Hotline:
02466878415(Nhân đọc Pierre Bourdieu một dẫn nhập, Pierre Mounier, Phạm Như Hồ dịch, NXB Tri thức, 2022)
Bài viết của PGS, TS Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Văn học, Đại học KHXH&NV Hà Nội
1. Nếu so với hơn 20 năm trước đây, việc in và xuất bản sách kinh điển ở Việt Nam đã có những chuyển biến đáng kể. Những năm 90 của thể kỉ trước, ngoài các nhà kinh điển của chủ nghĩa Marx – Lénine, khó có thể thể tìm thấy sách của một tác gia nào quan trọng được dịch trọn vẹn. Tôi vẫn còn nhớ vào thời đó, những sinh viên Khoa Văn chỉ có thể được đọc Mikhail Bakhtine qua một tuyển tập những trích đoạn do GS. Phạm Vĩnh Cư chủ biên. Và ngay cả khi sau đó, M.Bakhtine đã trở thành một tác giả hết sức ảnh hưởng, vẫn chỉ có những trích đoạn được dịch. Đó là một thực tế và so với thực tế đó, hai mươi năm vừa qua đã chứng kiến những thay đổi rất lớn. Ít nhất là đối với những tác gia kinh điển. Không khó để tìm đọc những tác phẩm quan trọng của Hegel, Kant hay những tác giả quan trọng như E. Durkheim, M. Mauss, M. Weber hay Levi – Strauss dưới dạng bản dịch toàn văn. Đối với một sinh viên theo học khoa học xã hội và nhân văn ngày nay, vấn đề không còn là không có sách để đọc mà đã trở thành có đủ thời gian và ý chỉ để đọc sách hay không. Trong bối cảnh chung như thế, Pierre Bourdieu là một trong những tác giả được dịch một cách rất cơ bản. Ít nhất, đã có ba công trình quan trọng của ông được dịch trọn vẹn (Sự thống trị của nam giới; Quy tắc của nghệ thuật; Lí do thực tiễn – Về lí thuyết hành động) trước khi một công trình mang tính tổng quan về toàn bộ sự nghiệp của ông, Pierre Bourdieu một dẫn nhập (Pierre Mounier, Phạm Như Hồ dịch), cuốn sách mà tôi bàn tới trong bài viết này, được dịch.
Bên cạnh khía cạnh tích cực nói trên thì cũng lại phải nói tới một điều bất thường. Việc dịch thuật tác phẩm kinh điển ở Việt Nam trong hai thập niên vừa qua hầu như thiếu một chương trình thật sự có hệ thống và dài hơi. Sự tham gia của giới đại học là khiêm tốn và dường như việc dịch thuật vẫn là sự gắn kết các chương trình cá nhân hơn là có một sự điều phối chung. Việc dịch Pierre Bourdieu là một ví dụ.
Việc dịch là dự án của các cá nhân dịch giả, thế nên, nếu như, chẳng hạn, các bản dịch của Lê Hồng Sâm và Phùng Ngọc Kiên có một sự thống nhất nhất định về mặt nhận thức đối tượng thì đặt những bản dịch đó với chẳng hạn Lí do thực tiễn…hay Pierre Bourdieu, một dẫn nhập, có thể nhận ra những độ chênh về nhận thức cũng như về chuyển ngữ. Đó là vấn đề đầu tiên mà người đọc cần phải vượt qua. Bên cạnh đó là vấn đề trật tự xuất bản. Pierre Bourdieu là một tác giả khó và giả sử, công trình dẫn nhập được giới thiệu trước có thể cung cấp cho người đọc, đặc biệt người đọc mới khởi đầu việc tìm hiểu tác giả này một “bản đồ” để bước chân vào hệ thống tư tưởng của ông. Tất nhiên, việc đọc sách dẫn nhập không thể nào thay thế hoàn toàn cho việc đọc tác phẩm và từ góc độ đó, cũng có thể lập luận rằng sau khi đã đọc nguyên bản những công trình quan trọng của Pierre Bourdieu, chúng ta có thêm một công cụ để đào sâu vào thế giới tư tưởng của ông.
Và quan trọng nhất, dù thế nào thì Pierre Bourdieu cũng đã được dịch.
