Tư duy lại khoa học
Tư duy lại khoa học
Tri thức và công chúng trong kỷ nguyên bất định
4.5
139
Lượt xem
0
Đã bán
Chọn sản phẩm
Sách giấy
Tạm hết hàng
Thông tin xuất bản
NXB
Nhà xuất bản Tri thức
Người dịch:
Đặng Xuân Lạng - Ngô Quốc Quýnh
Năm XB:
Loại sách:
Sách giấy;
Khổ sách:
14.5 x 20.5
Số trang:
518
Quốc gia:
Ngôn ngữ:
vi
Mã ISBN:
Mã ISBN Điện tử:

Thế kỷ XX là một thế kỷ phát triển rực rỡ của khoa học. Vốn được khởi nguồn từ nền văn minh Hy Lạp cổ đại thời Aristote, “khoa học hiện đại” đã được hình thành và phát triển từ thời “hiện đại” trong Kỷ nguyên Khai sáng ở châu Âu vào đầu thế kỷ XVII, khởi đầu với học thuyết về chuyển động cơ giới của các vật thể do Galilei và Newton sáng lập, sau đó được mở rộng dần cho các ngành vật lý và khoa học tự nhiên; rồi đến cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, với niềm tin “có những luật tự nhiên thống trị xã hội loài người tương tự như đã thống trị thế giới vật lý”, các tư tưởng và phương pháp của “khoa học hiện đại” cũng đã được áp dụng rộng rãi cho việc nghiên cứu các đối tượng của sinh học, kinh tế và xã hội… tạo nên một xu thế “khoa học hóa” hầu như mọi lĩnh vực tri thức của loài người. Một khoa học lý thuyết xây dựng trên cơ sở các tri thức thu được qua kinh nghiệm và khảo sát, rồi tiếp tục bằng các phương pháp suy luận duy lý và thực chứng, đã được phát triển một cách độc lập; và bên cạnh đó, việc áp dụng các tri thức khoa học vào nhiều lĩnh vực của sản xuất, đời sống, xã hội… đã tạo nên nhiều ngành “khoa học ứng dụng”, thực tế đó đã xác định một mối quan hệ đặc biệt giữa khoa học với xã hội mà các tác giả gọi là “Khoa học Phương thức 1” và “Xã hội Phương thức 1”, trong đó khoa học sản xuất ra các tri thức có tính phổ quát, các chân lý “khách quan”, rồi được ứng dụng vào các lĩnh vực hoạt động của xã hội loài người để tạo ra các tri thức ứng dụng, một mối quan hệ có tính chất một chiều theo hướng “khoa học nói với xã hội”, xã hội có vai trò thụ động, nghe và tin theo những gì khoa học nói. Mối quan hệ đặc biệt đó đã góp phần làm nên một giai đoạn ban đầu khá dài và êm ả trong việc phát triển nhiều ngành khoa học (ứng dụng) về sự sống, về kinh tế, xã hội, với nhiều thành công và triển vọng trong thế kỷ XIX và gần suốt thế kỷ XX.

