Hotline:
024 3944 7279Trong lịch sử xã hội học Pháp và phương Tây thế kỷ XX, Pierre Bourdieu (1930-2002) nhà xã hội học người Pháp đã có đóng góp quan trọng không chỉ bởi sự nghiệp nghiên cứu đồ sộ của ông, cũng như bởi các nghiên cứu đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của ông, mà còn bởi các khái niệm và phương pháp do ông đưa ra đã tham gia vào việc đổi mới tư duy xã hội học phương Tây vào nửa sau thế kỷ XX. Cho đến nay ở Pháp, các cuộc tranh luận về Bourdieu và phương pháp của ông vẫn còn rất sôi nổi.
Pierre Bourdieu – nghiên cứu xã hội học và hoạt động xã hội
Nói đến Pierre Bourdieu trước hết phải nói đến vai trò của ông đối với khoa học xã hội Pháp nói riêng, đời sống văn hóa nói chung và rộng hơn là xã hội Pháp. Vốn là cựu sinh viên Trường Đại học Sư phạm phố d'Ulm ở Paris (một trong những Trường Lớn nổi tiếng nhất ở Pháp), từ 1982 đến 2001 là Giáo sư xã hội học ở viện Collège de France (nơi tập trung những tài năng lớn nhất của Pháp), từ 1985 đến 1998 là Giám đốc Trung tâm Xã hội học châu Âu thuộc Collège de France và Trường Cao học khoa học xã hội, từ 1975 đến 2002 là người sáng lập và chủ biên tạp chí Kỷ yếu nghiên cứu khoa học xã hội (Actes de la Recherches en Sciences Sociales), Pierre Bourdieu tập trung một loạt các điều kiện để có thể được coi là một trong những trí thức hàng đầu của Pháp vào nửa cuối thế kỷ XX. Sự nghiệp nghiên cứu của ông đồ sộ với hơn 30 tác phẩm và hàng trăm bài tạp chí với các đối tượng nghiên cứu phong phú từ xã hội truyền thống Kabylie cho đến nhà trường và hệ thống đại học, nghệ thuật và khoa học xã hội, cũng như kinh tế và phương tiện truyền thông đại chúng. Các nghiên cứu liên quan đến Pierre Bourdieu cũng rất phong phú - từ các bài điểm sách và tranh luận về các luận điểm lý thuyết cũng như hoạt động khoa học và xã hội của ông (ví dụ Từ điển Pierre Bourdieu xuất bản tháng 2. 2007[1]), cho đến các luận án tiến sĩ do ông hướng dẫn, các nghiên cứu sử dụng các khái niệm do ông đưa ra, các tọa đàm, xêmina, hội thảo (ví dụ hội thảo Biểu tượng và xã hội. Tiếp nhận nghiên cứu của Bourdieu trên thế giới, năm 2001[2]) v.v… Quỹ “Pierre Bourdieu - Vì khoa học xã hội châu Âu” (thành lập năm 2003 và có trụ sở tại Genève) có mục đích phổ biến tài sản tinh thần của nhà xã hội học này, cũng như tập hợp các nhà nghiên cứu trong một mạng khoa học (mang tên Liber) với nhiệm vụ phát triển khoa học xã hội và các nghiên cứu liên ngành ở châu Âu và trên thế giới. Tất cả những điều đó phần nào cho thấy vai trò và ảnh hưởng của Bourdieu ở Pháp và châu Âu cũng như trên thế giới. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin trình bày sơ qua một số điểm về quá trình nghiên cứu của Bourdieu trực tiếp liên quan tới vấn đề được bàn tới ở đây.
Sau khi thi lấy bằng thạc sĩ triết học, trong thời gian giảng dạy triết học (1958-1960) tại Khoa văn Alger, Bourdieu bắt đầu nghiên cứu dân tộc học và xã hội học Algérie. Trên cơ sở các nghiên cứu thực địa, ông đi đến phê bình chủ nghĩa cấu trúc của Lévi-Strauss. Đặc biệt, khi nghiên cứu vấn đề dòng họ ở Algérie, ông thấy thực tế không phù hợp với mô hình do chủ nghĩa cấu trúc đưa ra.
