Sụp đổ
Sụp đổ
Các xã hội đã thất bại hay thành công như thế nào?
4.5
212
Lượt xem
0
Đã bán
Chọn sản phẩm
Sách giấy
Tạm hết hàng
Thông tin xuất bản
NXB
Nhà xuất bản Tri thức
Người dịch:
Hà Trần
Năm XB:
Loại sách:
Sách giấy;
Khổ sách:
16 x 24
Số trang:
608
Quốc gia:
Ngôn ngữ:
vi
Mã ISBN:
Mã ISBN Điện tử:

CHI TIẾT SẢN PHẨM

I. THÔNG SỐ SÁCH

Tên sách: Sụp đổ - Các xã hội đã thất bại hay thành công như thế nào?

Tác giả: J ared Diamond

Dịch giả: Hà Trần

Khổ sách: 16 x 24 cm

Số trang: 608

Loại bìa: Mềm, tay gập

Tủ sách: Tri thức mới

 

II. GIỚI THIỆU SÁCH

1. Về cuốn sách

Với cuốn Sụp đổ, Jared Diamond đã lý giải một cách rất hấp dẫn về sự sụp đổ của những nền văn minh trên toàn thế giới... Rời cuốn sách, độc giả không thể không phân vân liệu thế giới chúng ta đang sống có đi theo vết xe đổ của những nền văn minh bất hạnh này không. Bất kỳ độc giả nào khi đọc xong cuốn Sụp đổ cũng đồng tình rằng ngay từ bây giờ, cần áp dụng những biện pháp cần thiết để cứu hành tinh của chúng ta.

2. Về tác giả:

Jared Diamond sinh tại Boston trong một gia đình bố là bác sĩ chuyên về bệnh di truyền ở trẻ em và mẹ là giáo viên, nhạc sĩ kiêm nhà ngôn ngữ học. Sau khi tốt nghiệp khoa học sinh vật học thí nghiệm, ông trở thành Giáo sư Sinh lý học của Trường Y thuộc Đại học California, Los Angeles (UCLA). Tuy nhiên, ở tuổi 20, ông còn nghiên cứu sinh học và sự tiến hóa của các loài chim New Guinea. Công việc này đã đưa ông thám hiểm một số vùng xa xôi nhất của hòn đảo nhiệt đới vĩ đại này, và phát hiện lại giống chim bower có vạt lông phía trước màu vàng bị cho là tuyệt chủng từ lâu ở New Guinea. Năm 50 tuổi, ông dần chuyển sang nghiên cứu lịch sử môi trường, và là Giáo sư Địa lý và Khoa học Sức khỏe Môi trường tại UCLA.

Jared Diamond nổi tiếng với các cuốn sách Loài tinh tinh thứ ba (The Third Chimpanzee) và Tại sao tình dục mang lại niềm vui? (Why is Sex Fun?) từng đoạt các giải thưởng. Ông đã tạo nên cuộc cách mạng về nghiên cứu lịch sử nhân loại toàn cầu với cuốn Súng, vi trùng và thép (Guns, Germs and Steel). Ông từng giành giải thưởng của các tổ chức Quỹ Học thuật Mac Arthur (giải thiên tài) và giải thửởng Pulitzer cho sách về người thật việc thật, đồng thời ông là người duy nhất hai lần đoạt giải thưởng Science Book. Các tác phẩm trong nhiều lĩnh vực khoa học của ông nhà ngôn ngữ học, di truyền học, hành vi của động vật, sinh vật học phân tử và nhiều lĩnh vực khác, khiến một nhà phê bình phải viết, “Cái tên ‘Jared Diamond’ thực tế có thể coi là bút danh của một ủy ban các chuyên gia về nhiều lĩnh vực”. Thời gian rỗi rãi, ông thích quan sát các loài chim và học ngoại ngữ (ông hiện đang học ngoại ngữ thứ 12).

*****

 

3. Trích sách

[…]

Để độc giả sẽ biết trước mình đang tìm hiểu vấn đề gì, tôi xin trình bày qua về bố cục của cuốn sách. Cuốn sách được bố cục giống như một con trăn Mỹ nhiệt đới phải nuốt hai con cừu rất lớn. Hai con cừu đó là những thảo luận của tôi về thế giới hiện đại và cả thế giới trước kia, cả hai phần đều bao gồm một phần mô tả dài, chú trọng về một xã hội cụ thể, cùng với những phần mô tả ngắn gọn về bốn xã hội khác...

