Nước Pháp - Cánh cửa mở vào thế giới hiện đại

Nước Pháp - Cánh cửa mở vào thế giới hiện đại

1.

 Theo dõi những diễn biến của lịch sử văn học Việt Nam, có thể nhận thấy một sự thay đổi mang tính bước ngoặt diễn ra xung quanh mấy năm đầu thế kỉ 21. Nói như vậy bởi lẽ không có một mốc thời gian chính xác nhưng xung quanh thời điểm bắt đầu thế kỉ 21 sẽ có một sự chuyển đổi lặng lẽ nhưng rõ nét của tư duy lí luận văn học ở Việt Nam. Quan sát những tờ báo phản ánh đời sống văn nghệ Việt Nam như báo Văn nghệ hay tạp chí Nghiên cứu văn học sẽ thấy rõ điều này. 

Cho đến hết những năm 80 của thế kỉ trước, báo Văn nghệ vẫn thường xuyên đăng tải tin tức về các hoạt động của Hội nhà văn Liên Xô. Những diễn ngôn quan trọng của Hội nhà văn Liên Xô về Đổi mới được tổng thuật hoặc dịch trọn vẹn để giới thiệu trên báo Văn nghệ, tạp chí Tác phẩm mới hoặc tạp chí Nghiên cứu văn học. Nhìn vào diễn trình ấy, có thể hình dung trong những năm 80 và 90 của thế kỉ trước, tiến trình đổi mới lí luận văn học ở Việt Nam vừa là một nỗ lực mang tính nội tại để giải quyết những vấn đề của chính nền văn học mà giới cầm bút cũng như giới nghiên cứu, lí luận, phê bình từ cuối những năm 70 đã manh nha cảm thấy “có vấn đề” và là những trở lực đối với sự phát triển của văn học (hãy nhớ bản Đề dẫn Hội nghị nhà văn Đảng viên của nhà văn Nguyên Ngọc và bài viết của Hoàng Ngọc Hiến về “chủ nghĩa hiện thực phải đạo” trên báo Văn nghệ). Đồng thời, nó cũng là ánh xạ những diễn biến trong đời sống văn học Xô viết vào đời sống văn học ở Việt Nam. Cho đến đầu những năm 90 của thế kỉ trước, biên độ Đổi mới “cấp tiến” nhất thuộc về thi pháp học và những tư tưởng về thi pháp thể loại của M. Bakhtine được các nhà nghiên cứu Phạm Vĩnh Cư và Trần Đình Sử giới thiệu qua tiếng Nga. Và  nếu nhìn vào công trình mang tính dấu mốc đặc biệt của lí luận văn học Lí luận và văn học của Lê Ngọc Trà (Giải thưởng Hội nhà văn năm 1991) thì thấy hệ vấn đề vẫn ở trong khung của tư duy lí luận trước Đổi mới với những vấn đề như Văn học phản ánh hiện thực; Văn học và Chính trị; Các chức năng của văn học… Tất nhiên, vẫn có những biệt lệ: công trình Ngôn ngữ thơ của Nguyễn Phan Cảnh, xuất bản lần đầu năm 1987. Biệt lệ bởi nó nằm ở khoảng giao giữa nghiên cứu văn học và một lĩnh vực đặc biệt: ngôn ngữ học. Điều này cho thấy sức tác động mạnh mẽ của học thuật Xô viết thông qua tiếng Nga với đời sống văn nghệ và lí luận văn nghệ Việt Nam trong thế kỉ 20. 