Trong lịch sử xã hội học phương Tây, Bourdieu có đóng góp quan trọng bằng việc tiếp thu và tổng hợp các lý thuyết của Marx, Durkheim và Weber. Ông đã kế thừa ở Karl Marx cái nhìn toàn thể về xã hội dưới góc độ tương quan lực lượng và khái niệm vốn (“capital”, trong hệ thống khái niệm của Marx là “tư bản”), không chỉ trong kinh tế, mà còn trong các hoạt động xã hội khác. Ông đã tiếp thu ở Emile Durkheim tham vọng đưa khoa học xã hội trở thành một khoa học thực sự, bằng những phương pháp thực chứng. Cuối cùng, trong tác phẩm của Max Weber, ông kế thừa ý tưởng về tầm quan trọng của các biểu tượng trong đời sống xã hội và về quá trình chuyên môn hóa trong một số lĩnh vực xã hội. Ngoài ra, với hành trang tri thức được trang bị kỹ càng, Bourdieu cũng tiếp nhận ảnh hưởng của Marcel Mauss, Claude Lévi-Strauss, cũng như của các nhà triết học như Maurice Merleau-Ponty và hiện tượng học của Husserl. Có thể nói rằng nghiên cứu của Bourdieu được xây dựng trên cơ sở mong muốn vượt lên những cặp đối lập cổ điển trong khoa học xã hội, ví dụ như chủ quan/khách quan, vi mô/vĩ mô, tự do/thuyết quyết định v.v…[3].
Song song với nghiên cứu khoa học, Bourdieu cũng là một trí thức luôn quan tâm đến các vấn đề của thời đại của mình theo truyền thống “dấn thân” của trí thức Pháp. Đặc biệt từ những năm 1990, ông đã phát biểu trước công luận về nhiều vấn đề thời sự nóng bỏng. Cuốn sách Thế giới khốn khổ (1993)[4] tố cáo mô hình tư bản chủ nghĩa đang ngự trị trên thế giới được đông đảo người đọc hưởng ứng. Nhưng chính các hoạt động xã hội này của Pierre Bourdieu lại cũng là cái cớ cho những tiếng nói phê bình tác phẩm của ông về cơ sở khoa học cũng như về mặt đạo đức nghề nghiệp. Tạp chí Đọc có hồ sơ về Vụ Bourdieu chia rẽ giới trí thức (1998)[5], và thư mục Bourdieu trên trang web của Trường Khoa học chính trị Paris có tựa đề Pierre Bourdieu: một Sartre mới hay là nhà xã hội học “khủng bố” ?[6]. Theo hay chống Bourdieu đã và vẫn đang là đề tài tranh luận trong giới trí thức và học thuật Pháp.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng Pierre Bourdieu hoàn toàn không tự coi mình là một “chuyên gia” có thể trả lời mọi câu hỏi do xã hội đặt ra như một nhà tiên tri kiểu mới. Ngược lại, ông rất có ý thức về những giới hạn của nghiên cứu xã hội học nói riêng, và của khoa học xã hội nói chung, bởi chính nhà nghiên cứu cũng là một sản phẩm của xã hội và thời đại mình. Ông ấp ủ một dự án lớn với mục đích nghiên cứu về các khoa học xã hội (các kiến thức về xã hội và con người được hình thành trong những bối cảnh như thế nào ? có cống hiến gì và có giới hạn gì ?), đồng thời luôn động viên các nhà nghiên cứu phải có cái nhìn phê phán đối với chính mình và công việc nghiên cứu của mình nhằm đạt tới độ khách quan cao nhất. Bản thảo chưa hoàn thành mang tên Tự phân tích và tác phẩm tập thể tưởng niệm Bourdieu mang tên Vì một lịch sử các khoa học xã hội. Tưởng nhớ Pierre Bourdieu (2004)[7] là những minh họa cụ thể cho ý tưởng đó.
