự hiển hiện! Cuối cùng thì cuốn sách cũng ra mắt công chúng lần đầu tiên và, trong niềm sung sướng lâng lâng, tôi đã nhận được nhiều (không phải là tất cả) bài phê bình ca ngợi hết lời.
Nghệ thuật và Vật lí hiện nay được nhiều giáo sư khuyến nghị dùng như sách giáo khoa ở nhiều trường đại học lớn, trong các học trình khác nhau rất xa như nghệ thuật, khoa học, triết học và truyền thông. Sau khi đã thưởng thức sự thành công trong việc viết về hai chủ đề mà mình không phải là chuyên gia, tôi đâm bạo dạn viết về những chủ đề khác mà mình cũng không phải là nhà chuyên môn (nhưng trong đó tôi có một niềm say mê bền vững vì đã kì công nghiên cứu chúng). Bảng chữ cái trong thế đối lập với Nữ thần, một cuốn sách về sự biết đọc biết viết, bán cầu não trái, phụ nữ và tôn giáo, cũng đã trở thành một bản bestseller. “Ờ này”, tôi tự nhủ, “nếu mình đã có thể viết nổi sách về nghệ thuật, vật lí, đàn bà, tôn giáo và giải phẫu thần kinh, thế thì chắc mình cũng có khả năng xử lí được chủ đề về tình dục”. Sử dụng sinh học tiến hóa như chủ đề phụ, Tình dục, Thời gian và Quyền lực đã khảo sát tại sao loài người chúng ta giao phối theo một cách lạ lùng đến mức chúng ta khác hẳn với ba triệu loài khác cũng thực hiện phối ngẫu tính dục để tạo ra con cái. Tôi vui mừng nói rằng cuốn sách này cũng đã nhận được sự chào đón như hai cuốn sách kia.
Việc tích hợp cái phần “dương” của cuộc đời một bác sĩ phẫu thuật bận rộn với phần “âm”của một tác gia suy tư đã trở thành một bước ngoặt bất ngờ và khẳng định cuộc sống trên con đường đời của tôi. Theo một cách nào đó, nó đã cân bằng đẹp đẽ với khúc rẽ ngoặt bất ngờ gây ra bởi căn bệnh phi Hodgkin có khả năng từ chối cuộc sống trước đó. Khúc vĩ thanh của câu chuyện này là: tôi vừa mới nhận được một giải thưởng văn học. Anh bạn cố tri Fred Miller của tôi cũng có mặt trong cử tọa hôm đó. Sau khi kể lại câu chuyện vừa mới nhắc lại ở trên, tôi nhìn thẳng vào anh chàng và nói: “Fred, cậu đã đúng. Đã có một điều gì đó tốt đẹp thực sự nảy sinh từ việc tớ được chẩn đoán là bị ung thư.”
Bình luận