Hotline:
02466878415
Berdyaev cho rằng, tinh thần bên trong của tân lịch sử, tinh thần cổ vũ Phục hưng và tiếp tục cổ vũ toàn bộ thời kì Phục hưng, không chỉ riêng có thế kỉ XV và XVI mà còn cả toàn bộ tân lịch sử, tinh thần ấy là chủ nghĩa nhân văn và nó nằm ở cơ sở của toàn bộ thế giới quan mới. Đã khởi đầu một kỉ nguyên mới mang tính nhân văn.
Berdyaev chia Phục hưng thành hai giai đoạn: giai đoạn sơ kì các sáng tạo nghệ thuật còn giữ được mối liên hệ gắn bó với Kitô giáo và giai đoạn sau đó xa rời nhiều hơn với tôn giáo. Xuất hiện chủ nghĩa nhân văn như cơ sở tinh thần của thời kì Tân lịch sử. Ông nhận xét: “Tại buổi bình minh của Thời đại mới đã xảy ra tình trạng phi-tập-trung-hóa, các sức mạnh sáng tạo của con người đã được thả cho tự do. Và đó, một lúc sủi bọt của các sức mạnh sáng tạo ấy đã tạo ra được cái mà chúng ta gọi là Phục hưng, những hệ lụy của nó còn tiếp tục cho đến tận thế kỉ XIX. Toàn bộ Tân lịch sử là thời kì mang tính chất Phục hưng của lịch sử. Thời kì lịch sử ấy đứng dưới dấu hiệu buông thả tự do cho các sức mạnh sáng tạo của con người, phi-tập-trung-hóa về mặt tinh thần, bứt ra khỏi trung tâm tinh thần, phân tầng tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội và văn hóa, là khi tất cả các lĩnh vực văn hóa của con người trở thành tự trị. Khoa học, nghệ thuật, đời sống nhà nước, đời sống kinh tế, toàn bộ tính chất xã hội và toàn bộ văn hóa đều là tự trị. Quá trình phân tầng và tự trị hóa ấy chính là sự việc được gọi là thế tục hóa văn hóa của con người. Thậm chí tôn giáo cũng được thế tục hóa. Nghệ thuật và nhận thức, nhà nước và xã hội trong Thời đại mới đều theo cung cách thế tục hóa. Tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội và văn hóa không còn ràng buộc với nhau và trở thành tự do. Đây là điểm đặc thù đặc trưng cho toàn bộ Tân lịch sử. Quá độ từ lịch sử Trung thế kỉ chuyển sang Tân lịch sử hàm nghĩa một thái độ nào đó quay lưng lại với Thượng Đế và hướng về con người, quay lưng lại với chiều sâu Thượng Đế, với sự tập trung ở bên trong hạt nhân tinh thần và hướng ra bên ngoài, hướng ra thể hiện văn hóa bề ngoài. Thái độ quay lưng lại với chiều sâu tinh thần mà các sức mạnh của con người vốn gắn với nó và ràng buộc với nó từ bên trong, [thái độ ấy] không chỉ là giải phóng các sức mạnh của con người, mà còn là sự dịch chuyển lên bề mặt của đời sống con người, từ chiều sâu chuyển sang vùng phụ cận, dịch chuyển từ văn hóa tôn giáo Trung thế kỉ sang văn hóa thế tục, khi mà trọng tâm được chuyển từ chiều sâu Thượng Đế sang sáng tạo thuần túy con người. Mối gắn kết tinh thần với trung tâm đời sống bắt đầu suy yếu đi mỗi lúc một nhiều hơn. Toàn bộ tân lịch sử là sự việc con người châu Âu đi theo con đường ngày càng rời xa khỏi trung tâm tinh thần, con đường thử thách các sức mạnh sáng tạo của con người”. Berdyaev cho rằng, tinh thần bên trong của tân lịch sử, tinh thần cổ vũ Phục hưng và tiếp tục cổ vũ toàn bộ thời kì Phục hưng, không chỉ riêng có thế kỉ XV và XVI mà còn cả toàn bộ tân lịch sử, tinh thần ấy là chủ nghĩa nhân văn và nó nằm ở cơ sở của toàn bộ thế giới quan mới. Đã khởi đầu một kỉ nguyên mới mang tính nhân văn.