Một phần đáng kể tác phẩm của Pierre Bourdieu thuộc về xã hội học văn hóa, nói chính xác hơn là nghiên cứu các hành vi có tính biểu tượng. Đối tượng nghiên cứu có thể là sinh viên, các hoạt động nghệ thuật, hệ thống trường Tổng hợp, hoặc công chúng đến thăm các bảo tàng, nhưng ông luôn quan tâm tìm hiểu các hành vi văn hóa từ các góc độ khác nhau. Sự quan tâm đặc biệt tới các hành vi có tính biểu tượng này bắt nguồn từ linh cảm từ ngay từ những nghiên cứu đầu tiên về tính chất phức tạp và nhiều chiều của quan hệ xã hội. Trong các nghiên cứu về văn hóa truyền thống vùng Kabylie (Algerie) từ những năm 1960, ông đã chỉ ra rằng các hoạt động lễ nghi và tôn giáo của người Kabylie có hiệu quả xã hội thực sự và đóng vai trò quan trọng không kém các hoạt động kinh tế trong việc bảo tồn xã hội. Như vậy quan hệ giai cấp không chỉ đơn thuần là quan hệ kinh tế, mà đồng thời là tương quan lực lượng / quan hệ về lực và quan hệ về nghĩa.
Trong sự nghiệp của Bourdieu, mảng nghiên cứu về hệ thống giáo dục Pháp và các tác nhân trong hệ thống này mang lại nhiều kết quả nhất. Từ năm 1964, Bourdieu công bố một loạt các nghiên cứu cá nhân và tập thể, trong đó nổi bật là các tác phẩm Những người được thừa kế: giới sinh viên và văn hóa (1964) và Quá trình tái sinh sản: đóng góp vào lý thuyết hệ thống giáo dục (1970). Trong loạt bài nghiên cứu này, Pierre Bourdieu đưa ra giả thuyết và chứng minh bằng các nghiên cứu thực địa rằng có một sự bất bình đẳng lớn giữa các tầng lớp xã hội ở Pháp, bởi sự chênh lệch về vốn văn hóa được thừa kế từ các thế hệ trước tùy theo nguồn gốc gia đình. Ông cho thấy nhà trường - trong một thời gian dài tại Pháp, vốn được coi là nơi đem lại cho mọi công dân tương lai một cách bình đẳng các kiến thức cần thiết cho cuộc đời - thật ra lại là một nơi “tái sản xuất” các bất bình đẳng xã hội và văn hóa. Thực tế là con cái các gia đình có trình độ văn hóa cao hơn thường có kết quả học tập tốt hơn và do đó có nhiều cơ hội thành đạt trong cuộc đời hơn con cái các gia đình tầng lớp thấp. Như vậy, nhà trường không hẳn là nơi đem lại kiến thức giúp cho mọi người trở nên bình đẳng trong xã hội. Đặc biệt, sự cạnh tranh gay gắt trong xã hội dẫn tới tình trạng hệ thống giáo dục Pháp phát triển theo hướng “lạm phát” bằng cấp. Nói tóm lại, muốn đạt tới lý tưởng bình đẳng giữa các công dân trong xã hội, cần cải tổ triệt để hệ thống giáo dục các cấp. Thay mặt các giáo sư Viện Collège de France, Bourdieu đã đệ trình các đề nghị cụ thể này lên Tổng thống Pháp trong báo cáo Các đề nghị vì một nền giáo dục hướng tới tương lai[8].