Dẫu vậy, ngay từ những năm 90 của thể kỉ trước, đã có những chuyển động báo hiệu những thay đổi. Vào số 7 (271) ra vào tháng 7.1994, Tạp chí Văn học bắt đầu một chuyên mục mới: Khoa học văn chương - những khuynh hướng và phong trào. Theo lời mở đầu trên tạp chí thì chuyên mục này do Đỗ Lai Thuý tổ chức thực hiện và Đỗ Đức Hiểu là cố vấn (cả hai đều là những học giả Pháp ngữ) và ngay số tiếp theo của Tạp chí có bài giới thiệu phương pháp phê bình tiểu sử của Sainte Beuve. Hãy chú ý đến tên của chuyên mục: “những (chúng tôi nhấn mạnh) khuynh hướng và phong trào”. Nó cho thấy một ý thức về tính đa nguyên của những hệ hình lí luận lưu hành trên thế giới và một nỗ lực vượt qua mô hình Xô viết để tiếp cận với những hệ hình lí luận hiện đại và đương đại mà cho đến lúc đó, vẫn nằm ở phía bên kia “bức tường”. Điều đó cho thấy sự chuyển đổi hệ hình của tư duy lí luận ở Việt Nam cuối thế kỉ 20, đầu thế kỉ 21. Khảo sát tạp chí Nghiên cứu văn học đầu những năm 2000, có thể thấy hệ hình lí luận với những vấn đề “truyền thống” như phản ánh hiện thực, các chức năng, phương pháp sáng tác… dường như đã ổn định đến mức không còn được nhắc đến quá nhiều, đến mức trở thành vấn đề trung tâm của lí luận nữa mà thay vào đó là những vấn đề mang tính lí thuyết (hãy nhớ đến phân biệt trứ danh của một học giả Pháp, Antoine Compagnon, trong Bản mệnh của lí thuyết, giữa lí luận và lí thuyết). Những vấn đề chủ yếu trong lí luận văn học đầu thế kỉ 21 sẽ là Chủ nghĩa hậu hiện đại, Lí thuyết tiếp nhận và Tự sự học. Thậm chí, một khái niệm vô cùng mới mẻ, có ý nghĩa như một “bước nhảy” về lí luận cũng bắt đầu xuất hiện: diễn ngôn. Một phác thảo sơ lược như vậy để thấy sự thay đổi của tư duy lí luận cuối thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21. Tất nhiên, đây không phải là một tiến trình mang tính triệt để khi mà những dấu hiệu thể hiện sự thay đổi đã xuất hiện từ cuối thế kỉ 20 và quán tính của giai đoạn trước vẫn kéo dài sang đầu thế kỉ 21 (một phần quan trọng các lí thuyết văn học đương đại được giới thiệu vào Việt Nam là qua trung gian của giới nghiên cứu Nga hậu Xô viết, xin nhớ một công trình của I.P.Ilin và E.A.Tzurganova có tiêu đề Các trường phái nghiên cứu văn học Âu Mỹ thế kỉ 20, khái niệm và thuật ngữ đuọc nhóm Lại Nguyên Ân, Đào Tuấn Ảnh dịch sang tiếng Việt, ban đầu đăng nhiều kì trên Tạp chí Văn học). 

2. 

Trong bối cảnh của sự thay đổi hệ hình của tư duy lí luận văn học ở Việt Nam cuối thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21, nước Pháp có vai trò là một cánh cửa quan trọng kết nối giới học thuật Việt Nam với thế giới trong giai đoạn Hậu – Xô viết. Do những lí do lịch sử nên ở Việt Nam, ngay cả trong giai đoạn Hậu - Điện Biên Phủ thì các học giả Pháp ngữ vẫn có một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống học thuật, đặc biệt là trong các khoa học xã hội và nhân văn cũng như trong nghiên cứu văn học. Đó là lớp người như Lê Hồng Sâm, Đặng Thị Hạnh, Đặng Anh Đào, Phùng Văn Tửu, Đỗ Đức Hiểu và những nhà văn - dịch giả, nhà nghiên cứu - dịch giả như Nguyên Ngọc, Hoàng Ngọc Hiến, Đỗ Lai Thuý. 

Bất chấp những giai đoạn khủng hoảng như giai đoạn những năm 70 của thế kỉ trước (sự phê phán văn học hiện đại Pháp của Đỗ Đức Hiểu) thì mối quan hệ giữa những học giả Pháp ngữ Việt Nam và đời sống học thuật tại Pháp vẫn rất bền chặt. Bằng chứng là những hoạt động trao đổi, giao lưu, dịch thuật, hợp tác nghiên cứu được nối lại ngay sau Đổi mới. Điều đó dẫn đến việc ngay sau Đổi mới, sự tiếp nhận văn học và học thuật Pháp đã mang đến những thay đổi quan trọng trong nghiên cứu văn học nói riêng và khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam. 

Một trong những thành tựu quan trọng của nghiên cứu văn học Việt Nam sau năm 1986 ngay từ cuối thế kỉ 20 chính là bộ Lịch sử văn học Pháp. Bao quát một lịch sử kéo dài từ thế kỉ 17 cho đến giữa thế kỉ 20 bộ sách không chỉ là lịch sử văn chương, mỹ văn của nước Pháp lục địa mà còn là một lịch sử của tư tưởng nhân văn được thể hiện qua văn học bằng tiếng Pháp. Chính vì vậy nên trước khi Những lời bộc bạch, Emile hay về giáo dục, Chàng ngây thơ, Cháu ông Rameau được dịch trọn vẹn sang tiếng Việt thì những nhà Khai sáng Pháp như J.J.Rousseau, D. Diderot hay Voltair đã được đưa vào chương trình giảng dạy ở bậc Đại học và trước khi Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản được dịch đầy đủ sang tiếng việt thì cùng với Camus, Sartre cũng đã được giới thiệu với sinh viên và người đọc Việt.

