Hotline:
02466878415
Tác giả khảo sát tiến trình sáng tạo của 7 danh nhân thuộc 7 lĩnh vực trí khôn khác nhau: Freud, Einstein, Picasso, Stravinsky, Eliot, Graham và Gandhi để rút ra những đặc điểm của tính sáng tạo của các cá nhân trong mối quan hệ giữa tư chất bẩm sinh, ảnh hưởng gia đình, quan hệ nghề nghiệp, xã hội và chính trị.
... Là một cậu bé chăm học lớn lên ở thành phốScranton, bangPennsylvaniavào những năm 1950, tôi mê đọc sách. Thu hút tôi nhất là những cuốn sách tiểu sử và lịch sử từ nhiều xứ sở, nhưng tập trung nhất ở Tây Âu, xuất xứ của gia đình tôi, và Hoa Kỳ, ngôi nhà mới của chúng tôi. Tôi chỉ nghe nói đến tâm lý học khi vào trường cao đẳng, cho nên đương nhiên tôi ghi danh học môn chính là lịch sử. Chỉ đến khi bắt gặp những luận văn của Erik Erikson về lịch sử tâm lí học và tiểu sử tâm lý học tôi mới tìm thấy mái nhà trí tuệ của mình. Thế là tôi chuyển qua học về quan hệ xã hội (đại khái là các môn khoa học xã hội hay khoa học hành vi) và tôi thấy mình ngày càng bị hút sang ngành tâm lý học về sự phát triển con người.
Xung đột giữa hứng thú với khía cạnh tình cảm và óc tò mò về những chiều kích nhận thức của trải nghiệm nhân sinh tạm thời được giải quyết theo hướng thiên về nhận thức, đó là lúc tôi bắt đầu đọc các tác phẩm của nhà tâm lý học người Thụy Sĩ Jean Piaget vào cuối thời gian học cao đẳng. Tôi đọc rất nhiều tác phẩm của Piaget trong năm sau đại học ở Anh. Trong thời gian nhàn rỗi ấy, tôi cũng quen thuộc hơn với các ý tưởng và hình thức nghệ thuật của thời đại hiện đại: âm nhạc của Igor Stravinsky, tranh vẽ của các họa sĩ lập thể, văn phẩm của T. S. Eliot, và sự tuôn trào đáng kinh ngạc những sáng tạo về khoa học, nghệ thuật và chính trị diễn ra ở những nước chủ yếu của châu Âu trong những thập niên đầu thế kỉ XX. Trong khi tôi quyết định theo đuổi việc học cao học về tâm lý học phát triển, tôi đã trở nên bị ám ảnh ghê gớm bởi cái xã hội vốn sản sinh ra những công trình rực rỡ như thế mà cùng lúc lại rơi vào hai cuộc thế chiến tàn hại và một cuộc chiến tranh lạnh dai dẳng.
Hứng thú về lịch sử và tiểu sử của tôi có lúc lùi lại phía sau, khi tôi đã nắm vững các phương pháp và kĩ thuật của môn tâm lý học phát triển thực nghiệm. Tôi biết ơn việc đào tạo có hệ thống ấy. Tuy nhiên, ngay sau khi bắt đầu học đại học, tôi đã cảm thấy các thầy và bạn học của mình rất thiếu hứng thú đối với những vấn đề về sáng tạo nghệ thuật. Trong quá trình học tập của mình, tôi đã dành nhiều công sức cho âm nhạc; tôi bỏ ra nhiều buổi tối trong suốt một năm sau đại học để khám phá nghệ thuật của thời hiện đại; vậy mà tôi tìm hoài cũng chẳng thấy có gì đề cập những phương diện ấy của đời sống trong các bài giảng của chư vị giáo sư hay trong những sách được chỉ định phải đọc. Cho nên tôi rất thích khi biết có một cơ sở nghiên cứu tên là Dự án Zero [Project Zero], đặc biệt chú trọng về bản chất của kiến thức và giáo dục nghệ thuật.
