Những ngày đầu người Pháp đến An Nam

Những ngày đầu người Pháp đến An Nam

Những ngày đầu tiên trên đất An Nam

Vào tháng 5.1883, Đại úy hải quân Pierre Loti (1850 – 1923) đã lên tàu Atalante để tham gia chiến dịch ở cửa biển Thuận An do Jules Ferry chỉ huy. Trước khi đến xứ An Nam, ông là một tiểu thuyết gia chuyên viết về các đất nước xa xôi và được nhiều người ưa chuộng. Cuốn sách gồm 3 bài đã được đăng tải trên tờ Le Figaro – một trong những tuần báo lớn nhất của Pháp, do đó có thể coi đây như các phóng sự thực tế của một phóng viên chiến trường.

Dưới dạng biên bản được tường thuật lại một cách trực tiếp, ông đã miêu tả một cách chính xác từng giờ từng phút cuộc đánh chiếm Huế. Giọng văn của ông trung tính, lạnh lùng, không bày tỏ quá nhiều cảm xúc như những tác phẩm hư cấu. Mở đầu tác phẩm ông đã điểm qua những điểm chung nhất về thời tiết, tình hình quân đội, phong cảnh, đồn lũy, tình hình quân lực của cả hai phía… từ đó cung cấp một cách tổng quan và sơ lược nhất về những ngày đầu tiên bước chân lên đất An Nam.

Bản phác thảo của Hihipoo về Cuộc đổ bộ trên bãi biển Thuận An, dưới hỏa lực của quân An Nam. Nguồn ảnh: manhhaiflickr


Sau đó liên tục là những mô tả một cách chi tiết những trận càn quét, những cuộc chống trả của cả hai phía dành đến cho nhau. Ông đã cho thấy tài năng quan sát của bản thân mình, khi tả lại cảnh giao tranh và những hệ lụy sau đó, với làng mạc bốc cháy, lửa bùng lên nhanh và khói dày đặc... Có khi những tường thuật này mang tính bao quát với các thống kê và những con số, nhưng cũng có khi là đầy đủ chi tiết trong cách cô đọng thời gian, để tả thật rõ về trận giao chiến mang tính trực diện của cả hai phía.

Đối với một xứ sở mới như là An Nam, cũng như những tác giả nước ngoài khác, Pierre Loti cũng đã nhìn thấy những điểm mới mẻ mà bản thân ông lần đầu tiếp cận. Nói về quân đội của vua Tự Đức, ông gọi họ là những người dũng cảm với sự kháng cự và sức mạnh khôn lường. Tuy được trang bị gần như nghèo nàn với quần áo tả tơi, vài ba ngọn giáo… thế nhưng họ vẫn dũng cảm chiếm giữ ụ pháo, mạnh mẽ bắn trả trong những phút đầu của cuộc đổ bộ. Ông viết: “Phía An Nam vẫn bắn trả đến cùng, họ kháng cự với một sức mạnh khôn lường, và quốc kỳ của vua Tự Đức vẫn tung bay trên bãi biển”.

Bản phác thảo của Hihipoo về sự kiện đánh chiếm các đồn ở Thuận An bằng pháo hạm Vipère (Thuyền trưởng Lejard) và Lynx (Thuyền trưởng Blouet). Nguồn: manhhaiflickr


Những toán sứ thần được cử lên thuyền Pháp để hòa đàm cũng được mô tả đầy vẻ kỳ bí, đúng như góc nhìn của người phương Tây với những hiểu biết còn rất ít ỏi về phương Đông nói chung. Ông đã mô tả đám rước di chuyển với những đòn cáng, và những vị quan có phần bí ẩn.

Trong bóng đêm tịch mịch ở cửa biển Thuận An, ông cũng nhìn thấy một Huế khác biệt, là một thành phố hoang vắng chỉ dành riêng cho vua nước Nam. Cấu trúc thành phố như những chiếc hộp ngày càng thu nhỏ, mà càng vào trong thì các yếu nhân càng sẽ hiện ra. Ông viết “Thành phố này dường như bị bỏ bùa. Nếu người Âu châu thâm nhập vào, theo một cách cổ xưa, thì Trời sẽ sụp”. Hoàng đế được ông ví như khuôn mặt của Medusa, mang vẻ huyền bí Đông phương và là một điều chính ông cũng không thể tưởng tượng ra.

Sứ thần Đặc mệnh toàn quyền Pháp đến sứ quán Pháp ở Huế. Nguồn ảnh: Le Monde Illustré (27.10.1883) và manhhaiflikr.