Chúng ta sẽ bắt đầu nuốt con cừu đầu tiên. Phần Một gồm một chương dài (Chương 1) về những vấn đề môi trường của bang Montana, Tây Nam nước Mỹ, nơi có trang trại Huls và trang trại của gia đình Hirschys bạn tôi (mà cuốn sách này đã đề tặng). Montana có ưu điểm là một xã hội hiện đại thuộc Thế giới thứ nhất, có những vấn đề về môi trường và dân số nhưng những vấn đề của nó vẫn ít nghiêm trọng hơn so với hầu hết các xã hội phát triển khác. Hơn hết, do quen biết nhiều người Montana nên tôi có thể liên hệ các chính sách của xã hội Montana với những động cơ thường xung đột của mỗi người. Từ bối cảnh quen thuộc của Montana, chúng ta có thể dễ dàng hình dung điều gì đã diễn ra trong các xã hội xa xôi trước đây mà ban đầu ta thấy rất kỳ lạ, và chỉ có thể từ đó chúng ta mới đoán ra được động cơ của mỗi dân tộc.

Phần Hai bắt đầu với bốn chương ngắn hơn về những xã hội trước đây đã sụp đổ, được sắp xếp theo mức độ tiên tiến tăng dần theo khung năm điểm của tôi. Hầu hết các xã hội trước đây mà tôi sẽ thảo luận chi tiết đều có quy mô nhỏ và nằm ở vùng ngoại biên, một số có biên giới địa lý hoặc bị cô lập về mặt xã hội, hoặc sống trong môi trường dễ bị tổn hại. Do sợ độc giả có thể bị lạc hướng, sa vào kết luận rằng chúng là những hình mẫu nghèo nàn so với những xã hội quy mô, hiện đại quen thuộc, nên tôi phải giải thích rằng tôi đã chọn lựa chúng từ những nghiên cứu kỹ lưỡng, chính xác bởi trong những xã hội nhỏ này, các giai đoạn bộc lộ nhanh hơn và những hậu quả thảm khốc hơn, đưa chúng trở thành những minh họa đặc biệt rõ ràng. Như vậy không có nghĩa là những xã hội lớn, ở trung tâm có quan hệ thương mại với các nước láng giềng và có môi trường lành mạnh không bị sụp đổ trong quá khứ, thì ngày nay cũng không thể sụp đổ. Một trong những xã hội trước đây mà tôi sẽ thảo luận chi tiết là xã hội Maya, với dân số nhiều triệu hoặc hàng chục triệu người, thuộc một trong hai nền văn hóa tiên tiến nhất của Tân Thế giới (thuộc Trung Mỹ) trước khi người châu Âu đặt chân tới. Xã hội này có quan hệ thương mại và chịu ảnh hưởng của những xã hội tiên tiến khác trong khu vực. Trong phần đọc thêm của Chương 9, tôi tóm lược một số xã hội khác nổi tiếng trong quá khứ như xã hội người Thổ, Angkor Wat, văn minh Harappan ở lưu vực sông ấn và những xã hội khác giống Maya ở những điểm trên và cũng bị suy tàn bởi tác động lớn từ các yếu tố môi trường.

Nghiên cứu đầu tiên của chúng ta về quá khứ, lịch sử của đảo Phục Sinh, gần gũi tới mức chúng ta có thể thấy được một vụ sụp đổ thuần túy do sinh thái. Trong trường hợp này, do rừng bị phá toàn bộ nên dẫn tới chiến tranh, lật đổ giới cầm quyền và cả những pho tượng đá nổi tiếng và cư dân bị chết hàng loạt. Theo những gì chúng ta biết, xã hội Polynesia trên đảo Phục Sinh biệt lập hoàn toàn kể từ khi nó hình thành, bởi vậy hành trình của đảo Phục Sinh không bị ảnh hưởng bởi những xã hội thân thiện hay thù địch. Chúng ta cũng không có bằng chứng về tác động của hiện tượng thay đổi khí hậu tới đảo Phục Sinh, mặc dù có thể sau này sẽ có những kết quả nghiên cứu khác về vấn đề này. Những phân tích so sánh của tôi và Barry Rolett giúp chúng tôi hiểu tại sao Phục Sinh, và tất cả những hòn đảo khác trên Thái Bình Dương, lại bị sụp đổ thảm khốc đến thế.