Dưới sự bảo trợ của Dự án Zero, trong 25 năm gần đây tôi đã nghiên cứu sự phát triển con người ở những đứa trẻ bình thường và những đứa trẻ có năng khiếu, cũng như sự suy sụp năng lực hay bộc lộ năng khiếu của con người trong những điều kiện tổn thương về trí não. Điểm hào hứng của Dự án là vấn đề bản chất sự biểu tượng hóa của con người, đặc biệt về những hình thức biểu tượng hóa vốn là chìa khóa của mọi nghệ thuật. Nhưng cụ thể hơn nữa, các đồng nghiệp của tôi và tôi đã điều tra xem những người trẻ tuổi trở thành nhạc sĩ hay nhà thơ, họa sĩ như thế nào, vì sao phần lớn họ không như thế, và những năng lực nghệ thuật ấy phát triển hay lụi tàn đi như thế nào trong các nền văn hóa của chúng ta và những nền văn hóa khác.
Có điều thú vị là hai từ nghệ thuật [art] và tính sáng tạo [creativity] đã trở nên kết nối chặt chẽ với nhau trong xã hội chúng ta. Tôi ngờ rằng vì lí do ấy, tôi thường bị coi là đã nghiên cứu “tính sáng tạo” trong những thập kỉ gần đây. Chẳng cần phải liên kết hai thứ đó với nhau như thế: người ta có thể sáng tạo trong bất kì lĩnh vực nào của đời sống; và các môn nghệ thuật có thể là sân khấu của sự tầm thường hay nhàm chán cũng như của cái đẹp, của sự toàn phúc hay điên rồ. Dẫu sao, chính vì sự nhập nhằng ấy, mà tôi thường được mời đến dự các buổi thuyết trình về sáng tạo, thường được các nhà báo quan tâm tới sáng tạo phỏng vấn, và nhìn chung, bị đồng nhất một cách không thích hợp với các thành viên của giới “mafia nghiên cứu về tính sáng tạo”. Tôi không ngại gì về trường hợp định căn hơi sai ấy, chắc chắn là thế, nếu xét đến hứng thú dài hạn của tôi đối với những thành tựu của một số con người phi thường.
Mặc dù tôi đã viết nhiều về tính sáng tạo, đặc biệt là về các môn nghệ thuật, nhưng lúc đầu tôi chưa nghĩ đến việc làm một nghiên cứu tiểu sử so sánh kiểu này. Sự thúc đẩy xảy ra vào năm 1983 sau khi xuất bản cuốn sách khiến tôi được biết đến nhiều nhất: Cơ cấu trí khôn: Lý thuyết về nhiều dạng trí khôn (Frames of Mind: The Theory of Multiple Intelligences). Trong cuốn sách ấy, dựa vào các ví dụ từ cả những cá nhân bình thường lẫn khác thường, tôi đã mô tả bảy hình thức tương đối tự trị của trí khôn con người. Một khi tôi đã đa dạng hóa trí khôn, có nhiều người hỏi liệu tôi cũng tin rằng có bảy kiểu tính sáng tạo chứ. Mặc dù tôi có trực giác về câu hỏi này, tình cờ tôi nghĩ sẽ rất mê hoặc nếu nghiên cứu các cá nhân sáng tạo, những người theo giả thuyết là nổi bật trong những dạng trí khôn khác nhau, và xem mình có thể khám phá ra điều gì về bản chất những sáng tạo của họ.
Và như thế, khi đã có quyết định ban đầu ấy, tôi gặp thách đố là phải chọn lựa các cá nhân có tính sáng tạo không thể chối cãi và dường như nổi bật về từng trí khôn riêng biệt. Tôi thoáng có ý tưởng chọn những chủ thể từ toàn bộ dải dài lịch sử loài người nhưng rồi bác bỏ chiến thuật ấy. Để cho các chủ thể của mình ít ra có thể so sánh với nhau một cách sơ lược, tôi chọn ra những cá nhân đã sống ở cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX. Một tiêu chí khác, quan trọng đối với nhiều nhà viết tiểu sử, là ít ra tôi cũng có thiện cảm căn bản với các chủ thể. Tôi không muốn tận tình nghiên cứu tuổi trẻ của một nhà văn hay những bản phác họa tuổi thơ của một họa sĩ, nếu tác phẩm chín muồi của họ mình không thích.