Tuy nhiên, càng đi sâu vào các lĩnh vực ứng dụng thì thực tế xã hội càng bộc lộ rõ nhiều thuộc tính phức tạp[1] và bất định mà khoa học Phương thức 1 dựa trên các giả thuyết tất định và quy giản không còn đủ khả năng để lý giải được. “Xã hội Phương thức 2”, tức là xã hội với tất cả những phức tạp và bất định (hay không chắc chắn) của nó đòi hỏi phải được nhận thức bởi một “khoa học khác”, một “Khoa học Phương thức 2”. Trong tiến trình phát triển một khoa học Phương thức 2 như vậy, mối quan hệ một chiều “khoa học nói với xã hội” phải được thay thế, hay được bổ sung bởi chiều ngược lại “xã hội đối đáp lại khoa học”. Tư duy lại khoa học (Re-thinking Science) là một cuốn sách trình bày cho chúng ta biết hàng loạt vấn đề cần được “tư duy lại” về khoa học, về nội dung của bản thân khoa học, cũng như về vai trò của khoa học với tư cách là một cơ cấu sản xuất tri thức của con người và về quan hệ giữa khoa học với xã hội trong điều kiện mới, điều kiện của “xã hội Phương thức 2”. Đó là một xã hội của những phức tạp và hỗn độn, của các tương tác bất định và phi tuyến, của những trật tự dễ bị xói mòn và sụp đổ, và cả của những sụp đổ lòng tin vào quyết định luận và khả năng tiên đoán của con người, v.v… Những vấn đề mà các tác giả nêu ra phần lớn là các vấn đề mới, do đó những kiến giải của các tác giả dù chứa đựng nhiều ý tưởng “tư duy lại” khá sâu sắc nhưng cũng có nhiều điều mà tôi chắc chưa dễ được sự đồng tình của người đọc và hẳn còn cần được tranh luận để làm sáng tỏ hơn.Trước hết ta hãy nói về nội dung của khoa học. Trong Phương thức 1, ta hiểu khoa học là một hệ thống các tri thức về tự nhiên mà con người thu nhận được thông qua kinh nghiệm và trực cảm, suy luận logic, và được kiểm chứng bằng thực nghiệm, tức là thu được bằng các “phương pháp khoa học”. Các phương pháp khoa học đó khi được ứng dụng cho các lĩnh vực tự nhiên và xã hội khác đã góp phần xây dựng và phát triển các ngành khoa học tự nhiên và xã hội tương ứng. Theo nghĩa đó, tri thức khoa học là những tri thức đúng đắn một cách khách quan, hoàn toàn có thể tin cậy được để làm cơ sở cho con người nhận thức đúng đắn các đối tượng thực tế trong tự nhiên và xã hội, phát triển các công nghệ trong sản xuất, xây dựng các kế hoạch trong quản lý kinh tế, hoạch định các giải pháp trong việc xử lý các mối quan hệ xã hội, v.v… Tuy nhiên, trong môi trường của xã hội Phương thức 2 như mô tả sơ lược ở trên, do tính phức tạp và bất định của nó, xã hội không còn được hiểu là một cỗ máy hoạt động đều đặn theo những luật tất định một cách thuần nhất, để cho cái khoa học Phương thức 1 có thể ứng dụng vào và đều đặn rút ra các tri thức tất định như những “chân lý khách quan” hướng dẫn nhận thức và hành động con người. Môi trường phức tạp và chứa nhiều bất định có nghĩa là nó không còn thuần nhất, không đoán trước được, mà chỉ có thể biết được các bối cảnh tức thời của nó. Tri thức về một đối tượng như vậy, rõ ràng nhiều lắm cũng chỉ là tri thức về những bối cảnh cụ thể của nó. Các tác giả gọi những tri thức như vậy là tri thức được bối cảnh hóa (contextualized), hay tri thức cảm bối cảnh (context-sensitive). Bối cảnh hóa, theo các tác giả, là đặc trưng chủ yếu của tri thức trong khoa học Phương thức 2. Tùy theo mức độ phụ thuộc vào bối cảnh là yếu hay mạnh mà có tri thức bối cảnh hóa yếu (weakly contextualized knowledge) hay tri thức bối cảnh hóa mạnh (strongly contextualized knowledge).

Do tri thức được bối cảnh hóa, nên có thể sẽ không còn có một khoa học độc lập, tự quản, sản xuất ra những tri thức khách quan, độc lập, thuần khiết, một cái lõi tri thức làm nòng cốt của tri thức luận. Bối cảnh hóa cũng có nghĩa là các bối cảnh khác nhau, tức là xã hội, tăng cường tác động đối đáp lại khoa học, tham gia tích cực hơn vào việc sản xuất ra tri thức. Tiêu chí cho những sản phẩm tri thức được tạo ra như vậy sẽ không còn chỉ là những tri thức đúng, những “chân lý khách quan”, mà còn phải kể đến những “tri thức tin cậy được”, và những “tri thức thiết thực về mặt xã hội” (socially robust knowledge). Các thiết chế sản xuất tri thức, các trường đại học, các phòng nghiên cứu khoa học,… theo các tác giả, cũng có nhiều thay đổi theo yêu cầu của bối cảnh hóa. Xã hội tham gia tích cực vào việc sản xuất tri thức có nghĩa là công việc làm khoa học, sáng tạo ra tri thức, không còn bó hẹp vào một số chuyên gia nghiên cứu trong các trường đại học và phòng nghiên cứu, mà sẽ được mở rộng ngày càng nhiều cho “công chúng”. Việc sản xuất tri thức được “công chúng hóa” dần, có thể tiến đến một hình thức thảo luận rộng rãi ở các “quảng trường” kiểu như các “agora” ở các thành bang Hy Lạp thời cổ đại của Plato, Socrates. Công chúng hóa việc sản xuất tri thức cũng sẽ đi kèm với một sự phân phối mới, rộng khắp hơn các “năng lực chuyên môn” trong xã hội. 