Không phải ngẫu nhiên mà Bourdieu đặc biệt quan tâm đến giới trí thức, đặc biệt là với tư cách là những người tham gia vào việc hình thành và truyền bá các khái niệm, cũng như tham gia vào việc sản xuất tư tưởng hệ chính thống. Trong các nghiên cứu của ông giới trí thức được nghiên cứu trong một trường đặc biệt có lôgic riêng, đó là trường trí thức, nhưng đồng thời có liên hệ mật thiết với các trường khác, trong đó có trường chính trị và trường quyền lực. Có thể thấy điều đó qua các tác phẩm chính như: Con người hàn lâm (1984) và Giới quý tộc của nhà nước cộng hòa: các Trường Lớn và ý thức của sinh viên Trường Lớn (1989).
Các nghiên cứu của Bourdieu về ngôn ngữ và ngôn từ cũng cần được tìm hiểu trong cùng một mạch nghiên cứu như các tác phẩm ở trên. Đối với Bourdieu, ngôn từ là kênh truyền tải văn hóa và thế giới quan của người nói. Thông qua việc giảng dạy một thứ ngôn ngữ được các thể chế chính trị và văn hóa cho phép, nhà trường tham gia tích cực vào việc “tái sản xuất” các giá trị của giới cầm quyền và áp đặt thế giới quan chính thống cho các công dân tương lai. Nói và viết đúng ngữ pháp theo chuẩn mực do các tầng lớp trên trong xã hội đặt ra như vậy không đơn thuần là việc của thầy và trò. Các nghiên cứu chính trong lĩnh vực này gồm có: Nói có nghĩa là: kinh tế các hoạt động trao đổi ngôn ngữ (1982) và Ngôn ngữ và quyền lực tượng trưng (2001).
Một lĩnh vực khác được Boudieu đặc biệt quan tâm là văn hóa và các hoạt động văn hóa như nhiếp ảnh, bảo tàng v.v… Trong khi nghiên cứu mảng này ông cũng tập trung tìm hiểu vấn đề cảm thụ nghệ thuật từ góc độ xã hội: nghệ thuật thật ra cũng là nơi biểu hiện một cách tập trung các bất bình đẳng trong xã hội, bởi có hay không có “gu” thẩm mỹ không phải là một cái gì đó tự nhiên, thiên bẩm, mà đó là một sự giáo dục xã hội. Trong xã hội hiện đại, việc tiếp xúc với văn hóa và nghệ thuật không phải là đương nhiên đối với mọi tầng lớp xã hội. Các nghiên cứu thực địa về công chúng đến xem bảo tàng nghệ thuật cho thấy rằng phần lớn họ thuộc về các tầng lớp xã hội có đủ “vốn văn hóa” để tiếp xúc với nội dung trưng bày. Các nghiên cứu chính của Bourdieu và cộng sự về vấn đề này là: Một môn nghệ thuật trung bình: tìm hiểu về việc sử dụng xã hội của nhiếp ảnh (1965), Tình yêu nghệ thuật: bảo tàng và công chúng (1966), Tao nhã: phê bình xã hội về nhận định (1979), Về truyền hình và Quyền lực của báo chí (1996).
Trong lĩnh vực nghiên cứu nghệ thuật, các tác phẩm của Bourdieu đôi khi được so sánh một cách đối lập với các nghiên cứu của nhà xã hội học người Mỹ Howard S. Becker, tác giả của Các thế giới nghệ thuật (1982)[9]. Becker tiếp cận nghệ thuật như một công việc, một sản phẩm được thực hiện bởi nhiều người có cùng mục đích là xây dựng tác phẩm nghệ thuật (nghệ sĩ, người phát hành, người thưởng thức, người bán các nhạc cụ và vật phẩm cần thiết v.v…). Ông không quan tâm đến bản thân tác phẩm, cũng như tác giả, và không đưa ra các nhận xét thẩm mỹ. Đối tượng của ông là “những hình thức hợp tác được thực hiện bằng những người tham gia xây dựng tác phẩm”. Như vậy nếu Bourdieu tìm hiểu các quan hệ xã hội dưới góc độ thống trị thì Becker quan tâm tới các quan hệ này từ góc độ hợp tác: xã hội hoạt động được là nhờ có sự hợp tác và thương lượng giữa các cá nhân. Theo chúng tôi, hai phương pháp này không nằm trong thế đối lập, mà có thể bổ sung cho nhau về góc độ tiếp cận và cấp độ phân tích: Becker muốn tìm hiểu các điều kiện cho phép một tác phẩm nghệ thuật có thể được chào đời, còn Bourdieu đặt vấn đề là các tác giả đề ra chiến lược gì để có thể đạt tới vị thế cao và được công nhận trong một trường lực nghệ thuật cụ thể.