Mặc dù những chi tiết trong bản thân cuộc đời của các chủ thể có sức mê hoặc, tôi vẫn xem công trình này mang tính khoa học xã hội căn bản hơn là nhân văn. Đó là, đi tìm các khái niệm và sự khát quát hóa có thể soi sáng việc nghiên cứu tính sáng tạo một cách rộng rãi hơn. Như nói chi tiết trong Chương 2, tôi muốn bắt đầu bắc một cây cầu giữa những nghiên cứu chi tiết về tâm lí học của các cá nhân sáng tạo, của những học giả như Howard Gruber, với những nghiên cứu mang tính định lượng, sử lượng học (historiometric) về thành tích của các nhà sáng tạo, của các học giả như Dean Keith Simonton. Và như thế, những chương thực chất nhất, dành cho bảy bậc thầy, được kết thúc bằng những suy nghĩ mang tính khái quát hơn về việc nghiên cứu như thế nào các tiến trình sáng tạo và những phát hiện gì đã nổi lên từ nghiên cứu này.
Gần đến phần kết luận cuốn sách, tôi tự hỏi về nhiều vấn đề: Liệu mình đã chọn đúng những người và những lĩnh vực thích hợp, đã có những biện pháp đúng để đo đạc tính sáng tạo, liệu các kết luận của mình đã có được sự tham chiếu đến những người khác và những kỉ nguyên lịch sử khác? Việc tái bản cuốn sách này, 20 năm sau khi nó được sơ thảo, cho tôi cơ hội để xem lại những câu hỏi này và những câu hỏi khác đã nảy ra trong suốt khoảng thời gian đó.
Tôi đã nghĩ lại một chút về những kỉ nguyên hay các nhân vật được nghiên cứu. Một thế kỉ trước, châu Âu và ở mức thấp hơn là nước Nga và nước Mĩ, đã là mái nhà của những cá nhân có tính sáng tạo đáng lưu ý. Tôi đã có thể nghiên cứu James Joyce hay Marcel Proust hơn là T. S. Eliot, và tôi đã có những lựa chọn tương tự trong các lĩnh vực trình diễn khác, nhưng danh sách đã rất dài. Gần hơn với kỉ nguyên của chính chúng ta, tôi đã có thể nghiên cứu một đạo diễn điện ảnh như Ingmar Bergman hay một học giả như Noam Chomsky, nhưng tôi không nghĩ các kết luận sẽ thay đổi về thực chất.
Nhưng cũng có những vấn đề khác mà ở đó có thể có những kết luận khác nhau. Trong nguyên mẫu của tôi, các cá nhân đều sinh ra ở ngoại vi các trung tâm văn hóa và chuyển đến những địa điểm như London hay Vienna. Nếu thay vào đó là nghiên cứu triết gia Ludwig Wittgenstein, thì tôi sẽ phát hiện ra một mẫu đối lập. Xuất phát từ một gia đình có quyền và có tiền, Wittgenstein sinh ra và lớn lên ở trung tâm văn hóa của thành Vienna: ông không cần chuyển đến một đại đô thị trọng yếu để gặp gỡ những người trẻ khác có tiềm năng lớn! Nhưng Wittgenstein đã thấy Vienna là ngột ngạt: ông chuyển tới Cambridge nước Anh trước tiên, rồi tới Na Uy, và cuối cùng tới Hoa Kỳ. Có lẽ thiên tài cần có được khoảng cách với bất cứ nơi nào mình sống đầu tiên.
Mẫu của tôi cũng có thể đã dẫn tới cái kết luận không có bảo đảm rằng các nhà sáng tạo nhất thiết phải là những con người khó khăn, nhất là trong những năm cuối đời. Tôi sẽ khó để đưa ra luận điểm này khi tham chiếu đến Charles Darwin, người mà theo mọi tường thuật thì đã là thành viên một gia đình đầy nhân tính và một học giả rộng lượng. Nhưng thêm vào việc sống ở một kỷ nguyên trước, Darwin còn khác hẳn về những mặt khác. Giống như Wittgenstein, Darwin sinh ra ở trung tâm của mọi sự - nước Anh - và đã có được khoảng cách thông qua chuyến đi nổi tiếng kéo dài năm năm vòng quanh thế giới trên con tàu Beagle. Có lẽ quan trọng nhất, Darwin đã ốm hay giả vờ ốm trong suốt cuộc đời trưởng thành; bà vợ đầu Emma bảo hộ ông khỏi những sự xâm phạm tùy tiện và rồi đồng nghiệp Thomas Henry Huxley của ông (biệt danh là “con chó trung thành của Darwin” (Darwin’s bulldog)) đi khắp nước Anh bảo vệ những tuyên bố gây tranh cãi của ông. Có lẽ Darwin có sự che chở mà thiên tài cần đến, và không phải tự mình dựng chiến lũy.
