Hotline:
02466878415
Hội thảo "Sách - Con đường tri thức" đã nêu được tầm quan trọng của sách cũng như đặt ra các thách thức của việc đọc sách trong thời đại mới.
Sáng 20/4, hội thảo "Sách - Con đường tri thức" diễn ra tại trụ sở của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), 53 Nguyễn Du, Hà Nội. Chương trình được chủ trì bởi PGS.TS. Phạm Quang Thao - Phó chủ tịch VUSTA, GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn - nguyên Viện trưởng Viện Triết học, bà Phạm Thị Bích Hồng - Giám đốc NXB Tri Thức.
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông; TS Phạm Văn Chung, cựu giảng viên Triết học thuộc khoa Triết học Đại học KHXH&NV Hà Nội; cùng nhiều khách mời, lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan đến tham dự chương trình.
Mở đầu hội thảo, ông Phạm Quang Thao, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu chào mừng ngày Sách Việt Nam 21/4.
TS. Phạm Văn Chung, cựu giảng viên Triết học thuộc khoa Triết học Đại học KHXH&NV Hà Nội, trình bày tham luận "Đọc sách là phương thức tất yếu để làm giàu và phát triển đời sống tinh thần".
Trong tham luận của mình, TS. Phạm Văn Chung tập trung vào ba phần chính: "Tinh thần và văn hóa", "Sách là gì và tại sao phải đọc sách?" và "Đọc sách như thế nào?".
Ông Chung nhận định chỉ có văn hóa mới là cái thực sự đặc trưng cho con người. Vì chỉ có văn hóa mới phân biệt rõ ràng sự khác biệt giữa tồn tại nhân loại và các tồn tại tự nhiên. Trong đó, chính ý thức và đời sống tinh thần là yếu tố then chốt giúp cho con người tạo nên văn hóa.
Vì vậy, càng làm giàu và phát triển không ngừng đời sống tinh thần của mình, đặc biệt là tri thức, con người càng khẳng định được ý nghĩa của sự tồn tại. Qua đây, ông Chung nhấn mạnh vai trò, giá trị, tầm quan trọng lớn lao của sách và việc đọc sách trong đời sống hàng ngày.
Tiếp tục chương trình, TSKH. Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) trình bày tham luận "Vai trò của sách khoa học kỹ thuật đối với sự phát triển của kinh tế, xã hội".
Trong tham luận, ông Khải nhấn mạnh vai trò của sách và việc đọc sách, đặc biệt là những tác phẩm về khoa học, kỹ thuật đối với đời sống kinh tế xã hội. Theo ông, muốn đẩy mạnh việc đọc thì cần thúc đẩy hơn nữa các hình thức xuất bản, cả về loại hình in giấy lẫn phát hành điện tử.
Ngoài ra, TSKH. Nghiêm Vũ Khải cho rằng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Luật Xuất bản 2012 cần được sửa đổi để phù hợp hơn với tiến trình phát triển của xã hội.
GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn - nguyên Viện trưởng Viện Triết học phát biểu về những dấu ấn của NXB Tri Thức trong việc góp phần nâng tầm văn đọc ở nước ta hiện nay. Ông cũng là một trong những người xây dựng "Tủ sách tinh hoa thế giới".
Theo đó, dự án "Tủ sách tinh hoa thế giới" mang trong mình sứ mệnh cao cả nhưng nặng nề, được thực hiện dưới sự bảo trợ của quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh nhằm du nhập, phục hưng, khởi phát, giữ gìn và lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa.
Mục tiêu của dự án là dịch ra tiếng Việt và xuất bản khoảng 1.000 tác phẩm có giá trị đặc biệt trong hệ tư tưởng, văn hóa và tri thức của thế giới. Các tác phẩm trong dự án "Tủ sách tinh hoa thế giới" góp phần phổ biến tri thức cho cả giới học thuật lẫn đông đảo độc giả quan tâm, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay.
Bên cạnh "Tủ sách tinh hoa thế giới", NXB Tri Thức còn có "Tủ sách dẫn nhập", "Tủ sách tri thức mới", "Tủ sách tiểu sử", "Tủ sách Việt Nam đương đại" và nhiều tủ sách đặc sắc khác. Như vậy, với hệ thống các tủ sách đa dạng này, NXB Tri Thức có thể đáp ứng được yêu cầu của nhiều đối tượng độc giả khác nhau, nhất là các bạn sinh viên đang trên bước đường bắt đầu nghiên cứu khoa học.