2. Cách đây hơn mười năm, khi triển khai tủ sách nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn do Havard Yenching tài trợ, tôi vẫn nhớ, trong một buổi làm việc, người điều phối chương trình có phát biểu ý kiến cho rằng đến lúc, xuất bản sách khoa học xã hội ở Việt Nam nên kết thúc việc giới thiệu những công trình mang tính tổng hợp, rút gọn, giới thiệu tổng quan về các lí thuyết nước ngoài để đi vào việc tìm hiểu chuyên sâu vào những tác giả quan trọng bao gồm việc dịch và giới thiệu trọn vẹn một số tác giả. Điều đó đúng nhưng tôi cho rằng việc dịch những cuốn sách tổng quan vẫn có một ý nghĩa nhất định, đặc biệt là tổng quan chuyên sâu về một tác giả, trường phái, lí thuyết. Pierre Bourdieu một dẫn nhập là minh chứng cho điều này.
Có thể nói Pierre Bourdieu, một dẫn nhập là một mẫu mực của loại sách dẫn nhập. Cuốn sách hệ thống hóa lại một cách đầy đủ và toàn diện hệ thống công trình của một nhà nghiên cứu xã hội học, một nhà tư tưởng vào loại quan trọng nhất của khoa học xã hội và nhân văn Pháp cũng như nhân loại trong thế kỉ 20. Cuốn sách mang đến cho chúng ta chân dung tinh thần chi tiết và đầy đủ của một trí thức với tham vọng khổng lồ là chỉ ra những cơ chế ngầm ẩn nhưng chi phối toàn bộ đời sống xã hội hiện đại. Với cấu trúc chia làm hai phần, bốn chương của phần một dành trọn vẹn cho việc hệ thống hóa những nghiên cứu của Pierre Bourdieu, được trình bày một cách khéo léo kết hợp giữa trục lịch sử và trục vấn đề. Ở đây, ta sẽ được lần lượt giới thiệu những giai đoạn chính trong hành trình tri thức của Bourdieu, từ bước khởi đầu chịu ảnh hưởng của nhân học cấu trúc, qua sự li khai với đường lối của Levi Strauss, sự hình thành những khái niệm cơ bản như lí do thực tiễn, tập tính, trường, sự tái định nghĩa những khái niệm kinh điển như vốn, giai cấp, sự thống trị để từ đó hình thành những khái niệm như bạo lực biểu tượng, tái sản xuất sự thống trị, quý tộc văn hóa hay chính đáng hóa.
Cũng qua hành trình mang tính lịch đại này ta sẽ được giới thiệu những chủ đề nghiên cứu quan trọng của Pierre Bourdieu về cảm thức thực tiễn và lí do hành động; về sự phân công lao động với sự hình thành của các trường trong xã hội, từ trường nghệ thuật đến và đặc biệt là trường quyền lực; sự phân hóa xã hội và các thị hiếu tương ứng với sự phân hóa giai cấp; về trường học và bạo lực biểu tượng và đặc biệt, về trường trí thức. Đây là phần được viết rất công phu với tính hệ thống cao mà nhờ đó, người đọc không chỉ nắm được hệ thống khái niệm và những luận đề cơ bản của Pierre Bourdieu mà còn thấy được mối quan hệ giữa các công trình của ông và qua đó, toàn bộ sự nghiệp của ông được trình hiện lại như một chỉnh thể không thể tách rời. Ở từng chặng trong hành trình tri thức của Pierre Bourdieu, tác giả còn tái dựng lại những cuộc đối thoại đa dạng giữa Bourdieu với Levi Strauss, với M. Mauss, với K. Marx, với E. Durkheim để hình thành nên tư tưởng của chính mình. Chính những giao điểm này đã định vị di sản của Pierre Bourdieu trong một khung cảnh rộng lớn hơn của tri thức châu Âu mà nền tảng là tính kết nối tri thức sâu sắc.
Độc đáo hơn nữa, tác giả của Pierre Bourdieu một dẫn nhập còn dành phần thứ hai cuốn sách của mình để trình bày lại nhưng phê phán của học giới đối với hệ thống tư tưởng của ông (từng luận điểm hoặc toàn cục) cũng như sự dấn thân có tính chính trị của chính Bourdieu với những công trình đi ra ngoài giới hạn của lối viết hàn lâm. Với hai phần được kết nối một cách chặt chẽ, cuốn sách của Pierre Mounier đã tái dựng lại chân dung của một trí thức Pháp điển hình, với một sự nghiệp đồ sộ bao quát mọi lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội từ vấn đề giới, sự phân hóa xã hội thành những lĩnh vực tự trị mà đặc biệt quan trọng là trường quyền lực và trường tri thức, sự phân hóa giai cấp, sự thống trị và tầng lớp quý tộc nhà nước cũng như hệ thống nhà trường và giới trí thức. Không những thế, con người ấy, sự nghiệp ấy còn được đặt trong bầu sinh quyển tri thức đã tạo nên chính ông với những mối quan hệ đối thoại, vượt qua, tiếp nhận với những tên tuổi đồ sộ khác như Marx, Durkheim, Weber, Mauss, Wittgenstein, Austin…; những phê phán hướng vào sự nghiệp của ông cũng như những dấn thân chính trị của ông, thứ làm nên một nét đặc thù rất “Pháp”, thứ làm nên chính danh hiệu trí thức.