Với tư cách là một nhánh trong nghiên cứu văn hóa, xã hội học văn học theo phương pháp của Bourdieu lấy tác phẩm và tác giả văn học làm đối tượng nghiên cứu, không chỉ như một hiện tượng độc đáo và cá biệt, mà như một thành quả của xã hội. Tác phẩm văn học được coi là một “sản phẩm văn hóa” được hình thành trong một tổng thể các điều kiện rất khác nhau nhưng đều có liên quan đến nhau, và ngay cả những yếu tố tưởng như chỉ đơn thuần nghệ thuật (như một số cách tân về hình thức) thật ra cũng chịu ảnh hưởng của các yếu tố xã hội và kinh tế. Như vậy dưới góc nhìn của Bourdieu, tác phẩm văn học thật ra không được coi là phương tiện để nghiên cứu xã hội (mặc dù trong Quy tắc của nghệ thuật Bourdieu dành 70 trang cho việc phân tích tiểu thuyết Giáo dục tình cảm như một tài liệu về thời đại của tác giả Flaubert), mà chính bản thân nó là một sản phẩm xã hội cần được nghiên cứu trong hoản cảnh lịch sử khi nó ra đời và khi nó được tiếp nhận, cũng như trong mối tương quan với các tác phẩm khác cùng thời đại.
Trong hệ thống lý thuyết của Bourdieu, trường (champ) là khái niệm được phổ cập nhất. Với khái niệm này, thực tế xã hội có thể được hình dung dưới dạng các trường vừa có quy luật hoạt động riêng, vừa chịu ảnh hưởng qua lại với nhau. Không gian xã hội có thể được hình dung như tổng thể các trường xã hội đa dạng như trường quyền lực, trường kinh tế, trường văn hóa, trường trí thức, trường nghệ thuật v.v… Sau đây xin giới thiệu khái niệm trường và một số khái niệm liên quan[10].
[1] Jean-Philippe Cazier, Từ điển Pierre Bourdieu, Paris, Nxb Sils Maria – Nxb Vrin, 2007, 222 trang.
[2] Thư mục Bourdieu trên thế giới http://hyperbourdieu.jku.at/
[3] Xem Pierre Ansart, Các trường phái xã hội học đương đại, Paris, Seuil, 1990.
[4] Pierre Bourdieu, La misère du monde, Paris, Seuil, 1993, 947 trang.
[5] "L'Affaire Bourdieu divise les intellectuels", trong Lire, 10.1998
[6] "Pierre Bourdieu – un nouveau Sartre ou sociologue "terroriste" ?"
[7] Johan Heilbron, Remi Lenoir, Gisèle Sapiro (Chủ biên), Pour une histoire des sciences sociales. Hommage à Pierre Bourdieu, Paris, Fayard, 2004, 397 trang.
[8] « Propositions pour l'enseignement de l'avenir », in trong Le monde de l'éducation, 5.1985, n°116, trang 62-68.
[9] Howard S. Becker, Les mondes de l'art, Paris, Flammarion, 1988. Nguyên bản tiếng Anh Art Words, The University of California Press, 1982.