Berdyaev nhận xét về chủ nghĩa nhân văn như sau: “Tôi cho rằng ở ngay trong cơ sở tiên khởi của chủ nghĩa nhân văn đã chứa đựng một mâu thuẫn sâu sắc, mà việc khai mở nó ra là đề tài triết học về tân lịch sử... Mâu thuẫn ấy là gì vậy? Chủ nghĩa nhân văn, theo ý nghĩa của nó và ngay cả theo tên gọi của nó, hàm nghĩa đề cao con người, đặt con người vào trung tâm, một cuộc nổi loạn của con người, sự khẳng định và khai mở con người. Đây là một phương diện của chủ nghĩa nhân văn. Người ta bảo chủ nghĩa nhân văn đã khai mở tính cá biệt của con người, cho phép vận hành đầy đủ, giải phóng nó khỏi tình trạng bị đè nén vốn có trong đời sống Trung thế kỉ, hướng nó đi theo những con đường tự khẳng định và sáng tạo. Tuy nhiên ở trong chủ nghĩa nhân văn còn có cả khởi nguyên đối lập lại trực tiếp...
Chủ nghĩa nhân văn phủ nhận chuyện con người là hình tượng và đồng dạng của Thượng Đế. Trong hình thức chiếm ưu thế của mình, chủ nghĩa nhân văn khẳng định rằng bản chất con người là hình tượng và đồng dạng không phải với bản chất Thần Thánh, mà với bản chất của thế giới, rằng con người là thực thể thiên nhiên, đứa con của thế giới, đứa con của thiên nhiên, được tạo thành bởi tất yếu thiên nhiên, là máu thịt của thế giới thiên nhiên, nên chia sẻ tình trạng hữu hạn của nó cũng như tất cả các bệnh hoạn và các khiếm khuyết của nó, vốn đã được đặt vào trong hiện hữu thiên nhiên. Như vậy, chủ nghĩa nhân văn không phải chỉ có khẳng định tính tự tin quá mức của con người, không phải chỉ có đề cao con người, mà còn hạ nhục con người, vì rằng không còn xem con người là thực thể cao cả, xuất thân từ Thượng Đế nữa, không còn khẳng định quê hương ở-trên-trời của nó và bắt đầu đơn thuần khẳng định quê hương dưới-trần-gian của nó và nguồn gốc dưới-trần-gian của nó. Bằng cách này chủ nghĩa nhân văn đã hạ thấp đẳng cấp của con người. Đã xảy ra tình trạng, ấy là việc tự khẳng định con người không có Thượng Đế, tự khẳng định con người không còn cảm nhận và ý thức được mối gắn kết của mình với bản chất cao cả Thần Thánh và tuyệt đối, với nguồn gốc cao cả ở đời sống của mình, [việc tự khẳng định như thế] đã dẫn đến phá hủy con người. Chủ nghĩa nhân văn đã lật đổ khởi nguyên đề cao con người vốn đã được đặt vào tinh thần Kitô giáo, theo đó con người là hình tượng và đồng dạng của Thượng Đế, là đứa con của Thượng Đế, là thực thể được Thượng Đế nhận làm con. Ý thức Kitô giáo về con người bắt đầu suy yếu. Như vậy, một phép biện chứng tự hủy diệt mình được khai mở ra ở bên trong chủ nghĩa nhân văn... Sự khẳng định mới thoạt nhìn đầy nghịch lí ấy xác nhận thật mạnh mẽ toàn bộ phép biện chứng về con người. Phép biện chứng ấy có nội dung như sau: tự khẳng định của con người dẫn đến tự hủy hoại con người, việc khai mở ra trò chơi tự do của các sức mạnh con người mà không gắn với mục đích cao cả, sẽ dẫn đến tình trạng cạn kiệt các sức mạnh sáng tạo”.