Ở đây vấn đề của tôi không phải là biện luận về từng kết luận ban đầu của mình mà đúng ra là soi sáng bản chất của cây cầu mà tôi thử dựng lên, từ những nghiên cứu trường hợp điểm (case study) đến những sự khái quát hóa rộng rãi. Ta phải bắt đầu với những mẫu được quan sát trong bản gốc. Khi nổi lên một ngoại lệ rõ rệt - như không có sự di chuyển từ ngoại vi tới trung tâm văn hóa - ta cần xem liệu vấn đề căn bản có thể được giải quyết bằng một công thức mới hay không - như có được khoảng cách đối với một nơi chốn quen thuộc. Và ta phải mở ra khả năng việc khái quát hóa là ngẫu nhiên, dựa trên mẫu cá biệt ta đã chọn hay trong thời kỳ cụ thể mà ta đã tập trung chú ý vào đó. Những ví dụ như của Darwin buộc ta suy nghĩ lại những kết luận trước đó.
Như đã xảy ra, chỉ ít năm sau khi hoàn thành cuốn Trí khôn sáng tạo, tôi đã có cơ hội thực hiện một nghiên cứu xa hơn. Biên tập viên và nhà môi giới xuất bản John Brockman hỏi tôi có muốn viết một cuốn sách mỏng với chủ đề rộng mở hay không. Vào lúc đó, tôi đã làm thân với D. Carleton Gajdusek, người đoạt giải Nobel về sinh học, một nhân cách mê hoặc, khác thường. Nghĩ đến sự nghiệp đáng chú ý của Carleton, tôi đặt kế hoạch khái niệm hóa bức chân dung của mình xung quanh bốn vai trò khác nhau mà ông đã đóng: bậc Thầy (the Master) (người đã vươn lên đỉnh của một trường (field) đã tồn tại), người Tạo tác (the Maker) (người tạo ra một địa hạt nghiên cứu hay thực hành), người Ảnh hưởng (the Influencer), và người Nội quán (the Introspector) (người suy nghĩ sâu về bản thân mình).
Khi tôi gần kết thúc nghiên cứu và chuẩn bị viết cuốn sách mỏng ấy thì Gajdusek bị bắt và sau đó bị tù vì tội ấu dâm (sau khi ở tù một thời gian ngắn, ông rời Hoa Kì và mười năm sau thì chết vì những lý do tự nhiên). Đứng trước câu hỏi liệu có nên viết một cuốn sách về một kẻ đã bị tù, tôi quyết định không. Thay vào đó, tôi chọn viết những giải trình ngắn gọn về bốn cá nhân, mỗi người là mẫu mực của một trong bốn vai trò mà Gajdusek đã gợi hứng cho tôi.
Hai trong số các vai trò được thực hiện đầy đủ bởi các nhân vật trong sách này: Freud (người Tạo tác) là một cá nhân đã sáng lập ngành phân tâm học - một trường nghiên cứu và thực hành mới; Gandhi (người Ảnh hưởng) là một cá nhân đã ảnh hưởng đến tư tưởng và hành vi của nhiều ngành, có lẽ là hàng triệu, con người bằng hữu của ông.