Kết thúc thời gian giao chiến, trong vòng chưa đầy 4 giờ, phía Pháp đã chiếm cửa sông Thuận An, cũng như pháo đài bảo vệ thành phố Huế. Có hơn 1.200 người lính An Nam thiệt mạng, 1.500 người bị thương, trong khi chỉ có chưa đến 10 quân nhân phía Pháp là bị thương nhẹ, và không một ai phải bỏ mạng lại. Thế nhưng cảm giác sau những giờ phút vừa mới trải qua chỉ có hối hận. Ông viết: “Không thể nào chuyện trò vui vẻ được. Người ta chẳng hiểu tại sao, im lặng lại quay về. […] Trong cái tĩnh lặng và giờ khác ngơi nghỉ này, hàng nghìn sự việc trở lại trong ký ức; người ta hình dung rất rõ ràng về mọi sự, và giờ đây người ta bị ám ảnh bởi những việc ghê tởm buộc phải thi hành.”

Mô tả về điều tàn bạo của ông cũng đầy ám ảnh: “Họ nghĩ đến khu vực ngoài các bức tường thấp vây quanh trại đã bị bóng đêm bao phủ, ở đó rải rác những xác chết mang tóc dài... quả thật những mớ tóc dài đã cho những xác chết kia một diện mạo rất đặc biệt.” Điều này gợi nhớ đến Cái trống thiếc của nhà văn Đức đoạt giải Nobel Günter Grass, khi ông mô tả lại một trong những cảnh tượng đáng nhớ nhất của văn học thế kỷ 20, khắc họa cảnh một người đàn ông đang đứng trên bãi biển: “từ lớp sóng biển ngầu bọt lộ ra một cái đầu ngựa. Nó đen tuyền, bóng nhẫy và nằm đó, ngay sát mép nước, đôi mắt chết đang nhìn trừng trừng trong khi lũ cá chình màu xanh nhợt uốn éo trườn ra từ mọi cái lỗ trên thân nó. Có khoảng hơn hai chục con cá chình bò ra, trông như những khúc ruột bóng lưỡng.”

Cửa pháo đài, ở cuối con đường chính của Thuận An, nơi thủy thủ của tàu Bayard tiến vào. Đây là chiến hạm thường được Loti nhắc đến trong tác phẩm. Nguồn ảnh: Le Monde illustré (27.10.1883) và manhhaiflickr


Bản chất con người khi bước vào guồng máy chiến tranh

Dẫu cung cấp những mô tả vô cùng chi tiết về các sự kiện xảy ra trong chiến trận, thế nhưng chỉ đến được số thứ 3 thì chuỗi bài viết của Pierre Loti gửi về Pháp quốc đã bị tạm ngừng. Xảy ra điều này là bởi các bài viết của ông đã gây ra vụ bê bối rất lớn ở Pháp nói riêng và toàn châu Âu nói chung, khi tập trung mô tả sự “say máu” của các thủy thủ Pháp trước người An Nam. Nó đã góp phần tạo ra một hình ảnh xấu về nước Pháp, tạo cơ hội cho báo chí lên tiếng về “sự man rợ của các thủy thủ Pháp”…

Cũng bởi chính sự kiện này mà ông bị chính phủ thải hồi ra khỏi quân đội, bị khiển trách vì đã không giữ bổn phận trung lập, và vì đã mô tả các hành động của binh lính Pháp với sự hung bạo cũng như tàn khốc. Dù vậy vẫn phải nói rằng trong các dòng văn của mình, Pierre Loti không hề đặt vấn đề về tính chính nghĩa của cuộc viễn chinh mang màu sắc thực dân. Ông không nhìn xuống cái chết của người An Nam và coi đó như hành động phi nghĩa, thay vào đó, ông đã nhìn thấy trong mắt những người đồng hành cùng mình một sự khát máu cũng như ác tính mà họ hiện ra. Chính những mô tả quá thực tế này đã làm trái đi những tuyên ngôn chung và những hứa hẹn của quân đội ban đầu, khi phía chính nghĩa luôn thuộc về đội quân mạnh, còn sự tàn ác dành cho kẻ thù.