Cuối buổi hội thảo, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, đã phát biểu một số ý kiến xung quanh các vấn đề về sách, xuất bản và văn hóa đọc.
"Vai trò của sách đã được khẳng định từ rất lâu rồi. Và vì thế, sách chính là công cụ níu giữ, trao truyền trí tuệ của các thế hệ. Điều này có lẽ chỉ có sách mới làm được. Gần đây rất nhiều phương tiện nghe nhìn bước lên sân khấu này. Nhưng rõ ràng, vai trò của sách là chưa thể thay thế và có lẽ là không thể thay thế", ông Nguyễn Nguyên nói.
Cục trưởng Nguyễn Nguyên nói: "Xuất bản và văn hóa đọc có thể coi là hai mặt của một vấn đề. Chỉ khi xuất bản phát triển thì mới có một nền văn hóa đọc phát triển và ngược lại".
Nhìn ra thế giới, một số quốc gia có nền văn hóa đọc phát triển như Mỹ, Nhật hay Trung Quốc đều sở hữu một ngành xuất bản phát triển. Điển hình như Mỹ, quốc gia này có gần 114.000 thư viện, trong đó thư viện công cộng chiếm tới 9.000 cơ sở.
Tại Nhật Bản, có khoảng 33 triệu người đăng ký làm bạn đọc thường xuyên của các thư viện. Và mỗi năm, lượng sách đi qua hệ thống thư viện lên tới 650 triệu bản. Tức là tương đương gần 6 cuốn sách trên đầu người (so với tổng dân số).
Theo ông Nguyễn Nguyên, xuất bản và văn hóa đọc có mối quan hệ gắn kết, hữu cơ, không thể tách rời. Muốn cho ngành xuất bản phát triển, không thể không đầu tư cho câu chuyện về văn hóa đọc.
Điều căn cốt nhất để xuất bản phát triển, văn hóa đọc phát triển chính là làm thế nào để tạo dựng thói quen đọc sách. Bên cạnh đó, thói quen chỉ có thể xây dựng được một cách tốt nhất đối với độ tuổi dưới 16.
Vì vậy để tạo dựng thói quen đọc sách sẽ là câu chuyện giữa ngành xuất bản, văn hóa và giáo dục. Phải tạo được thêm không gian và thời gian cho trẻ em đọc sách. Từ đó, dần biến thói quen đọc sách trở thành sở thích. Chỉ có như vậy, văn hóa đọc mới thực sự phát triển một cách cốt lõi, bền vững.
(Theo Hứa Mộc - Zingnews.vn)
'Talleyrand - Bậc thầy của nền ngoại giao chính trị'
vietnamnet - Thứ tư, 23/10/2024 - 09:00 Cuốn sách “Talleyrand - Bậc thầy của nền ngoại giao chính trị” không chỉ là tài liệu lịch sử giá trị mà còn là bức chân dung sâu sắc về một con người với những mâu thuẫn và chiến lược làm thay đổi lịch sử châu Âu mãi mãi.
“Xã hội diễn cảnh” qua góc nhìn của Guy Debord
{Thời báo Văn học nghệ thuật} - 17-10-2024 04:42 Là tác phẩm nổi tiếng nhất của triết gia Pháp Guy Debord, “Xã hội diễn cảnh” đã góp phần định hình nhiều quan điểm phê phán về xã hội hiện đại và văn hóa đại chúng. Nhân dịp ra mắt cuốn sách Xã hội diễn cảnh, Viện Pháp tại Hà Nội và Nhà xuất bản Tri Thức tổ chức tọa đàm thảo luận về cuốn sách với sự tham gia của các diễn giả: Phạm Xuân Thạch, Phùng Ngọc Kiên, Dương Thắng.
Tọa đàm Giới thiệu sách Xã hội diễn cảnh của Guy Debord
Guy Debord là một hiện tượng kỳ lạ của giới trí thức Pháp nửa sau của thế kỷ 20. Chịu ảnh hưởng sâu đậm của chủ nghĩa Marx, ông thường được xem là thuộc cánh cực tả chủ trương cách mạng triệt để. Xã hội diễn cảnh (xuất bản năm 1967) là tác phẩm nổi tiếng nhất của Guy Debord. Bắt chước lối viết của K. Marx trong cuốn Thesen über Feuerbach (Luận điểm về Feuerbach), tác phẩm bao gồm 221 luận điểm thường độc lập với nhau và được chia thành 9 chương.