Cuốn sách mang tên Những trí khôn phi thường (Extraordinary Minds),đã tạo cơ hội xét nghiệm sơ đồ của cuốn sách hiện nay về hai mặt. Với bậc Thầy, tôi quyết định viết về Wolfgang Amadeus Mozart, chắc chắn là một bậc thầy về nhạc cổ điển và là người đã sống hơn một thế kỉ trước bảy chủ thể của tôi. Thậm chí thời kỳ tương đối ngắn ấy đã bộc lộ nhiều sự khác biệt giữa châu Âu ở đỉnh cao của thời Khai sáng với những cuộc theo đuổi giống như thế ở đỉnh cao của kỉ nguyên hiện đại. Khác hơn rất nhiều so với những người đến sau, Mozart là người thực hành một cái nghề nghệ thuật, ông viết chủ yếu theo đơn đặt hàng, và suốt đời phải lo những cơ sở căn bản cho sức khỏe và tiền bạc của mình.
Với người Nội quán, tôi chọn viết về Virginia Woolf. Thành tựu của bà về văn chương hư cấu và luận văn tự nó nói lên tất cả. Nhưng tôi cũng cảm thấy - và đã bị phê phán vì - sự khan hiếm phụ nữ trong các mẫu gốc của mình. Việc đưa Woolf vào đã chứng tỏ là có lợi cho bài học cần rút ra. Mặc dù xuất thân từ một gia tộc danh giá và sống trong một gia đình trí thức có học vấn cao, bà đã không có bất kỳ sự học hành chính thức nào. Như bà đã đưa ra nhận xét nổi tiếng, thật khó trở thành một nhà văn nếu không có 300 đồng guinea (hơi nhiều hơn 300 bảng Anh) và một căn phòng riêng. Nhiều người biết rằng Woolf cũng mắc nhiều chứng bệnh tâm thần nặng và cuối cùng đã tự sát. Việc đưa Woolf vào buộc tôi xem xét những thách thức rất khác nhau đối với một người phụ nữ tài năng, vào một thế kỷ trước, và những tác động tàn phá của sự trầm cảm trong một kỷ nguyên mà sự chữa trị còn bất cập một cách tồi tệ.
Việc tìm tòi và viết Những trí khôn phi thường đã giúp tôi xem xét hai vấn đề khác nữa. Thứ nhất là những bài học mà người thường như chúng ta có thể học được từ các cá nhân có tính sáng tạo cao. Tôi đã chọn ra ba bài học: (1) Các cá nhân sáng tạo bỏ khá nhiều thì giờ suy nghĩ về việc mà họ tìm cách hoàn thành, dù họ có đạt được thành công hay không (và, nếu không thành công thì họ suy nghĩ có thể làm gì khác đi); (2) Các cá nhân sáng tạo tận dụng những cái mạnh của mình. Họ xác định địa hạt mạnh nhất của mình và xây dựng các thành tựu xung quanh những trí khôn tiềm năng ấy. Họ cũng không băn khoăn về những việc mình không làm tốt; họ có thể luôn luôn có được sự giúp đỡ từ những người khác và có lẽ đổi chác những địa hạt mạnh của mình với những người có các kỹ năng bổ sung; (3) Các cá nhân sáng tạo điều chỉnh những trải nghiệm của mình. Những con người như thế rất tham vọng, và họ không hề luôn luôn thành công. Khi thất bại, họ không mất nhiều thì giờ than thở; trách cứ; hay, cực đoan là bỏ cuộc. Thay vào đó, nhìn thất bại như một kinh nghiệm để học, họ tìm cách xây cất trên những bài học ấy trong những nỗ lực tương lai. Việc điều chỉnh được thể hiện cô đọng nhất trong câu cách ngôn của nhà kinh tế học người Pháp Jean Monnet, người có tầm nhìn xa: “Tôi xem mỗi thất bại là một cơ hội”.
Vấn đề khác được đụng đến trong cuốn Trí khôn sáng tạo, là vai trò của bệnh lý học trong thiên tài sáng tạo. Tất nhiên, mối quan hệ phải tính đến giữa vết thương và cây cung (the wound and the bow) từ lâu đã là đề tài nghiên cứu về những người thành đạt. Và trong Trí khôn sáng tạo, tôi ghi nhận các nhà sáng tạo của tôi mỗi người đều đã có những thời kỳ tâm trí yếu đuối, trải rộng từ mối quan hệ xa cách với những người khác (Einstein) đến khuynh hướng ác dâm thẳng thắn (Picasso). Trong khi hai người mới không trực tiếp thách thức những kết luận trước đây của tôi, thì sự đi sâu vào cuộc đời Gajdusek đã thúc đẩy tôi suy nghĩ nhiều về mối quan hệ giữa những thiên bẩm lớn lao của ông với sự ưa thích vượt quá ranh giới thông thường, cả về công việc khoa học lẫn về quan hệ với những người khác, trong trường hợp này cụ thể là với các cậu bé trai.
