79 lượt mua
Hotline:
02466878415NXB | Nhà xuất bản Tri thức | Người dịch: | Phùng Văn Tửu |
Năm XB: | 2022 | Loại sách: | Ebook; |
Khổ sách: | 12 x 20 | Số trang: | 410 |
Quốc gia: | Việt Nam | Ngôn ngữ: | vi |
Mã ISBN: | 9786043404739 | Mã ISBN Điện tử: | 9786044841809 |
1. Tác giả
Roland Barthes, sinh ngày 12 tháng 11 năm 1915 tại Cherbourg (Manche) và mất ngày 26 tháng Ba năm 1980 tại Paris, là một nhà văn và nhà kí hiệu học người Pháp. Ông là một trong những người đặt nền móng cho chủ nghĩa cấu trúc và kí hiệu học Pháp.
Bạn đọc Việt Nam đã từng biết đến Roland Barthes với cuốn Độ không của lối viết do Nguyên Ngọc dịch. Cuốn sách là một suy tư về ngôn ngữ văn học và về điều kiện lịch sử cũng như muốn chứng minh: “một khó khăn nhất định trong văn học vì buộc phải tự biểu đạt bản thân mình qua một lối viết không thể tự do”. Luận văn này được coi là tuyên ngôn của “Phê bình mới”.
Tuy nhiên, phần lớn những công trình quan trọng khác của Roland Barthes như Cơ sở ký hiệu học, Đế quốc của những ký hiệu, S/Z… đều chưa được dịch ra tiếng Việt. Bản dịch Những huyền thoại là một nỗ lực của dịch giả Phùng Văn Tửu và NXB Tri thức nhằm bù đắp phần nào lỗ hổng học thuật đó.
2. Tác phẩm
Cuốn sách gồm hai phần. Phần đầu lấy tiêu đề trùng với nhan đề của sách là “Những huyền thoại” tập hợp 53 bài ông viết từ 1954 đến 1956 về các vấn đề thời sự hàng ngày hết sức đa dạng ông quan sát và nghiền ngẫm trong xã hội Pháp; chất liệu của những bài viết ấy có thể là một bộ phim, một bài báo, một tấm ảnh ở trang bìa tờ tạp chí, một cuộc triển lãm... Phần thứ hai mang tiêu đề “Huyền thoại, ngày nay...” (Le mythe, aujourd’hui...) có thể xem như lời hậu bạt dài khép lại cuốn sách.
Trong Lời nói đầu công trình nghiên cứu, tác giả viết: “Ngay từ đầu [...] tôi cũng đã tin vào một điều mà về sau tôi tìm cách rút ra tất cả những hệ quả: huyền thoại là một ngôn ngữ (langage). Vì vậy, tuy đề cập đến những sự việc xem ra hết sức xa lạ với mọi loại văn chương (một trận đấu catch, một món ăn được trang trí, một cuộc triển lãm chất dẻo), tôi không nghĩ là đi ra ngoài lĩnh vực ký hiệu học đại cương của thế giới tư sản chúng ta, mà tôi đã tiếp cận triền dốc văn chương trong các tiểu luận trước...” Đến Lời nói đầu ở lần tái bản năm 1970, tác giả lại viết : “Bạn đọc sẽ thấy ở đây hai quyết tâm: một mặt là phê phán ngôn ngữ của cái gọi là văn hóa đại chúng về phương diện tư tưởng; mặt khác là bước đầu tháo dỡ ngôn ngữ ấy về phương diện ký hiệu học: tôi vừa đọc Saussure và tôi sẽ rút ở đấy ra niềm tin chắc là bằng cách xem xét các “thể hiện tập thể” như những hệ thống ký hiệu, người ta hy vọng có thể thôi không còn phải tố cáo nhẹ nhàng chung chung mà vạch ra một cách chi tiết sự lừa phỉnh muốn biến văn hóa tiểu tư sản thành bản chất phổ quát”.