Berdyaev viết tiếp: “Sự bộc lộ ra thật hùng mạnh như thế cái tinh thần chủ nghĩa nhân văn của Tân lịch sử, cũng như của Phục hưng, của Cải cách, của Khai sáng thế kỉ XVIII, chúng ta nhìn thấy được ở chính cuộc cách mạng Pháp Vĩ Đại. Đây là một trong những thời khắc quan trọng ở số phận của thời kì lịch sử mang tính Phục hưng, ở số phận của thái độ tự khẳng định của con người mang tính chất chủ nghĩa nhân văn. Con người tự khẳng định mình theo kiểu chủ nghĩa nhân văn, không tránh khỏi phải đi đến những hành vi như đã diễn ra trong cuộc cách mạng Pháp Vĩ Đại, cuộc thử thách các sức mạnh tự do của con người phải dịch chuyển sang lĩnh vực ấy. Cái chuyện mà vào thời Phục hưng đã diễn ra ở trong khoa học và nghệ thuật, mà vào thời Cải cách đã diễn ra ở trong đời sống tôn giáo, mà vào thời đại Khai sáng đã xảy ra trong lĩnh vực lí trí, [chuyện như thế] phải dịch chuyển cả vào trong hành động xã hội tập thể nữa. Ở trong hành động xã hội tập thể phải bộc lộ ra niềm tin ấy của con người vào chuyện anh ta, như một thực thể thiên nhiên, hoàn toàn tự do và tùy tiện có thể thay đổi xã hội con người, thay đổi tiến trình lịch sử, rằng anh ta, về phương diện này, không bị ràng buộc bởi điều gì, rằng anh ta cần phải tuyên bố và thực hiện quyền của mình và tự do của mình. Cuộc cách mạng đã bước vào con đường ấy và đã thực hiện một trong những thí nghiệm nhân văn vĩ đại nhất. Cách mạng là cuộc thí nghiệm, bằng chính bản thân nó kiểm tra lại các mâu thuẫn bên trong của chủ nghĩa nhân văn, các nhiệm vụ của chủ nghĩa nhân văn và các kết quả của chủ nghĩa nhân văn, là cái chủ nghĩa nhân văn đã tách rời khỏi cơ sở tinh thần. Cuộc cách mạng đã tỏ ra bất lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ của mình, nó đã không thực hiện được các quyền con người và cuộc sống tự do của con người. Cách mạng đã chịu một thất bại vĩ đại. Nó đã chỉ thực hiện được nền chuyên chế bạo hành và tình trạng lăng nhục con người. Nếu như đã có thất bại của Phục hưng, là cuộc trình diễn vĩ đại sự sáng tạo của con người, nhưng bất lực trong việc thực hiện sự hoàn hảo của các hình thức dưới-trần-gian, nếu như đã có thất bại của Cải cách, vốn bị quyến rũ bởi tự do, nhưng bộc lộ ra tình trạng bất lực tôn giáo và trở thành hình thức phủ định chứ không kiến tạo, thì thất bại diễn ra trong cách mạng còn to lớn hơn nữa. Cách mạng đã thất bại và toàn bộ thế kỉ XIX là tình trạng bộc lộ ra thất bại ấy của cách mạng Pháp và khai mở ra tình trạng phản ứng tinh thần, vốn đã xuất hiện vào đầu thế kỉ XIX và diễn ra cho đến tận bây giờ, bộc lộ ra thực chất và ý nghĩa của thất bại ấy. Bằng con đường mà cách mạng đã theo, con người không thể thực hiện được các quyền của mình và tự do của mình, không thể đạt được hạnh phúc. Nếu như vào năm 89 cuộc cách mạng vận động bằng cảm hứng các quyền con người và quyền công dân, cảm hứng tự do, thì vào năm 93 nó đã đi đến chỗ phủ nhận bất cứ quyền nào và bất cứ tự do nào. Cách mạng tự ăn thịt mình, trong khi bộc lộ ra rằng ở trong cơ sở của nó không hề có khởi nguyên nào củng cố quyền con người về mặt bản thể luận. Bộc lộ ra rằng các quyền con người mà quên lãng các quyền của Thượng Đế thì sẽ tiêu hủy bản thân mình chứ không giải phóng con người. Phản ứng tinh thần đã chứng tỏ điều này vào đầu thế kỉ XIX, phản ứng ấy đã đóng góp những ý tưởng sâu sắc nhất làm phong phú suốt thế kỉ này. Thế kỉ XIX phần lớn là phản ứng chống đối lại thế kỉ XVIII và cách mạng”.