Đảo Pitcairn và đảo Henderson (Chương 3), cũng là quê hương của người Polynesia, là bằng chứng về ảnh hưởng của yếu tố thứ tư trong khung năm điểm, đó là mất sự hỗ trợ từ các xã hội láng giềng thân thiện. Môi trường của cả hai đảo Pitcairn và Henderson đều bị hủy hoại nghiêm trọng, nhưng đòn quyết định khiến cả hai xã hội này sụp đổ lại là do đối tác thương mại chủ chốt của họ bị sụp đổ cũng vì lý do môi trường. Không có bằng chứng nào về tác động từ các xã hội thù địch hay do thay đổi khí hậu.

Từ những vòng gỗ trên thân các cây cổ thụ ta có thể tìm hiểu những thông tin chi tiết về thời tiết, xã hội của thổ dân châu Mỹ Anasazi ở Tây Nam nước Mỹ (Chương 4) minh họa rõ ràng tác hại của sự kết hợp giữa yếu tố tổn hại môi trường và tăng trưởng dân số với yếu tố thay đổi khí hậu (trong trường hợp này là hạn hán). Rõ ràng không phải yếu tố xã hội láng giềng thân thiện hay thù địch, cũng không phải yếu tố chiến tranh (ngoại trừ giai đoạn gần cuối của xã hội) là nguyên nhân chính khiến Anasazi sụp đổ.

Không cuốn sách nào viết về những vụ sụp đổ của xã hội được coi là hoàn thiện nếu không đề cập tới Maya (Chương 5), xã hội thổ dân châu Mỹ tiên tiến nhất với sự bí ẩn thi vị và tinh tế của những thành phố nằm sâu trong rừng già. Cũng như Anasazi, xã hội Maya minh họa những tác động của sự kết hợp giữa các yếu tố tổn hại môi trường, tăng trưởng dân số và thay đổi khí hậu nhưng không có vai trò cốt yếu của các xã hội láng giềng thân thiện. Khác với sự sụp đổ của Anasazi, các quốc gia láng giềng thù địch là nỗi ám ảnh lớn của các thành phố Maya ngay từ thời kỳ đầu mới hình thành. Trong số những xã hội được thảo luận từ Chương 2 tới Chương 5, chỉ có Maya còn lưu lại những tài liệu bằng chữ viết đã được giải mã.

Người Norse ở Greenland (Chương 6 - 8) là trường hợp nghiên cứu phức tạp nhất về sự sụp đổ xã hội thời tiền sử, cũng là trường hợp chúng ta có nhiều thông tin nhất (bởi đó là một xã hội châu Âu có chữ viết dễ hiểu) và cũng là trường hợp được thảo luận nhiều nhất: đây là con cừu thứ hai mà con trăn Nam Mỹ nhiệt đới phải nuốt. Cả năm yếu tố trong khung năm điểm của tôi đều được chứng minh rõ ràng, đó là: tổn hại môi trường, thay đổi khí hậu, mất mối quan hệ thân thiện với Na Uy, xung đột gia tăng với Inuit, và môi trường kinh tế, văn hóa, xã hội, và chính trị của người Norse ở Greenland. Greenland mang lại cho chúng ta những phỏng đoán tương đối chính xác so với những thí nghiệm có kiểm soát về những vụ sụp đổ. Hai xã hội (Norse và Inuit) chung sống trên một hòn đảo nhưng rất khác biệt về văn hóa, tới mức một xã hội thì tồn tại trong khi xã hội kia thì suy thoái dần. Bởi vậy, lịch sử Greenland mang một thông điệp rằng, thậm chí ngay cả trong một môi trường khắc nghiệt, sụp đổ không phải chắc chắn sẽ xảy ra mà phụ thuộc vào những chọn lựa của xã hội. Những so sánh giữa xã hội Norse của Greenland với năm xã hội khác do chính người Norse xâm chiếm và dựng lên ở Bắc Đại Tây Dương giúp chúng ta hiểu rằng tại sao xã hội người Norse ở Orkney phát triển thịnh vượng trong khi người anh em của họ ở Greenland lại suy tàn. Một trong năm xã hội Norse khác là Iceland được đánh giá là thành công nổi bật khi chiến thắng những khó khăn môi trường để vươn lên thành một xã hội hiện đại và thịnh vượng.