Mở đầu phần thứ hai cuốn Những huyền thoại, Barthes viết : “Huyền thoại là gì ? Tôi sẽ ngay lập tức đưa ra câu trả lời đầu tiên rất đơn giản, hoàn toàn phù hợp với từ nguyên: huyền thoại là một ngôn từ”. Ngay ở cuối trang, ông ghi chú là người ta có thể sẽ đưa ra cả ngàn nghĩa khác của từ huyền thoại để bác bẻ ông, nhưng ông đã tìm cách xác định các sự việc, chứ không phải các từ ngữ. Huyền thoại là một ngôn từ, nhưng theo ông không phải ngôn từ nào cũng là huyền thoại, “mà cần phải nêu lên mạnh mẽ ngay từ đầu, huyền thoại là một hệ thống thông báo, đó là một thông điệp” do đó huyền thoại không thể là một sự vật, một khái niệm hay một ý niệm, mà đó là một phương thức thông báo, đó là một hình thức; huyền thoại không được xác định bằng nội dung của thông điệp mà bằng cách thức nó phát ra thông điệp.
Vẫn theo Barthes, “mọi ký hiệu học đều có tiền đề là mối tương quan giữa hai vế, cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Mối tương quan ấy diễn ra trên những đối tượng thuộc các lĩnh vực khác nhau, và vì thế nó không phải là sự ngang bằng mà là sự tương đương” ; do đó, nếu như trong ngôn ngữ thông thường cái biểu đạt biểu thị cái được biểu đạt, thì trong mọi hệ thống ký hiệu học, không chỉ có hai mà là ba vế khác nhau ; vế thứ nhất không dẫn thẳng đến vế thứ hai mà thông qua mối tương quan giữa hai vế ấy ; “vậy là có cái biểu đạt, cái được biểu đạt và ký hiệu là tổng liên kết của hai vế đầu”. Ông đưa ra một số thí dụ, chẳng hạn bó hoa hồng: ông để cho bó hoa hồng biểu đạt tình yêu say đắm của ông; ở đây không phải chỉ có cái biểu đạt (những bông hồng) và cái được biểu đạt (tình yêu say đắm); mà chỉ có những bông hồng đã “thấm đượm tình yêu say đắm”; nhưng trên bình diện phân tích, rõ ràng có ba vế, vì những bông hồng thấm đượm tình yêu hoàn toàn có thể phân tích thành những bông hồng và tình yêu say đắm, hai vế đó tồn tại độc lập trước khi kết hợp với nhau để tạo thành đối tượng thứ ba là ký hiệu. “Đúng thế, ông viết, trên bình diện cuộc sống trải nghiệm, tôi không thể tách những bông hồng ra khỏi thông điệp chúng mang theo như thế nào, thì trên bình diện phân tích cũng thế, tôi không thể lẫn lộn những bông hồng với tư cách cái biểu đạt và những bông hồng với tư cách ký hiệu: cái biểu đạt thì trống rỗng, ký hiệu thì đầy ắp, nó là nghĩa”.
Sự phê phán xã hội bộc lộ rõ nét trong Những huyền thoại. Barthes phê phán cái “xã hội chúng ta”, “môi trường ưu đãi của những biểu đạt huyền thoại”, nơi chốn của “một chế độ tư hữu nhất định”, “một trật tự nhất định”. Với Roland Barthes, huyền thoại làm con người chúng ta mù quáng không thể nhìn nhận rõ điều kiện lịch sử của chính mình, còn nghiên cứu về huyền thoại thì làm người ta nhìn rõ mọi thứ.
***
ROLAND BARTHES THỨ NHẤT
Quả là một sự tình cờ lớn khi ở Việt Nam các tác phẩm của Roland Barthes đã được dịch ra cho đến nay đều thuộc vào giai đoạn đầu tiên sự nghiệp của ông, thuộc vào “Roland Barthes thứ nhất”, như nhan đề bài viết nhỏ này cố gắng chỉ ra. Ngay lập tức, “các tác phẩm của Roland Barthes đã được dịch ra” đã hàm ý sự nghèo nàn về phương diện dịch thuật tác giả quan trọng ở hàng bậc nhất của lý thuyết và phê bình văn học thế kỷ XX, bởi trước cuốn sách này, mới chỉ có Độ không của lối viết[1], cuốn sách đầu tiên của Barthes, có ấn bản tiếng Việt (tất nhiên ở đây chúng tôi đã bỏ qua một số công trình mang tính kỹ thuật, nhất là ký hiệu học, được dịch đăng rải rác trên vài tờ tạp chí chuyên ngành). Ngay sau Độ không của lối viết (1953), Roland Barthes xuất bản Michelet, và ba năm sau đó là đến Những huyền thoại (1957). Dưới đây sẽ là một vài chi tiết nhằm định vị Những huyền thoại trong tổng lượng tác phẩm của Roland Barthes, sau đó là một phân tích nhỏ về khái niệm “huyền thoại” như được thể hiện ở trong sách.