[10] Văn phong của Pierre Bourdieu không dễ hiểu (thậm chí hoàn toàn khó tiếp cận đối với ngay cả độc giả người Pháp không phải là chuyên gia), bởi theo ông, ngôn ngữ xã hội học cần phải tách rời khỏi ngôn ngữ thông thường bằng cách sử dụng những từ và cách diễn đạt phức tạp và bác học, đó là điều kiện để nhà xã hội học có thể thoát ra khỏi những ý kiến thông thường để tiếp cận đối tượng nghiên cứu một cách khoa học và có phương pháp (NPN).
Tọa đàm giới thiệu sách “Cơ học lượng tử và thuyết tương đối"
kienthuc.net.vn - Cập nhật lúc: 15:03 03/01/2023 Buổi tọa đàm giới thiệu sách "Cơ học lượng tử và thuyết tương đối" diễn ra vào lúc 14h00 ngày 6/1/2023 tại Phòng Paris 2 Viện Pháp (15 Thiền Quang, Hà Nội).
Tọa đàm ra mắt sách mới “Louis Pasteur - Gregor Mendel & Cuộc cách mạng Sinh học, Y khoa”
Theo tác giả Phạm Việt Hưng, tấm gương của Louis Pasteur và Gregor Mendel rất đáng để chúng ta học tập. Nếu các bậc phụ huynh muốn tìm gương sáng để con cái noi theo, thì hai nhà khoa học vĩ đại này là lựa chọn xác đáng. Louis Pasteur: thiên tài với tấm lòng thiện lương và Gregor Mendel: thiên tài với nghị lực phi thường. Liệu có phải vì vậy mà tạo hóa mới hé lộ một phần những bí mật huyền diệu về bản chất của sự sống cho hai người? Những khám phá hệ trọng ấy có đủ cơ sở để khẳng định những lỗ hổng trong Thuyết tiến hóa của Darwin, thậm chí xa hơn, là chứng minh Thuyết tiến hóa đã mắc phải những sai lầm đáng kể? Để giúp các khán giả tham dự hình dung được tầm vóc vĩ đại của nhà khoa học Louis Pasteur (27/12/1822 - 28/09/1895), tác giả Phạm Việt Hưng đã nhắc nhở về bóng đen của dịch bệnh Covid và sự kháng ngừa kịp thời của vắc-xin phòng bệnh. Người được coi là cha đẻ của khoa học về vắc-xin và miễn nhiễm học chính là Louis Pasteur. Đóng góp của Louis Paster cho nền y học thế giới không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu phát triển các loại vắc-xin mà còn ở hoạt động thanh trùng góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong sau hậu phẫu. Vào thế kỷ 19, trước khi Louis Pasteur nêu lên Lý thuyết Mầm bệnh thì có đến 85% bệnh nhân hậu phẫu tử vong vì nhiễm trùng. Tác giả Phạm Việt Hưng cũng nhắc lại hai Định luật nổi tiếng của thiên tài này là: Định luật Pasteur về tính bất đối xứng của sự sống (1984) và Định luật Tạo Sinh (1861). Vì vậy Louis Pasteur hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu “Ân nhân của nhân loại” và tác giả Phạm Việt Hưng đã mạnh mẽ cảnh tỉnh công chúng không có quyền “quên lịch sử” về vị đại ân nhân này. Danh nhân thứ hai được nhắc tới trong buổi tọa đàm là Gregor Mendel (20/07/1822 - 06/01/1884). Ông là người đặt nền móng cho Di truyền học hiện đại (ngày nay được biết tới là các Định luật Mendel về Di truyền). Bằng sự tận tụy kiên trì, Mendel đã thí nghiệm lai tạo cây trồng, chủ yếu là cây đậu Hà Lan, kéo dài suốt 8 năm (1856 – 