Phần Hai kết thúc (tại Chương 9) với ba xã hội thành công khác (giống như Iceland), như sự đối chiếu để tìm hiểu về những xã hội đã sụp đổ. Mặc dù những vấn đề môi trường của ba xã hội này ít khắc nghiệt hơn so với Iceland hay so với đa phần những xã hội đã sụp đổ khác, nhưng chúng ta vẫn nhận ra rằng có hai con đường khác nhau dẫn tới sự thành công. Đó là phương pháp quản lý từ dưới lên mà Tikopia và các cao nguyên New Guinea là một ví dụ, và phương pháp từ trên xuống mà Nhật Bản trong thời kỳ Tokugawa là một ví dụ.

Phần Ba sẽ quay trở lại với thế giới hiện đại. Chúng ta đã xem xét Montana hiện đại ở Chương 2, giờ chúng ta sẽ tiếp tục xem xét bốn đất nước hiện đại khác nhau rõ rệt, đầu tiên là hai nước nhỏ và sau đó là hai nước lớn. Một thảm họa của Thế giới thứ ba (Rwanda), một nước Thế giới thứ ba tồn tại tới tận ngày nay (Cộng hòa Dominica), một nước lớn thuộc Thế giới thứ ba đang chạy đua để bắt kịp Thế giới thứ nhất (Trung Quốc) và một xã hội thuộc Thế giới thứ nhất (Australia). Rwanda (Chương 10) tượng trưng cho một thảm họa theo thuyết Malthus1[1] diễn ra ngay trước mắt chúng ta, một đất nước quá đông dân đã sụp đổ trong những cuộc xung đột đẫm máu, rùng rợn, giống như sự sụp đổ của Maya trước đây. Rwanda và nước láng giềng Burundi nổi tiếng vì những cuộc xung đột sắc tộc Hutu và Tutsi, nhưng chúng ta cũng nên thấy rằng tăng trưởng dân số, tổn hại môi trường và thay đổi khí hậu cũng là thùng thuốc súng làm cho xung đột sắc tộc bùng nổ.

Cộng hòa Dominica và Haiti (Chương 11) cùng chung sống trên hòn đảo Hispaniola, cho chúng ta thấy sự tương phản dữ dội, như hai xã hội Norse và Inuit trên đảo Greenland. Sau hàng chục năm cùng nằm dưới ách độc tài tàn bạo, Haiti trở thành một trong những nước què quặt, thảm thương nhất Tân Thế giới hiện đại, trong khi Cộng hòa Dominica có những dấu hiệu của hy vọng. Để mọi người không cho rằng cuốn sách chỉ thuyết giáo về thuyết định mệnh môi trường, trường hợp Dominica là một minh họa cho vai trò của một cá nhân có thể tạo ra sự khác biệt lớn như thế nào cho xã hội, đặc biệt khi họ là nguyên thủ quốc gia.

Trung Quốc (Chương 12) chịu những tác động nặng nề của cả 12 loại vấn đề môi trường hiện đại. Là một nước lớn cả về diện tích, dân số và kinh tế nên tác động kinh tế và môi trường của Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng tới người dân Trung Quốc mà còn với cả thế giới.

Australia (Chương 13) là trường hợp hoàn toàn trái ngược với Montana, một xã hội thuộc Thế giới thứ nhất sống trong môi trường dễ bị tổn hại nhất và từng phải đối mặt với những vấn đề môi trường khắc nghiệt nhất. Bởi vậy, đây cũng là một trong những nước hiện đang xem xét tái tổ chức xã hội triệt để nhất nhằm giải quyết những vấn đề này.