Marx, Sartre và Brecht…
Bộ Roland Barthes toàn tập[2] gồm năm quyển ấn hành vào năm 2002 dành tập I cho hai mươi năm trứ tác đầu tiên của Barthes, từ 1942 đến hết 1961 (Barthes sinh năm 1915). Tương ứng với thời gian này trong cuộc đời ông là giai đoạn vật lộn với bệnh tật và những điều không mấy may mắn trong sự nghiệp học vấn và khoa học; đến năm 1962 ông sẽ bắt đầu sự nghiệp lừng danh sau này với tư cách phụ trách nghiên cứu ở trường Cao đẳng thực hành – sự nghiệp ấy sẽ kết thúc vào năm 1980 ở vị thế cực điểm của các nhà nghiên cứu Pháp: giáo sư của Collège de France. Tập I của bộ sách cũng khác hẳn với các tập sau ở điểm trong đó không có bài trả lời phỏng vấn nào; kể từ tập II (nghĩa là sau 1961) Roland Barthes sẽ dần trở thành tâm điểm của báo chí, liên tục trả lời phỏng vấn và đưa ra ý kiến về các vấn đề rộng khắp nhiều lĩnh vực. Trong suốt hai mươi năm, Roland Barthes là nhân vật số một của nghiên cứu văn học theo hướng lý thuyết tại Pháp, đến mức François Dosse trong bộ sách Lịch sử cấu trúc luận[3] đã coi Barthes là hình ảnh “người mẹ” (thiên về tính nữ) nâng đỡ cả trào lưu cấu trúc luận (hình ảnh “người cha” là nhà tâm phân học Jacques Lacan).
Tự nhìn lại cuộc đời mình trong một tác phẩm đậm tính tự truyện Roland Barthes bởi Roland Barthes[4], ông gọi các giai đoạn đã trải qua là các “pha” (phase), trong đó cụm tác phẩm đầu tiên (trùng với thời kỳ viết Những huyền thoại mà chúng ta nói ở đây) nằm trong “thể loại” huyền thoại xã hội (mythologie sociale) với các “intertexte” (ở đây nên hiểu là những gương mặt xuất hiện liên tục, dù hiển ngôn hay không, trong các sách của Barthes) được chỉ rõ tên: Sartre, Marx và Brecht.
Một điều rất đáng lưu ý là bản thân Barthes khi xếp các tác phẩm vào “pha” huyền thoại xã hội lại kể ba cái tên: Độ không của lối viết, Những huyền thoại và “Các bài viết về sân khấu”, trong khi trên thực tế cuốn sách thứ ba của giai đoạn này, như đã nói ở trên, mang tên Michelet. Thật là nghịch lý, vì sau này Barthes rất hay phàn nàn rằng giới nghiên cứu đã không dành một mối quan tâm đúng mức đến cuốn sách nhỏ mà ông viết cho tủ sách nổi tiếng “Các nhà văn muôn đời”. Ở đây cũng có thể căn cứ vào chính lời của Barthes theo đó quả thực ông từng viết rất nhiều điều mâu thuẫn với nhau nhưng không muốn hồi cố mà sửa lại. Điều này gợi cho chúng ta nhớ đến một “đòi hỏi” của Baudelaire, vừa hết sức nổi tiếng lại vừa hết sức khiêu khích: nhà thơ đòi hỏi cái quyền tự mâu thuẫn với chính mình (bên cạnh quyền được bỏ ra đi).
Trong các nhà bình luận Roland Barthes sau này, Antoine Compagnon (có lẽ là người duy nhất) đặc biệt chú ý đến khía cạnh mối quan tâm mà Barthes dành cho các tác gia cổ. Trong tác phẩm Những người phản hiện đại[5], Compagnon xếp Roland Barthes vào cùng dòng với các nhà tư tưởng Pháp của khoảng hai trăm năm, kể từ Joseph de Maistre giai đoạn hậu Cách mạng Pháp cho đến Barthes là người cuối cùng, những người theo Compagnon sở dĩ thực sự hiện đại chính là vì họ phản hiện đại, trong đó nổi bật là cái nhìn hướng về quá khứ lúc nào cũng thường trực không ngưng nghỉ.