1863) trên khoảng 37.000 cây, tiến hành lai 7 cặp tính trạng thuộc 22 giống đậu, phân tích trên một vạn cây lai và khoảng 300.000 hạt. Kết quả là ông đã để lại cho sinh học một kho tàng vô giá: Quy luật chính xác của sự di truyền. Dựa vào công trình Mendel để lại, nhân loại đã khám phá ra các gene – những đoạn của DNA, phân tử vật chất chứa đựng thông tin di truyền. Theo tác giả Phạm Việt Hưng, tấm gương của Louis Pasteur và Gregor Mendel rất đáng để chúng ta học tập. Nếu các bậc phụ huynh muốn tìm gương sáng để con cái noi theo, thì hai nhà khoa học vĩ đại này là lựa chọn xác đáng. Louis Pasteur: thiên tài với tấm lòng thiện lương và Gregor Mendel: thiên tài với nghị lực phi thường. Liệu có phải vì vậy mà tạo hóa mới hé lộ một phần những bí mật huyền diệu về bản chất của sự sống cho hai người? Những khám phá hệ trọng ấy có đủ cơ sở để khẳng định những lỗ hổng trong Thuyết tiến hóa của Darwin, thậm chí xa hơn, là chứng minh Thuyết tiến hóa đã mắc phải những sai lầm đáng kể? Câu trả lời xin để các bạn độc giả tự kiếm tìm trong tác phẩm “Louis Pasteur - Gregor Mendel & Cuộc cách mạng Sinh học, Y khoa”. Về tác giả Phạm Việt Hưng là nhà nghiên cứu, giảng dạy Toán cao cấp, Cơ học lý thuyết, Toán kinh tế, ký giả khoa học từng cộng tác với các tạp chí SIGNS of the Times (Úc), Vietsciences (Pháp), Tia Sáng, Khoa học & Đời sống, Khoa học & Tổ quốc, đồng thời là dịch giả và tác giả của nhiều cuốn sách. Một số tác phẩm: - Dịch giả cuốn Câu chuyện về phương trình thâu tóm cả vũ trụ (Nxb Trẻ, 2004) - Đồng dịch giả cuốn Định lý cuối cùng của Fermat (Nxb Trẻ, 2005) - Dịch giả cuốn Từ xác định đến bất định (Nxb Tri Thức, 2011) - Tác giả cuốn Những câu chuyện khoa học hiện đại, (Nxb Trẻ, 2004) - Tác giả bài Câu chuyện Hạt của Chúa đã kết thúc? trong Kỷ yếu Hạt Higgs (Nxb Tri Thức, 2004) - Tác giả cuốn Định lý Gödel – Nền tảng của khoa học nhận thức hiện đại (Nxb Tri thức, 2019 và 2022). (Theo Nguyễn Phú Hoàng Nam - Vì trẻ em https://vitreem.baodansinh.vn/toa-dam-ra-mat-sach-louis-pasteur-gregor-mendel-cuoc-cach-mang-sinh-hoc-y-khoa-20221225210858.htm?fbclid=IwAR3Aq2rlQn-AHRwu44Ekr49SdbtmtuGsd9t6qEY87kwh0kwgh_kZEaQxxtQ
TỌA ĐÀM RA MẮT SÁCH Louis Pasteur - Gregor Mendel & Cuộc cách mạng Sinh học, Y khoa (Kỷ niệm 200 năm ngày sinh 1822- 2022)
Louis Pasteur và Mendel là hai nhà khoa học lừng danh của nhân loại, những công trình và phát hiện của các ông đã mở ra những chương mới trong nghiên cứu sinh học, y khoa, và chăm sóc sức khỏe con người và những ngành khác. Nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Louis Pasteur và Gregor Mendel, Nhà xuất bản Tri Thức tổ chức tọa đàm Ra mắt cuốn sách: “Louis Pasteur - Gregor Mendel và Cuộc cách mạng Sinh học - Y khoa” Tác giả: Phạm Việt Hưng Thời gian: 14h00 thứ Sáu ngày 23/12/2022 Địa điểm: Hội trường tầng 4, Toà nhà VUSTA - 53 Nguyễn Du, Hà Nội