Tôi tiếp tục cân nhắc liệu mối kết nối giữa một bên là thành tựu hoành tráng với bên kia là khuynh hướng hành xử theo luật lệ của riêng mình có là đặc điểm cốt yếu của thiên tài sáng tạo hay không. Đến bây giờ, tôi lưỡng lự trong việc tuyên bố một kết luận mạnh mẽ như thế. Chắc chắn có những cá nhân không nổi bật về việc thách thức quy ước như Darwin hay nhạc sĩ Johannes Brahms hay nhà văn Thomas Mann. Song, tôi tự tin khi tuyên bố nét tính cách suy nghĩ ngoài khuôn phép thường có trong cuộc đời làm việc của chính chúng ta, nếu không là không thể tránh thì cũng tràn qua những khu vực khác của cuộc sống.
Việc tập trung chú ý của tôi vào kỷ nguyên hiện đại cũng hoàn toàn rõ ràng: Thực ra, tựa đề cho cuốn sách này dự định là “Các nhà sáng tạo của kỷ nguyên hiện đại” (The Creators of the Modern Era) - cách dùng chữ hấp dẫn tôi hơn là với nhà xuất bản! Bảy nhà sáng tạo không chỉ phản ánh kỉ nguyên trong đó họ được nuôi dưỡng, mà cũng sẽ như trường hợp của bất kỳ bộ bảy đáng chú ý nào, họ đã giúp tạo nên nghệ thuật, khoa học, thậm chí cả chính trị (Einstein với bom hạt nhân, Gandhi với việc biến mất chủ nghĩa thực dân) của thời kỳ giữa thế kỉ XX. Nhưng ngay cả 20 năm trước, tôi đã nhận thức, kỉ nguyên này đang kết thúc, và chúng ta đã bước vào một kỉ nguyên hậu hiện đại: cả theo nghĩa đen, nghĩa là tiếp theo kỷ nguyên hiện đại, lẫn nghĩa tu từ, một kỉ nguyên bộc lộ tri thức học và mĩ học của riêng nó.
Với chút tiên cảm, tôi đưa vào cuốn Trí khôn sáng tạo một cuộc thảo luận ngắn về việc tính sáng tạo có thể khác biệt ra sao trong kỉ nguyên tiếp sau chủ nghĩa hiện đại.
Nói ngắn gọn, kỉ nguyên hậu hiện đại là thời đại mà bất kỳ tuyên bố chân lý hay đạo lý tối hậu nào cũng bị tránh xa, các thể loại bị nhoè và thực tại bị trộn lẫn, sự nghiêm túc bị thách thức và sự mỉa mai được ưa thích. Và nếu tiên cảm hơn nữa, tôi đã dự tưởng sự thống trị của phương tiện truyền thông số: sự truyền thông toàn cầu, sự sụp đổ thời gian và không gian, sự tiếp cận lập tức với kiến thức và thông điệp cá nhân, và những mạng lưới liên cá nhân hùng mạnh.
Thậm chí đời sống ngắn ngủi của một số thập kỷ là khá đủ ý nghĩa để nêu lên câu hỏi: liệu tính sáng tạo, vào khoảng năm 2010, có khác biệt về chất với tính sáng tạo vào năm 1910 không? (Woolf đã có lời châm biếm nổi tiếng: “Vào năm 1910 hay khoảng đó, tính cách con người đã thay đổi”). Tôi tin rằng trong một số năm nữa, kiểu cá nhân đơn độc, tính sáng tạo đơn độc trong mọi địa hạt sẽ rất rất hiếm hoi.