Cũng là Antoine Compagnon, trong một bài viết kỷ niệm vào năm 2007, đã coi Những huyền thoại có chức năng “từ lâu nay đã phục vụ, trên phạm vi toàn thế giới, cho việc dẫn nhập vào nước Pháp đương đại, nghĩa là nước Pháp của thời kỳ đầu tiên bước vào xã hội tiêu thụ và văn hóa đại chúng”. Điều này hoàn toàn chính xác: chỉ cần nhìn vào mục lục cuốn sách là ta đã có thể thấy muôn mặt xã hội Pháp xuất hiện dưới cái nhìn của nhà ký hiệu học. Từ các diễn viên đến quảng cáo xà phòng và bột giặt, từ tu sĩ Pierre nổi tiếng đến đợt lụt lội ở Paris, từ các nhân vật nổi danh của chính trường hồi ấy như Poujade hay Mendès-France, thậm chí đến cả rượu vang, sữa, bít tết và khoai tây rán… Cuốn sách được hình thành từ việc tập hợp các bài báo mà Barthes viết cho các tờ Esprit, Combat rồi đến Lettres nouvelles (điều này cũng đánh dấu sự hợp tác của ông với Maurice Nadeau, một nhân vật rất quan trọng của phê bình và báo chí Pháp thế kỷ XX). Bài đầu tiên chính là “Nơi người ta đấu vật” đăng trên Esprit vào tháng Mười 1952. Bài viết cũng hé lộ sự quan tâm sâu sắc của Barthes đối với văn hóa đại chúng. Sau khi Những huyền thoại đã được xuất bản dưới dạng sách (cuốn sách này sẽ đưa Roland Barthes đến với công chúng rộng rãi, bởi tác phẩm đầu tay Độ không của lối viết chủ yếu tìm được độc giả trong giới văn chương, phê bình, và được coi là một cương lĩnh cho lối phê bình mới), Barthes vẫn viết thêm một số “huyền thoại” nữa đăng trên mục của mình ở Lettres nouvelles, như về bộ phim Serge đẹp trai của Claude Chabrol, hoặc về một cuộc thảo luận bàn tròn xung quanh “Tiểu thuyết mới”, và sẽ chỉ thực sự kết thúc vào tháng Mười một năm 1959 bằng bài viết về salon ôtô và salon thiết bị văn phòng. Sau đó, mối quan tâm chính của Barthes sẽ được chuyển sang cho mốt quần áo, mà sản phẩm là Hệ thống mốt (1967).
Trong số ba cái tên được kể ra cho “pha” đầu tiên, ngoài Jean-Paul Sartre không thực sự xuất hiện rõ nét trong các tác phẩm của Barthes (có thể ông cảm thấy gần gũi với Sartre ở vị thế chính trị nghiêng về cánh Tả và ngưỡng mộ phê bình của Sartre thể hiện trong Saint Genet: “Còn ví dụ nào về loại phê bình tổng thể rõ rệt hơn”, Những huyền thoại – trong khi lại không mấy ưa Albert Camus, với chứng nhận là cuộc tranh luận giữa hai người nổ ra năm 1955 xung quanh tiểu thuyết Dịch hạch), và Bertolt Brecht tập trung vào mảng kịch không xuất hiện trong Những huyền thoại, vị thế của Karl Marx là rất đáng nói.
Ngay trong “Lời tựa” Roland Barthes đã khẳng định ý muốn “tóm bắt sự lạm dụng ý hệ ẩn nấp”, chỉ ra tính chất dối trá của các huyền thoại. Antoine Compagnon, mặc dù khẳng định Những huyền thoại vẽ lại cả một giai đoạn lịch sử của nước Pháp, nhưng cũng nhấn mạnh là không được quên luận đề đầu tiên của cuốn sách: “tố cáo sự tha hóa của người dân thông qua ý hệ”. Đối tượng thực thụ của Những huyền thoại chính là ý hệ của xã hội tư sản (và/hoặc tiểu tư sản).