Tất cả các điều nói trên sẽ dẫn ta đến một cách nhìn mới, một cách hiểu mới về khoa học, và khi ta nói “tư duy lại khoa học” thì điều đó không có nghĩa là nói về một khoa học hiện hữu “được tư duy lại”. Khoa học trong cách nhìn mới sẽ không còn là cái khoa học vốn có với quyền uy tối thượng sản xuất và ban phát các chân lý khách quan, định đoạt tính đúng sai của các nhận thức và lý giải của con người, mà là khoa học trong tương lai, khoa học sẽ được phát triển trong sự tương tác thường xuyên với các bối cảnh của tự nhiên và xã hội, các bối cảnh luôn luôn trong tình trạng bị tác động của những xáo trộn ngẫu nhiên, bất định và không dự đoán trước được. Khoa học mới, hệ thống sản xuất tri thức theo Phương thức 2, sẽ đồng tiến hóa với xã hội Phương thức 2 trong những mối tương tác qua lại phức tạp, phi tuyến, không chắc chắn và trong những trạng thái xa cân bằng, không ổn định. Thông qua các tiến trình đồng tiến hóa như vậy, bằng các khả năng học và thích nghi, sẽ có thể đạt đến những emergence, những hợp trội với những chất lượng mới cho cả khoa học và xã hội. Và rồi, những phức tạp và bất định mới sẽ nảy sinh, và tiến trình đồng tiến hóa với những tương tác, học và thích nghi, v.v… sẽ lại tiếp tục. Qua đồng tiến hóa, khoa học và cả xã hội, văn hóa sẽ không trở lại vị trí và vai trò cũ của mình mà sẽ được phát triển phong phú hơn, đa dạng hơn. Đó là bức tranh mà các tác giả hình dung trong một cách nhìn mới về khoa học. Đúng sai như thế nào là điều khó phán quyết, nhưng dù sao cũng có thể nói rằng những điều được hình dung đó là phù hợp với những phát hiện của khoa học mới về sự phức tạp trong vài ba thập niên gần đây.

Giới thiệu cuốn sách Tư duy lại khoa học với những nội dung như được lược thuật trên đây, đối với người giới thiệu, là một công việc không dễ dàng. Nhiều ý tưởng mới còn lạ lẫm với người đọc, những cách nhìn mới, cách nghĩ mới đòi hỏi phải được nghiền ngẫm để có thể được thấu hiểu. Và, dù có thấu hiểu, thì cũng còn cần rất nhiều những suy tư, những đắn đo để có thể được đồng cảm và tán thành. Tôi không dám nghĩ rằng bạn đọc ngay sau lần đọc đầu tiên đã có thể hoàn toàn đồng cảm và tán thành mọi ý tưởng và kiến giải của các tác giả, nhưng tôi hy vọng rằng các ý tưởng và kiến giải đó sẽ tạo được những ấn tượng đậm nét trong suy tư của bất kỳ ai quan tâm đến tiến đồ phát triển của khoa học trong một giai đoạn bước ngoặt hiện nay, khi thực tế tự nhiên và xã hội - các đối tượng nhận thức của chúng ta - đã và đang bộc lộ rõ các đặc trưng phức tạp, hỗn độn và bất định của mình, mà tầm nhìn và năng lực nhận thức của chúng ta thì vẫn đang còn loay hoay nhiều trong vòng vây cố hữu của tư duy cơ giới với niềm tin vào các luật nhân quả giản đơn, tuyến tính, tất định trong một thế giới ổn định và tiên đoán được. Mong muốn của người giới thiệu là, sau những ấn tượng đậm nét ban đầu mà cuốn sách có thể mang đến đó, bạn đọc có thể có hứng thú tìm hiểu và theo dõi những hướng phát triển mới của khoa học hiện nay trực tiếp liên quan đến những vấn đề phức tạp và bất định của thế giới tự nhiên của xã hội hiện đại.

PHAN ĐÌNH DIỆU

(GS. TSKH. Đại học Quốc gia Hà Nội)

 


 

Bình luận

0/1500

Tuyển tập hay nhất

Tuyển tập hay nhất