3. Như đã nói, Pierre Bourdieu một dẫn nhập mang đến cho chúng ta chân dung trọn vẹn của Pierre Bourdieu, một người khổng lồ của đời sống trí thức Pháp hậu bán thế kỉ 20. Tầm vóc đó được tạo nên bởi những mối quan tâm, những chủ đề nghiên cứu vô cùng đa dạng bao phủ toàn bộ những lĩnh vực của đời sóng chúng ta và là trụ cột của đời sống chúng ta. Tầm vóc đó cũng được tạo nên bởi một tham vọng chi phối toàn bộ sự nghiệp của ông trong việc bóc trần mọi cơ chế chi phối sự vận hành của đời sống xã hội: sự chuyên biệt hóa của các trường, những cuộc đấu tranh làm nên tính năng động của mỗi trường; logic hành động của con người, thứ cảm quan thực tiễn của con người trong hành động; con người đã bị phân hóa thành kẻ thống trị và kẻ bị trị, đồng thời, sự thống trị đã được tiến hành qua những cơ chế như thế nào….và rất nhiều những cơ chế khác được ông cáo giác trong những công trình của mình.
Ngay từ khi khởi đầu sự nghiệp của mình, qua sự li khai với nhân học cấu trúc, Pierre Bourdieu đã cố gắng vượt qua một quyết định luận giản đơn về con người, coi hành động của con người như một sự hiện thực hóa của những ý niệm trừu tượng. Trong những nghiên cứu về cảm thức thực tiễn, về lí do thực tiễn của hành động, Bourdieu đã đưa lại con người, cái cá thể cá biệt có sự sống vào trung tâm của lí thuyết. Chính điều đó khiến khái niệm tập tính (habitus) của ông trở nên đặc biệt sinh động, nếu so sánh với những nghiên cứu về sự kiến tạo xã hội về thực tại của Peter L.Berger và Thomas Luckmann, nó không chỉ là sự tiếp nhận máy móc những tín điều, quan niệm, quy định,… một thứ nội tâm hóa những ý niệm trừu tượng bên ngoài mà là một sự chuyển hóa thành một thiên hướng nội tại bên trong mỗi chủ thể hành động. Ở bất cứ khái niệm nào của ông, dù là về tập tính hay về trường, ta đều có thể thấy một tính biện chứng giữa một bên là sự áp đặt từ bên ngoài và một bên là sự kháng cự của chủ thể, tác nhân hành động để chiếm lĩnh một vị thế và thay đổi hiện trạng của thực tại. Hoàn toàn không phải là một người lãng mạn, Pierre Bourdieu nhìn thấy những cơ chế ngầm ẩn thống trị và đàn áp con người, để duy trì tình trạng thống trị. Những cơ chế đó được tiến hành thông qua những thiết chế tưởng như “độc lập”: nhà trường, từ nhà trường phổ thông đến hệ thống đại học, đặc biệt là những “trường lớn”, một hệ thống không phải chỉ có ở Pháp. Không phải vô lí khi mà cảm hứng hướng vào hệ thống giáo dục không chỉ hiện diện đồng thời cả ở L. Althusser và P.Bourdieu. Trong những nghiên cứu của ông có những tinh thần giải cấu trúc sâu sắc, cái mang đến cho chúng ta một cái nhìn mới về những cơ chế ngầm ẩn được xã hội coi là đương nhiên nhờ những tiến trình chính đáng hóa. Đó là một tinh thần phê phán có tính nhân bản.