Đầu tiên là bất kì cái gì trở nên nổi tiếng trong một phần của thế giới sẽ sẵn sàng có được trên khắp thế giới. Và như thế, dù ta có nói về một thể loại hội họa mới hay một đường lối lao động khoa học mới nào, mọi người quan tâm đều có thể tiếp cận nó ngay lập tức, và các hoạt động sau đó của họ có thể chịu tác động từ những cái mới đó.
Hai nữa, tiềm năng cho sự hợp tác, và trong một số trường hợp thì nhu cầu đối với sự hợp tác, được cấp phép. 100 năm trước, khoa học phần lớn là chuyện cá nhân; 50 năm trước, khoa học được thực hiện bởi những tổ nhóm nhỏ, hay thậm chí những cặp đôi, nổi tiếng nhất là hai người đã giải mã gien di truyền, James Watson và Francis Crick. Giờ đây, chúng ta ở trong kỉ nguyên Khoa học Lớn, trong đó hàng tá thậm chí hàng trăm học giả hợp tác với nhau trong một dự án duy nhất. Một thí nghiệm ở vành va chạm Hadron có thể liên quan đến 3.000 nhà khoa học! Và phổ biến không kém, nhiều công trình nghệ thuật mang tính hợp tác - xuyên qua các thể loại và bộ môn, thậm chí với những tổ nhóm sáng tạo. Hãy xem xét lời chứng này từ Carla Peterson: “Thay vì tạo ra một ngôn ngữ động tác độc nhất theo mốt Martha Graham hay Merce Cunningham… [ngày nay các nhà biên đạo múa] tập trung chú ý vào những vấn đề có tính khái niệm, dựa vào các cộng tác viên, điều chỉnh, làm mẫu, tham khảo, và đối thoại với những tác phẩm của các nghệ sĩ khác, các ý niệm về tác giả, hủy bỏ các thể loại, và suy nghĩ lại về mối quan hệ giữa múa và động tác, và có sự tham gia của tất cả khán giả” (trích trong Gardner, 2011, tr. 73). Và với việc ngay lập tức có thể có tác phẩm theo thể loại riêng của mỗi người, triển vọng vay mượn hay ngay cả ăn cắp tác phẩm của người khác cũng đầy dẫy.
(Trích Lời tựa cho bản in năm 2011, Trí khôn sáng tạo, Howard Gardner , Nxb Tri Thức, 2020)
'Talleyrand - Bậc thầy của nền ngoại giao chính trị'
vietnamnet - Thứ tư, 23/10/2024 - 09:00 Cuốn sách “Talleyrand - Bậc thầy của nền ngoại giao chính trị” không chỉ là tài liệu lịch sử giá trị mà còn là bức chân dung sâu sắc về một con người với những mâu thuẫn và chiến lược làm thay đổi lịch sử châu Âu mãi mãi.
“Xã hội diễn cảnh” qua góc nhìn của Guy Debord
{Thời báo Văn học nghệ thuật} - 17-10-2024 04:42 Là tác phẩm nổi tiếng nhất của triết gia Pháp Guy Debord, “Xã hội diễn cảnh” đã góp phần định hình nhiều quan điểm phê phán về xã hội hiện đại và văn hóa đại chúng. Nhân dịp ra mắt cuốn sách Xã hội diễn cảnh, Viện Pháp tại Hà Nội và Nhà xuất bản Tri Thức tổ chức tọa đàm thảo luận về cuốn sách với sự tham gia của các diễn giả: Phạm Xuân Thạch, Phùng Ngọc Kiên, Dương Thắng.
Tọa đàm Giới thiệu sách Xã hội diễn cảnh của Guy Debord
Guy Debord là một hiện tượng kỳ lạ của giới trí thức Pháp nửa sau của thế kỷ 20. Chịu ảnh hưởng sâu đậm của chủ nghĩa Marx, ông thường được xem là thuộc cánh cực tả chủ trương cách mạng triệt để. Xã hội diễn cảnh (xuất bản năm 1967) là tác phẩm nổi tiếng nhất của Guy Debord. Bắt chước lối viết của K. Marx trong cuốn Thesen über Feuerbach (Luận điểm về Feuerbach), tác phẩm bao gồm 221 luận điểm thường độc lập với nhau và được chia thành 9 chương.