Cựu đại úy hải quân và nhà văn Pháp Pierre Loti. Ảnh: Le Télégramme


Ông viết như sau trong tác phẩm này: “Người ta không còn nhận ra những người lính bình thường nữa. Họ trở nên say máu. Chúng tôi muốn cản lại. Chúng tôi bảo: “Các bạn khốn khổ ơi, các bạn có biết hành động như thế là bẩn thỉu và hèn hạ không?”. Họ trả lời: “Thưa Đại tá, đó là bọn người man rợ! Chúng chẳng đóng cọc bêu đầu trung tá Rivière và diễu quanh đường phố đó sao! Thưa Đại tá, phải chăng đó là những con người? Đổi lại nếu là chúng tôi bại trận, chúng sẽ chặt chúng tôi hay xẻ chúng tôi ra thành từng mảnh”.

Điều này còn được hậu thuẫn bởi những suy tư gần như logic trong suy nghĩ của những kẻ viễn chinh: “Nghĩ cho cùng thì ở miền Viễn Đông, đó là luật lệ của chiến tranh. Và nữa, khi chỉ mang một nhóm lính nhỏ đến chinh phục một xứ sở bao la, đó là một cuộc phiêu lưu, phải tàn sát thật nhiều, gieo rắc thật nhiều hãi hùng, nếu không thì chính mình sẽ bị triệt hạ”. Vì vậy Loti đã không đứng về đất nước bị thực dân xâm chiếm và những cái chết vô nghĩa, mà thay vào đó ông lại nhìn thấy những sự biến chất và cái tham tàn của những chàng trai chỉ mới 20 đã biết học cách tìm thấy niềm vui qua việc để cho máu chảy.

Như sau này ông đã viết trong bức thư với đại văn hào Alfonse Daudet: “Tôi chẳng biết họ sẽ xử tôi ra sao, nhưng có một điều bất công đáng phẫn nộ là họ buộc tội tôi đã mô tả những thủy thủ đáng thương của chúng ta như bọn người man rợ. Những người ở Paris đã gửi những thủy thủ qua đây để tham sát, họ là những đứa con của xứ Bretagne can đảm trăm, nghìn lần hơn các ngài, những người lúc nào cũng sống trong hoan lạc, thế mà các ngài lại gửi họ đi viễn chinh ở xứ Bắc Kỳ này, rồi các ngài lại cảm thấy lợm giọng, nhao nhác như gà phải cáo... khi người ta kể cho các ngài biết sự tình đã xảy ra thế nào”.

Bìa sách Ba ngày chiến trận ở xứ An Nam. Ảnh: NXB Tri thức


Hệ thống báo chí ở giai đoạn này có nhiều lý do để phản pháo lại mô tả của ông. Trước nhất là vì Loti không phải là nhân chứng đích thực cho những sự kiện bản thân kể lại. Thực ra ông không tham gia vào cuộc đổ bộ, mà thuộc bộ phận quan sát từ trên boong tàu. Vì vậy báo Pháp cho rằng những gì mà ông viết ra chỉ đến từ lời kể của các quân lính tham gia tham chiến, và trong số đó chứa đựng không ít những lời phóng đại. Nhiều bên cũng đi xa hơn, khi cho đây là một cách để ông cùng nhà xuất bản tạo ra bê bối, từ đó quảng bá cho cuốn sách mới. Vị thế từng là một tiểu thuyết gia cũng góp phần vào sự kiện này, khi nhiều người cho rằng đây là những thứ hư cấu được viết ra bởi trí tưởng tượng quá sống động của nhà văn…

Thế nhưng dù có ra sao, thì “sự so sánh của bất cứ cuộc chiến nào cũng đều giống nhau... Thời đại đã đổi thay, ngôn ngữ cũng đổi thay, nhưng sự việc chính nó vẫn là như thế!”. Qua tác phẩm trung thực của Pierre Loti, độc giả ngày nay có thể nhìn thấy và hiểu rõ được những gì đã từng xảy ra ngay từ ngày đầu mà Pháp đặt chân lên đất An Nam, cũng như rất nhiều cá nhân ngã xuống cho một cuộc chiến không hề cân sức. Tuy không mang nhiều tính chất nhân đạo, nhưng qua một tác phẩm trung dung và không tỏ bày quá nhiều cảm xúc, thì Ba ngày chiến trận ở xứ An Nam là một tác phẩm ấn tượng để ta biết được những gì đã qua.

Minh Anh

https://www.nguoidothi.net.vn/nhung-ngay-dau-nguoi-phap-den-an-nam-41570.html?fbclid=IwAR2rdZpNy5lYsETT-Ud93MMvXcmZI8UTwAgBgsxRV7Cs28zvzvrgSm3KBuY

Thủ tụcHành chính
Tin nổi bậtXem toàn bộ