Tuy nhiên, chỗ đứng chính trị của Roland Barthes không đơn giản là Marxit hoặc cánh Tả. Một văn bản quan trọng cho thấy điều này: trên Lettres nouvelles số tháng Bảy-Tám 1955, ông đăng bài báo rất ngắn, “Tôi có phải người marxit hay không?” Đó là sau khi tờ La Nouvelle NRF đăng vài đoạn trích từ các “huyền thoại” và Jean Guérin, đầy mỉa mai, đặt câu hỏi “liệu có phải là ông Roland Barthes chỉ đơn giản là người marxit hay không?” Câu trả lời của Barthes là: “Dạng câu hỏi này thường chỉ làm những người theo phái MacCarthy quan tâm… chủ nghĩa Marx không phải là một thứ tôn giáo, mà là một phương pháp giải thích và hành động”, sau đó ông kết tội tờ báo là “phản động”. Như vậy là Barthes ở trong Những huyền thoại sử dụng nhiều cách nhìn và phương pháp phê phán marxit, nhưng ông không phải là một nhà marxit.
… và Saussure
Tuy rằng theo chính Barthes (trình bày trong bảng các “pha”) phải đến “pha” tiếp sau Những huyền thoại nhà ngôn ngữ học Ferdinand de Saussure mới trở thành một gương mặt quan trọng đối với ông, nhưng, vẫn theo Antoine Compagnon, ở giai đoạn này Roland Barthes đã bắt đầu khám phá lý thuyết của Saussure. Chắc chắn Saussure là bước ngoặt đặc biệt quan trọng trong công trình lý thuyết nói chung của Barthes. Liền sau những năm 1942-1961 này ông sẽ xây dựng lý thuyết ký hiệu học của riêng mình, song song với đó là cuộc tranh đấu thực sự quyết liệt cho quan điểm đổi mới phê bình (năm 1966 Barthes sẽ xuất bản Phê bình và chân lý[6], một lời đáp trả đanh thép đối với các nhà phê bình “kiểu cũ”). Đến cuối những năm 1960, Barthes sẽ có một bước ngoặt lớn thứ hai khi tiếp xúc với lý thuyết của Mikhail Bakhtin thông qua cô sinh viên người Bungari Julia Kristeva, để mở rộng nghiên cứu của mình sang hướng liên văn bản, trước khi đến với giai đoạn cuối cùng mang tính văn chương cao độ, khi Barthes gần với một nhà văn hơn là một lý thuyết gia (thời kỳ của Roland Barthes bởi Roland Barthes và Các phân mảnh của một diễn ngôn tình yêu[7]) – tác phẩm cuối cùng, Phòng sáng[8] lại như thể là một sự quay trở lại của Roland Barthes với một trong các chủ đề nhỏ đã xuất hiện trong Những huyền thoại.
Sự hiện diện của Saussure rõ rệt nhất ở phần cuối tác phẩm, “Huyền thoại, ngày nay”, một tiểu luận đưa ra sự diễn giải huyền thoại dưới khía cạnh ngôn ngữ học: “huyền thoại học thực ra chỉ là một nhánh của ngành khoa học ký hiệu rộng lớn mà Saussure đã đưa ra cách đây khoảng bốn mươi năm”. Mối quan hệ của ba yếu tố ký hiệu, cái biểu đạt và cái được biểu đạt (về thuật ngữ, hai khái niệm sau có thể được gọi là “sở biểu” và “năng biểu”) với cái biểu đạt và cái được biểu đạt cấu thành nên ký hiệu ở ngôn ngữ đã được Roland Barthes mở rộng, đưa ra hiện tượng ký hiệu trở thành cái biểu đạt, để rồi sau đó nó sẽ kết hợp với một cái được biểu đạt mới để tạo ra một ký hiệu mới (mô hình hóa được trình bày ở tr 299). Ở đây Barthes đã sử dụng thuật ngữ “siêu-ngôn ngữ” (méta-langage) sẽ còn được phát triển mạnh mẽ trong Hệ thống mốt và các công trình liên quan đến ký hiệu học khác, đó cũng chính là một trong hai thuật ngữ nhờ có Barthes mà sau này sẽ được sử dụng hết sức rộng rãi (thuật ngữ thứ hai là “dénotation” – “hàm nghĩa”, kế thừa từ nhà ngôn ngữ học Đan Mạch Hjelmslev).