 Cũng không thể bỏ qua một bản dịch do Nguyên Ngọc thực hiện và được xuất bản đúng vào cuối thế kỉ 20: Văn học là gì của J.P.Sartre. Cũng là Nguyên Ngọc sẽ là dịch giả giúp người đọc biết đến một Roland Barthes của Độ không của lối viết trước khi biết đến Barthes viết về “cái chết của tác giả” và là người giải các huyền thoại của xã hội tư sản trong Những huyền thoại. Và trước khi được giới thiệu một cách chính diện, có hệ thống thì những nghiên cứu ngữ văn theo hướng thi pháp học phương Tây kiểu cấu trúc luận đã hiện diện trong những nghiên cứu về tiểu thuyết phương Tây của Đặng Thị Hạnh, Phùng Văn Tửu và Đỗ Đức Hiểu. Cũng không thể không nói về một trường hợp rất “éo le” trong số các nhà tư tưởng hậu hiện đại là J. Derrida. Trong khi cho đến nay, những công trình quan trọng về giải cấu trúc của Derrida vẫn còn chưa được chuyển ngữ sang tiếng Việt thì cuối thế kỉ 20, giới học thuật ở Việt Nam đã được tiếp xúc với ông qua một bản dịch “tham khảo”: Những bóng ma của Mác.  

Có thể nói, sự tiếp xúc với Pháp chính là sự tiếp xúc quan trọng nhất của văn học Việt Nam với thế giới phương Tây trong giai đoạn cuối thể kỉ 20. Sự tiếp xúc đó đã đặt nền tảng cho nghiên cứu văn học, nhân học, xã hội học và tác động cả vào phương pháp luận sử học ở Việt Nam cuối thế kỉ 20. Không thể bỏ qua một thực tế là trước khi được đọc trọn vẹn Nhiệt đới buồn thì người Việt đã được tiếp xúc với Levi – Strauss qua một tập sách mỏng do Hội Sử học tổ chức phiên dịch mà trong đó, tương đối luận được đặt đối lập với tiến hoá luận: Chủng tộc và lịch sử. Và trước khi được giới nghiên cứu sử dụng thống nhất thuật ngữ “nhân học” (tương đương với “anthropologie”) thì đã từng có một cách định danh bộ môn khác: nhân loại học. Cách định danh này gắn với một tập sách có tiêu đề Một số vấn đề về xã hội học và nhân loại học do hai học giả Boris Lojkine và Benoit de Treglode chủ biên. Đây là một tập sách đặc biệt đánh dấu việc giới thiệu Emile Durkheim, Marcel Mauss, Claude Levi-Strauss ở Việt Nam (một nhân vật rất quan trọng khác của giai đoạn “cổ điển” của xã hội học là Max Weber thì có số phận “truân chuyên” hơn nhiều). 

3. 

Chúng tôi đã kể lại, sơ lược, câu chuyện về cuộc tiếp xúc với tư tưởng và lí thuyết phương Tây thông qua học thuật Pháp trong những năm cuối thế kỉ 20, đầu thế kỉ 21. Không thể phủ nhận, cuộc tiếp xúc đó đã để lại những dấu ấn đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu văn học, xã hội học và nhân học. Trong lĩnh vực văn học, cuộc tiếp xúc đó đã đưa tư tưởng phương Tây từ Khai sáng tới Hiện đại và Hậu hiện đại để làm nên một sự thay đổi mang tính hệ hình của lí luận văn học trong khuynh hướng thoát khỏi sự rập khuôn mô hình Xô viết. Cuộc tiếp xúc đó làm giàu tư duy nghiên cứu văn học với những lí thuyết của thế kỉ 20. Đối với xã hội học và nhân học, những bộ môn  thực sự là “đứa con” của Đổi mới, học thuật Pháp có vai trò quan trọng trong việc đặt những viên gạch nền móng để mà nói như Kinh Thánh thì chính trên những hòn đá đó, Hội thánh được xây dựng. 