4. Vào những năm 80 của thế kỉ trước, khi viết cuốn lịch sử về các lí thuyết văn chương Bản mệnh của lí thuyết, thay vì “vẽ bản đồ” các lí thuyết với những nhãn hiệu tân kì như cấu trúc luận, phân tâm học hay giải cấu trúc, lí thuyết tiếp nhận, tân sử luận, Antoine Compagnon xây dựng công trình của mình theo hệ thống những vấn đề muôn thuở của văn chương mà ở đó, ông trình bày các lí thuyết trong một tính liên tục từ những hệ thống tư tưởng hình thành từ thời cổ đại Hy lạp – La mã. Xã hội người bất chấp sự tiến triển của nó vẫn luôn duy trì những hằng số, những vấn đề muôn thuở, cái mà F. Nietzsche gọi là một sự quy hồi vĩnh cửu. Giống như R. Barthes, nghiên cứu của P.Bourdieu bao quát một phạm vi rất rộng từ những cái cực độ “tầm thường” như thị hiếu về thể thao và ẩm thực (hãy nhớ những gì Barthes viết trong Mythologies) cho đến những thứ hết sức “cao quý” như hệ thống “trường lớn” hay giới hàn lâm. Chính sự bao quát rộng lớn ấy cho thấy tham vọng muốn đào đến tận cùng mọi “ngõ ngách” của đời sống để tìm ra và cáo giác những cơ chế ngầm ẩn đằng sau nó. Những công trình của Pierre Bourdieu được hình thành gắn với những văn cảnh hết sức đặc thù: xã hội Algerie đối diện với thực dân hóa, những cuộc khủng hoảng của đại học Pháp sau Đệ nhị thế chiến….
Dẫu vậy, chính cái tham vọng mang tính triết học, hướng đến những vấn đề mang tính “muôn đời” của con người ấy khiến những nghiên cứu của Bourdieu còn nguyên giá trị tươi mới và gợi mở cho đến ngày nay. Những nghiên cứu Bourdieu về sự lệch chuẩn (hysteresis), về sự bật gốc về văn hóa của người nông dân Algerie nạn nhân của chế độ thực dân và phải chấp nhận di dân lên các thành phố chứa đựng những gợi mở cho việc tìm hiểu hiện tượng di dân đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ tại các quốc gia có nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam và tôi vẫn giữ một niềm tin rằng nếu còn sống đến ngày nay, chắc chắn Bourdieu sẽ có những nghiên cứu về mạng xã hội như ông đã từng nghiên cứu về truyền hình ở giai đoạn tiền – internet.
Với tất cả những lí do đó, mặc dù việc đọc một dẫn nhập không thể thay thế cho việc đọc nguyên bản, hơn thế nữa, hình thức cô đọng của một introduction, đến lượt nó cũng có thể gây ra những khó khăn cho việc tiếp nhận do sự cô đọng, rút gọn những lập luận cũng như sự thiếu vắng những minh họa; đó là chưa kể đến việc bản dịch, vẫn còn có những vấn đề về chuyển ngữ về biên tập thì việc đọc công trình của Pierre Mounier vẫn là một việc nên làm và cần làm với những ai muốn tìm một “lối vào” công trình của một tác gia kinh điển để tìm kiếm những chìa khóa giúp ta hiểu thực tại.
'Talleyrand - Bậc thầy của nền ngoại giao chính trị'
vietnamnet - Thứ tư, 23/10/2024 - 09:00 Cuốn sách “Talleyrand - Bậc thầy của nền ngoại giao chính trị” không chỉ là tài liệu lịch sử giá trị mà còn là bức chân dung sâu sắc về một con người với những mâu thuẫn và chiến lược làm thay đổi lịch sử châu Âu mãi mãi.
“Xã hội diễn cảnh” qua góc nhìn của Guy Debord
{Thời báo Văn học nghệ thuật} - 17-10-2024 04:42 Là tác phẩm nổi tiếng nhất của triết gia Pháp Guy Debord, “Xã hội diễn cảnh” đã góp phần định hình nhiều quan điểm phê phán về xã hội hiện đại và văn hóa đại chúng. Nhân dịp ra mắt cuốn sách Xã hội diễn cảnh, Viện Pháp tại Hà Nội và Nhà xuất bản Tri Thức tổ chức tọa đàm thảo luận về cuốn sách với sự tham gia của các diễn giả: Phạm Xuân Thạch, Phùng Ngọc Kiên, Dương Thắng.
Tọa đàm Giới thiệu sách Xã hội diễn cảnh của Guy Debord
Guy Debord là một hiện tượng kỳ lạ của giới trí thức Pháp nửa sau của thế kỷ 20. Chịu ảnh hưởng sâu đậm của chủ nghĩa Marx, ông thường được xem là thuộc cánh cực tả chủ trương cách mạng triệt để. Xã hội diễn cảnh (xuất bản năm 1967) là tác phẩm nổi tiếng nhất của Guy Debord. Bắt chước lối viết của K. Marx trong cuốn Thesen über Feuerbach (Luận điểm về Feuerbach), tác phẩm bao gồm 221 luận điểm thường độc lập với nhau và được chia thành 9 chương.