Vấn đề phạm trù trong lịch sử triết học
Vấn đề phạm trù trong lịch sử triết học
(sách tham khảo)
4.5
370
Lượt xem
1
Đã bán
Chọn sản phẩm
Sách giấy
Sắp ra mắt
Sách điện tử
(ebook)
Chưa ra mắt
Thông tin xuất bản
NXB
Nhà xuất bản Tri thức
Người dịch:
Năm XB:
2023
Loại sách:
Khổ sách:
16 x 24
Số trang:
512
Quốc gia:
Việt Nam
Ngôn ngữ:
vi
Mã ISBN:
9786043406733
Mã ISBN Điện tử:

ĐÔI ĐIỀU CÙNG BẠN ĐỌC

Người thợ xây lành nghề không thể không am hiểu tận tường các loại vật liệu xây dựng thông dụng và sử dụng thành thạo các đồ nghề, biết cách xây cất ngôi nhà như thế nào. Người thợ mộc giỏi không thể không biết dạng thức và đặc tính từng loại gỗ, có khả năng “dụng mộc” làm cho chúng trở thành các đồ gỗ dân dụng tùy mục đích sáng tạo. Tương tự như vậy, họa sĩ giỏi biết cách pha chế màu, hiểu công dụng của chúng trong nghề vẽ, dùng các mảng màu sáng tối, đậm nhạt phản ánh thực tại, bối cảnh, thời gian, tâm trạng nhân vật. 

Xét về phương diện nghề nghiệp, nhà khoa học cũng giống như những người thợ, cần phải hiểu tận tường các khái niệm, phạm trù, định lý, công thức, nguyên lý, quy luật, phương pháp, v.v. để xây nên “công trình khoa học”, thao tác chúng, làm sao đó để tác phẩm đó vừa trở nên bền vững, vừa có thể vận động theo sự biến đổi thời cuộc. Có như vậy mới tránh được những thái độ cực đoan như chủ nghĩa hư vô, chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa giáo điều, thuật ngụy biện trong nghiên cứu, sáng tạo. Sự so sánh như trên tuy khập khiễng nhưng nói lên vấn đề cốt yếu: Nghiên cứu học thuật cũng như mọi hoạt động nghề nghiệp khác, nhà khoa học có tâm huyết phải am hiểu “nguyên vật liệu”, sử dụng thành thạo mọi thứ “đồ nghề” và phương pháp xây dựng giả thiết khoa học, cách chứng minh, lập luận bảo vệ giả thiết đó trước sự bình phẩm của dư luận xã hội. 

Với tư cách là một khoa học, triết học có một hệ thống khái niệm, phạm trù. Từ những phạm trù chung, trừu tượng, bao quát như Atman, Brahman (triết học Ấn Độ) Đạo, Tâm, Lý, Khí (triết học Trung Quốc) Vật chất, Thực thể (triết học phương Tây) đến những phạm trù trung giới (thuộc tính cơ bản của các phạm trù chung) như Vận động, Chất, Lượng, Mâu thuẫn, v.v. và những phạm trù mang tính cụ thể hơn (công cụ dùng để giải mã sự vật, sự việc) như Cái riêng, Cái chung, Nguyên nhân, Kết quả, Tất yếu, Ngẫu nhiên, v.v. Do vậy, những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy triết học không thể không am hiểu cả về “thể và dụng” của những phạm trù như vậy. Bởi vì, phạm trù đóng vai trò quan trọng trong nhận thức thế giới và xây dựng giả thuyết khoa học, chúng là những từ khóa (keywords) hay những khái niệm công cụ giúp con người mở cánh cửa bước vào thế giới học thuật. 

Một nhà chuyên môn giỏi trước hết phải là một người am hiểu sâu sắc, toàn diện các phạm trù chuyên ngành khoa học mình nghiên cứu. Nếu hiểu sai, hiểu lệch nội hàm và không bao quát hết ngoại diên các khái niệm, phạm trù, sẽ hành nghề thiếu chuẩn xác. Sinh thời, Tôn Trung Sơn - một bác sĩ Tây học Trung Quốc, sau chuyển sang hoạt động chính trị và trở thành thủ lĩnh của cách mạng Tân Hợi (1911) có lý thuyết: “Tri nan, hành dị” (biết khó, làm dễ), với hàm ý có nhận thức đúng thì mới hành động đúng. Thật ra, ý kiến này đã có trong triết học của Francis Bacon khi triết gia này đề cao vai trò của phương pháp, theo ông, người thọt mà đi đúng đường thì đến đích nhanh hơn so với người chạy nhanh nhưng lại sai đường. Ông cũng lưu ý, để nhận thức đúng thì chủ thể cần loại bỏ các “Idol” (ngẫu tượng) hay những “bóng ma” ám ảnh trí tuệ, cản trở nhận thức con người trên con đường truy tìm chân lý.

Vai trò của phạm trù là giúp chúng ta hiểu đúng bản chất vấn đề đang quan tâm. Do vậy, làm chủ phạm trù là có trong tay “cây đũa thần kỳ” tiếp cận chân lý một cách nhanh, an toàn và hiệu quả. Xuất phát từ ý tưởng như vậy, chúng tôi biên soạn cuốn Vấn đề phạm trù trong lịch sử triết học với mục đích cung cấp một số tư liệu xoay quanh vấn đề phạm trù triết học từ thời cổ đại đến cận hiện đại. Sách chia thành 5 chương mang tính kết nối trên nguyên tắc thống nhất giữa logic và lịch sử. Tùy thuộc vào nội dung của từng hệ thống triết học nên giữa các chương có thể không cân đối về số trang và mức độ trình bày nông, sâu.