Tuy nhiên, Berdyaev cũng không phủ nhận những thành quả của chủ nghĩa nhân văn trong quá trình lịch sử, khi nó giữ được thái độ trung dung, không chống đối lại tôn giáo. Ông nhận xét: “Cũng cần phải chỉ ra rằng, chủ nghĩa nhân văn đạt tới sự phát triển hoàn hảo của nó và đạt tới đỉnh cao của sáng tạo ở con người, khi nó giữ được mình ở vào khoảng giữa tính nhân bản thuần túy, thí dụ như ở trong Phục hưng ở nước Đức, ở trong cá nhân thiên tài Goethe. Đây là biểu lộ cuối cùng của chủ nghĩa nhân văn lí tưởng thuần túy. Herder[1] đã nhìn thấy mục đích cao cả của lịch sử ở trong tính nhân bản. Ông là người theo chủ nghĩa nhân văn chân chính cuối cùng. Đối với Herder con người đứng thẳng lên như thực thể lần đầu tiên được buông ra tự do. Con người là ông vua xét theo tự do của nó. Ở trong chủ nghĩa nhân văn của Herder hình tượng con người vẫn còn gắn với hình tượng của Thượng Đế. Đó là chủ nghĩa nhân văn tôn giáo, thế nhưng tôn giáo của Herder lại toàn bộ nằm trong tính nhân văn. Con người là kẻ trung gian giữa hai thế giới. Con người được tạo ra cho sự bất tử, tính chất vô hạn được đặt vào trong các sức mạnh của con người. Cảm hứng của Herder, cũng như của Lessing, nằm ở công việc giáo dục giống loài con người. Mục đích của con người ở trong bản thân nó, tức là tính nhân văn. Sau Phục hưng Đức của Herder và Goethe, sau những người theo phong trào lãng mạn, chủ nghĩa nhân văn bị biến chất căn bản và mất đi mối gắn kết với thời đại Phục hưng. Thế kỉ XIX khai mở ra những khởi nguyên đối lập ngược hẳn lại. Bắt đầu cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa nhân văn và tình trạng cạn kiệt tinh thần Phục hưng. Những vực thẳm đối nghịch hẳn lại được khai mở ra”.
Berdyaev cho rằng tình trạng cạn kiệt năng lượng sáng tạo của Phục hưng và Tân lịch sử gắn với những biến đổi quan trọng trong mối quan hệ tinh thần của con người với thiên nhiên. Thời Cổ đại tinh thần con người đắm chìm vào thiên nhiên tự phát và hòa hợp hữu cơ với thiên nhiên. Giai đoạn tiếp theo gắn với Kitô giáo và diễn ra trong toàn bộ Trung thế kỉ. Trong thời kì này tinh thần con người hướng tới đấu tranh với tự phát thiên nhiên thấp hèn và hướng tinh thần vào chiều sâu bên trong. Từ thời Phục hưng đã xuất hiện một thái độ mới mẻ của con người đối với đời sống thiên nhiên: chinh phục và chiếm đoạt các sức mạnh thiên nhiên nhằm biến chúng thành công cụ cho các mục đích của con người, cho lợi ích và sự yên ấm của con người. Không phải ngay từ đầu Phục hưng đã có thái độ này. Thoạt tiên nó chỉ là cảm hứng nghệ thuật và nhận thức các bí ẩn của thiên nhiên. Tiếp sau đó mới bộc lộ ra mối quan hệ mới của con người với thiên nhiên. Thiên nhiên ngoại tại bị chiếm đoạt và chinh phục cho con người và do đó mà chính bản chất con người bị biến đổi. Sự chinh phục thiên nhiên ngoại tại làm thay đổi không chỉ có thiên nhiên, không chỉ tạo ra một môi trường mới, mà còn thay đổi cả bản thân con người. Bản thân con người chịu ảnh hưởng của quá trình ấy đã thay đổi một cách triệt để và căn bản. Diễn ra việc chuyển đổi từ thể loại hữu cơ [của cơ thể con người tự nhiên] sang thể loại cơ giới.