Phần kết luận của cuốn sách (Phần Bốn) rút ra những bài học thực tế cho chúng ta ngày nay. Từ những xã hội trước đây đã sụp đổ do tự hủy hoại mình, Chương 14 đặt ra một câu hỏi khó trả lời: liệu thế giới của chúng ta có sụp đổ do chính chúng ta tự huỷ hoại không? Tại sao một xã hội lại không thể nhận ra những nguy hiểm dường như rất rõ ràng khi chúng ta xem xét lại chúng? Liệu chúng ta có thể nói rằng sự chấm dứt của các xã hội này chính là do lỗi của cư dân của nó, hay họ chỉ là nạn nhân của những vấn đề không thể giải quyết được? Có bao nhiêu tổn hại môi trường trước đây do không định trước được và không thể nhận thấy? Và bao nhiêu tổn hại do con người cố tình gây ra mặc dù đã nhận thức đầy đủ về những hậu quả? Ví dụ, những cư dân đảo Phục Sinh nói gì khi họ chặt cây gỗ cuối cùng trên đảo? Hóa ra, quyết định của một tập thể có thể bị vô hiệu hóa bởi một loạt các yếu tố, đầu tiên là không thấy trước hay không nhận thức được vấn đề, tiếp đó là những xung đột về lợi ích khiến một nhóm thiểu số trong xã hội theo đuổi những mục tiêu tốt cho bản thân họ nhưng lại gây hại cho đa số cư dân của xã hội.

Chương 15 xem xét vai trò của các ngành kinh doanh hiện đại, trong đó có một số ngành thuộc loại phá hủy môi trường tàn khốc nhất hiện nay, trong khi những ngành khác áp dụng một số biện pháp bảo vệ môi trường hiệu quả nhất. Chúng ta sẽ xem xét tại sao một số (nhưng chỉ một số) ngành kinh doanh nhìn thấy lợi ích của họ khi bảo vệ môi trường, và cần có những thay đổi nào để những ngành kinh doanh khác nhìn thấy lợi ích của mình và tự thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Cuối cùng, Chương 16 tóm lược những loại nguy cơ môi trường mà thế giới hiện đại đang phải đối mặt, những ý kiến phản đối phổ biến nhất về mức độ nghiêm trọng của chúng, cùng những khác biệt giữa các nguy cơ môi trường hiện nay và các nguy cơ mà nhiều xã hội trước đây phải đối mặt. Một khác biệt cơ bản là sự toàn cầu hóa, trọng tâm theo đuổi của cả phái theo chủ nghĩa lạc quan và phái theo chủ nghĩa bi quan về khả năng giải quyết các vấn đề môi trường hiện nay của chúng ta. Toàn cầu hóa khiến các xã hội hiện đại không thể sụp đổ riêng lẻ như đảo Phục Sinh hay xã hội người Norse ở Greenland trước đây. Ngày nay, bất cứ xã hội nào rơi vào hỗn loạn, cho dù nó có xa xôi tới đâu chăng nữa như Somalia hay Afghanistan, vẫn có thể gây rắc rối cho những xã hội thịnh vượng ở các lục địa khác, và cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng của xã hội kia (cho dù đó là ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực). Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta phải đối mặt với nguy cơ suy thoái toàn cầu. Nhưng cũng lần đầu tiên chúng ta có cơ hội để nhanh chóng học tập những tiến bộ của các xã hội ở khắp nơi trên thế giới hiện nay và từ những gì chúng ta tìm hiểu được về bất kỳ xã hội nào trong bất kỳ thời điểm nào của quá khứ. Đó là lý do tại sao tôi viết cuốn sách này.

*****


[1] Thuyết Malthus: học thuyết mang tên nhà kinh tế học người Anh (Thomas Robert Malthus, 1766 - 1834). Học thuyết này dựa trên ý tưởng rằng dân số tăng nhanh (theo cấp số nhân) trong khi lương thực chỉ tăng theo cấp số cộng, nên đã gây ra sự mất cân bằng dẫn nhân loại tới nạn đói. Để khôi phục sự cân bằng, học thuyết này coi trọng những phương tiện hủy diệt (sự mất cân bằng sẽ chấm dứt bằng cách gây nên dịch bệnh, chiến tranh) và phòng ngừa (hạn chế sinh đẻ).

 

 

 

Bình luận

0/1500

Thủ tụcHành chính
Tin nổi bậtXem toàn bộ

Tuyển tập hay nhất

Tuyển tập hay nhất