Chương 1 “Vấn đề phạm trù trong triết học phương Đông cổ đại”, trình bày nội dung một số phạm trù đơn và phạm trù đôi (cặp phạm trù) cơ bản trong triết học Ấn Độ và Trung Quốc cổ - trung đại. Đây là hai nền triết học xuất hiện sớm, đan xen với tôn giáo nên tư tưởng triết học tiềm ẩn những hàm ý sâu xa, cần phải am hiểu sâu hệ thống phạm trù thì mới nắm bắt được nội dung và đối tượng phản ánh. Các phạm trù trong hai hệ thống triết học này tương đối trừu tượng, đôi khi hơi mông lung, mơ hồ, thoát ly hiện thực nên xác định đúng nội hàm và định vị chính xác ngoại diên các phạm trù là một điều khá nan giải, cần sự định hướng của người có chuyên môn. 

Chương 2 “Phạm trù trong triết học Hy Lạp cổ đại”, giới thiệu phạm trù “Nước” trong triết học Thales, “Lửa” trong triết học Heraclites và quan niệm về phạm trù trong triết học Aristotle. Trong lịch sử triết học, Aristotle được coi là người đầu tiên bàn đến phạm trù một cách khoa học, ông có một tác phẩm chuyên bàn về phạm trù. Các triết gia hậu thế khi nói về phạm trù bao giờ cũng phải căn cứ trên ý kiến của bậc tiền bối này, lấy đó làm cơ sở lý luận và phương pháp luận nghiên cứu.

Chương 3 “Phạm trù trong triết học cận đại”, chủ yếu trình bày quan niệm của Chủ nghĩa kinh nghiệm và Chủ nghĩa duy lý về mối quan hệ giữa hiện thực khách quan và phạm trù, phân tích một số phạm trù cụ thể như Bản thể, Vật chất, Tự do và tất yếu, Nguyên nhân và kết quả, trong đó phạm trù bản thể được đặt lên vị trí hàng đầu, vì đây là phạm trù “mẹ” có tính bao quát, cơ bản và đặc trưng của triết học giai đoạn này. Do nguồn tài liệu còn khan hiếm nên tác giả chưa trình bày bao quát được quan điểm của tất cả các triết gia về phạm trù, vậy nên việc xác định nội hàm các phạm trù cơ bản còn có phần sơ lược. 

Trong chương 4 “Phạm trù trong triết học cổ điển Đức” tập trung khai thác quan niệm của I. Kant và Hegel về phạm trù, bỏ qua các triết gia khác như Shelling, Feuerbach. Theo chúng tôi, Kant và Hegel là hai triết gia đóng vai trò quan trọng trong lý luận về phạm trù, mặc dù trong đó còn chứa đựng nhiều yếu tố duy tâm cần phải lọc bỏ theo tinh thần biện chứng duy vật. Đối với hai triết gia này, tác giả cũng chỉ mới khai thác vấn đề dựa trên tác phẩm Phê phán lý tính thuần túy (Kant) và Khoa học logic (Hegel), mà chưa có dịp đọc sâu các tác phẩm khác.

Chương 5 “Phạm trù trong triết học Mác-Lênin”, trình bày các nguyên tắc xây dựng phạm trù theo quan niệm của các nhà kinh điển và đi sâu phân tích 10 cặp phạm trù cơ bản của phép biện chứng duy vật. Những cặp phạm trù này đã được bàn luận trong lịch sử triết học trước đó dưới nhiều góc độ khác nhau, nhưng vấn đề ở đây là các nhà kinh điển Mác-Lênin đã hiểu phạm trù theo tinh thần duy vật biện chứng.

Một chủ đề lớn như vấn đề phạm trù trong lịch sử triết học mà được biên soạn trong hoàn cảnh “đơn thương độc mã” và thiếu nguồn tài liệu tham khảo nên khó tránh khỏi hạn chế, mong bạn đọc gần xa rộng lòng thông cảm. Mọi thông tin phản hồi xin gửi về theo địa chỉ: sulv@hanu.edu.vn.

TÁC GIẢ: 

PGS. TS. Lê Công Sự sinh năm 1959 tại Kỳ Phương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Tốt nghiệp phân khoa Vô thần, khoa Triết học, Đại học Leningrad, Liên bang Nga (1985). Thạc sĩ Triết học (1996), Tiến sĩ Triết học (2004), PGS (2014). Chủ nhiệm bộ môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, Đại học Hà Nội (2020 - 2020).

Các sách đã xuất bản:

Triết học cổ điển Đức, Nxb Thế giới, 2006

Học thuyết phạm trù trong triết học Kant, Nxb Chính trị  quốc gia - Sự thật, 2009

Ngôn ngữ và văn hóa, Nxb Văn học, 2012

Con người qua lăng kính triết gia, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2012

Triết học cổ đại, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2014

Khát vọng Chân - Thiện - Mỹ, Nxb Tri thức, 2017

Tôn giáo nhìn từ nhiều phía, Nxb Tôn giáo, 2020

Triết học Hy Lạp, La Mã cổ đại, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2020

 

 

Bình luận

0/1500

Tuyển tập hay nhất

Tuyển tập hay nhất