Hai ví dụ mà Roland Barthes đưa ra nhằm minh họa cho sự chuyển hóa từ ký hiệu thành cái biểu đạt, hay nói đúng hơn là hai hệ thống ký hiệu chèn lên nhau (có một khoảng trùng nhau với chức năng khác nhau ở hai hệ thống) kể từ đó đã được bình luận rất nhiều: câu văn Latin quia ego nominor leo (thực chất ở đây Barthes mượn ví dụ của Paul Valéry) có nghĩa “bởi vì tôi tên là sư tử” ở hệ thống ký hiệu đầu tiên, nhưng toàn bộ điều ấy mới chỉ là cái biểu đạt ở hệ thống thứ hai, nơi câu văn này nói với đứa trẻ đang học tiếng Latin rằng “tôi là một ví dụ về ngữ pháp”. Ví dụ thứ hai quan trọng hơn hẳn: trang bìa tạp chí Paris Match đăng hình một thanh niên da đen mặc bộ quân phục Pháp giơ tay chào theo kiểu nhà binh, đôi mắt ngước nhìn lên (việc đưa ký hiệu học sang các phạm vi bên ngoài ngôn ngữ học như nhiếp ảnh, như đã nói ở trên, sẽ trở thành chủ đề cho tác phẩm cuối cùng của Roland Barthes, Phòng sáng), bởi qua đó Barthes sẽ từ một nhà ký hiệu học thuần túy lý thuyết quay trở lại với ý tưởng nền tảng và khởi nguồn của Những huyền thoại: phê phán ý hệ tư sản theo hướng marxit. Barthes phê phán cái “xã hội chúng ta”, “môi trường ưu đãi của những biểu đạt huyền thoại”, nơi chốn của “một chế độ tư hữu nhất định”, “một trật tự nhất định”, “một ý hệ nhất định”. Roland Barthes phê phán cái vị thế vô danh xưng có chủ ý (hiện tượng “thoát-danh”), liên tục đẩy lùi các vấn đề chính trị sang các địa hạt của không diễn ngôn, một cách giấu nhẹm đi những gì liên quan chặt chẽ sâu xa đến ý hệ, để chỉ bày ra những cái dễ dàng diễn tiến không gặp phải phản kháng nào. Ngay cả nghệ thuật được mệnh danh “tiền phong”, theo Roland Barthes, cũng chỉ mở dấu ngoặc đơn cho một ý hệ tư sản bao trùm; nghệ thuật tiền phong chỉ đưa thành đối tượng của mình con người bị bỏ rơi, mà trốn tránh hiện tượng con người tha hóa (một khái niệm trọng tâm của chủ nghĩa Marx).
Với Roland Barthes, huyền thoại (mythe) làm con người chúng ta mù quáng không thể nhìn nhận rõ điều kiện lịch sử chính mình, còn nghiên cứu về huyền thoại (mythologie) làm người ta nhìn sáng rõ mọi thứ. Đó là tính hai mặt của vấn đề, và Roland Barthes cho rằng chỉ nhờ nghiên cứu huyền thoại thì cái quá trình trong đó văn hóa lăm le tìm cách trở thành “tự nhiên”, “bản tính” (và nhờ vậy mà được chấp nhận rộng rãi), nói tóm lại là một quá trình nơi cái võ đoán hoành hành vô lối, cái quá trình ấy mới bị vạch mặt chỉ tên và phê phán nghiêm khắc. Những huyền thoại, do vậy, bao gồm rất nhiều tầng nghĩa (riêng điều này lại là một điểm rất nhất quán trong sự nghiệp của Roland Barthes: dù là Roland Barthes thứ nhất như đang nói ở đây hay Roland Barthes của các giai đoạn sau thì tác phẩm của ông vẫn luôn kích thích cao độ sự suy tư và nỗ lực về sáng suốt), trong đó có cả ý tưởng theo đó mọi ký hiệu học (sémiologie) đều cần phải trở thành một sự “phá dỡ ký hiệu” (sémioclastie), như lời tựa viết cho lần tái bản Những huyền thoại năm 1970 đã viết.
CAO VIỆT DŨNG
[1] Le Degré zéro de l’écriture, 1953. Bản tiếng Việt: Độ không của lối viết, Nguyên Ngọc dịch, NXB Hội Nhà văn, 1998.
[2] Roland Barthes, Oeuvres complètes, 5 t., Éric Marty biên soạn, NXB Seuil, 2002.
[3] François Dosse, Histoire du structuralisme (Paris: La Découverte, 1991), 2 t.
[4] Roland Barthes par Roland Barthes, 1975, trong Roland Barthes toàn tập, t. 4.
[5] Les Antimodernes: de Joseph de Maistre à Roland Barthes, Gallimard, 2005, tủ sách “Bibliothèque des idées”.
[6] Critique et vérité.
[7] Fragments d’un discours amoureux, 1977.
[8] La Chambre claire, 1980.
Bình luận