Một trong những thành tựu quan trọng của Đổi mới chính là mặt bằng tri thức của người Việt được nâng cao qua việc tiếp xúc với nguyên vẹn những tác phẩm mang tính kinh điển của nhân loại. Có thể nói, chưa bao giờ trong lịch sử, người Việt lại được tiếp xúc với một diện trường phong phú những trước tác quan trọng của tư tưởng nhân loại dưới dạng trọn vẹn tác phẩm (tôi vẫn cho rằng việc tiếp xúc với trọn vẹn nguyên tác những tác phẩm kinh điển có một vai trò đặc biệt quan trọng mà không một công trình dẫn nhập, nhập môn hay tổng thuật nào có thể thay thế) nhiều và phong phú như hiện nay. Sau một thế kỉ, chúng ta vẫn phải thán phục trước kiến văn của Trương Tửu khi ông đọc một khối lượng rất lớn lí thuyết phương Tây, từ phân tâm học đến chủ nghĩa Mác, một kiến văn mà không nhiều nhà nghiên cứu hiện nay có thể đạt được, dẫu điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều. Dẫu vậy, về mặt bằng chung, sự tiếp xúc với tư tưởng nhân loại ngày nay đã cao hơn thời của Nguyễn Bách Khoa rất nhiều. Trong khoảng hai mươi năm gần đây, các kênh tiếp xúc của người Việt với tưởng và lí thuyết phương Tây đã phong phú hơn giai đoạn đầu Đổi mới rất nhiều, đặc biệt là thông qua tiếng Anh và tiếng Trung. Dẫu vậy, Pháp ngữ vẫn là một kênh tiếp xúc quan trọng khi mà số lượng những tác giả và trước tác Pháp ngữ được dịch sang tiếng Pháp luôn chiếm một vị trí quan trọng. Thông qua kênh tiếp xúc này, chúng ta có thể “làm quen” với những gương mặt tương đối trọn vẹn mà Pierre Bourdieu là một ví dụ điển hình. 

Không thể phủ nhận với đặc tính dân chủ và khai phóng cùng một truyền thống học thuật, trí thức (một khái niệm rất “Pháp”, nếu chúng ta nhớ đến E. Zola), học thuật Pháp cung cấp cho chúng ta những công cụ độc đáo và quan trọng để hiểu thế giới đương đại. Trước khi có internet và thậm chí, truyền hình cable (thứ mà có lẽ, giờ đây cũng đã thành “đồ cổ”), Guy Debord đã cảnh báo chúng ta về một “xã hội diễn cảnh” mà ở đó, nhân cách bị tha hoá thành những trò diễn, thứ mà ngày nay, với sự lên ngôi của mạng xã hội, ta sẽ bắt gặp một sự lan tràn. Ngay từ thời đại của radio và tạp chí Paris Match, R.Barthes đã “lột mặt nạ” về những nội dung ý thức hệ mà xã hội tư sản đã cấy vào trong những huyền thoại của văn hoá đại chúng với phương pháp giải huyền thoại có ý nghĩa cho đến ngày nay trong việc giúp con người tạo nên đề kháng trước các sản phẩm văn hoá đại chúng. Và trong lòng xã hội tư sản, Pierre Bourdieu đã nói với chúng ta về giáo dục công cộng thay vì trở thành một công cụ tạo nên bình đẳng xã hội thì lại góp phần vào việc “tái sản xuất” phân hoá xã hội (một người Pháp khác, Marxist cũng viết tuyệt hay về giáo dục với tư cách “cỗ máy ý thức hệ của nhà nước” đến giờ vẫn chưa được giới thiệu với người Việt: Louis Althusser), điều mà ngày nay, chúng ta có thể nhận ra, thấp thoáng, trong xã hội Việt Nam. Và cũng chính Bourdieu đã nói với chúng ta về trường nghệ thuật, như một lĩnh vực tự trị trong xã hội tư sản, bị giằng co giữa các giá trị tư bản của kinh tế thị trường và những giá trị “thuần tuý” nghệ thuật, một vận động mang tính phổ quát của nghệ thuật trong thời hiện đại.  

Và còn rất nhiều ví dụ khác nữa về những giá trị của “học thuật Pháp”. Ở ý nghĩa ấy, nền học thuật đó, thông qua những “người môi giới” sử dụng tiếng Pháp và nhuần nhuyễn Việt ngữ, thực sự là những bản đồ để chúng ta bước vào rừng rậm của thế giới đương đại. 

(PGS, TS Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Văn học, Đại học KHXH&NV Hà Nội)

 

Thủ tụcHành chính
Tin nổi bậtXem toàn bộ