Berdyaev nhận xét: “Chuyện gì đã xảy ra trong lịch sử nhân loại khiến cho toàn bộ nếp sống và nhịp điệu sống thay đổi thật căn bản, cái gì đã theo nhịp độ tăng tốc đặt khởi đầu cho hồi kết thúc của Phục hưng vốn được nhận ra vào thế kỉ XIX và đạt tới biểu hiện gay gắt nhất của nó vào thế kỉ XX? Theo niềm tin sâu sắc của tôi thì đã xảy ra một cuộc cách mạng vĩ đại nhất từng được biết đến trong lịch sử - cuộc khủng hoảng giống loài con người, một cuộc cách mạng không có những dấu hiệu bề ngoài hoàn thành vào năm này hay năm kia, giống như cuộc cách mạng Pháp, nhưng thật căn bản hơn nhiều, không thể so sánh được. Tôi đang nói về bước ngoặt gắn với sự gia nhập của máy móc vào đời sống của các xã hội con người. Tôi cho rằng sự xuất hiện thắng lợi của máy móc là một trong những cuộc cách mạng lớn lao nhất trong số phận con người. Chúng ta vẫn còn chưa đánh giá hết được sự kiện này. Bước ngoặt trong mọi lĩnh vực của đời sống đều khởi đầu từ sự xuất hiện của máy móc. Tựa hồ như xảy ra chuyện bứt con người ra khỏi lòng sâu của thiên nhiên, sự thay đổi được nhận thấy ở toàn bộ nhịp điệu đời sống. Trước kia con người đã gắn kết một cách hữu cơ với thiên nhiên và cuộc sống xã hội của con người được hình thành tương ứng với đời sống thiên nhiên. Máy móc đã thay đổi căn bản mối quan hệ ấy giữa con người và thiên nhiên. Nó hiện ra đứng giữa con người và thiên nhiên, nó không chỉ theo vẻ bề ngoài chinh phục các hiện tượng thiên nhiên giúp cho con người, mà nó còn chinh phục cả bản thân con người, nó không chỉ giải phóng con người trong chuyện nào đó, mà còn nô dịch cả con người theo một kiểu cách mới. Nếu như trước kia con người ở trong sự phụ thuộc vào thiên nhiên, nếu như đời sống của con người do sự phụ thuộc ấy mà nghèo nàn, thì việc sáng chế ra máy móc và công cuộc cơ giới hóa đời sống đi kèm theo đó, một mặt làm cho giàu có, nhưng mặt khác lại tạo ra hình thức mới của sự phụ thuộc và một tình trạng nô lệ mạnh mẽ hơn rất nhiều so với tình trạng nô lệ cảm nhận được do tình trạng phụ thuộc trực tiếp của con người vào thiên nhiên. Một sức mạnh huyền bí nào đó, tựa hồ như xa lạ với con người theo chính bản chất của nó, bước vào đời sống con người, một yếu tố thứ ba nào đó, không có tính chất thiên nhiên và cũng không có tính chất con người, nhận được quyền lực khủng khiếp đối với cả con người lẫn thiên nhiên. Cái sức mạnh khủng khiếp mới mẻ này làm băng hoại các hình thức thiên nhiên của con người. Nó đưa con người vào một quá trình phân rã, chia cắt, khiến cho con người tựa hồ như không còn là một thực thể thiên nhiên như trước đây vốn là thế. Cái sức mạnh này làm được nhiều hơn hết để kết thúc Phục hưng”.
[...]
(Trích Lời dẫn, Ý nghĩa của lịch sử, Tác giả Nikolay Berdyaev, Dịch và chú giải Nguyễn Văn Trọng, Nxb Tri Thức, 2020)
[1] Herder Johann Gottfried (1744-1803): nhà văn Đức. (Người dịch - ND)
'Talleyrand - Bậc thầy của nền ngoại giao chính trị'
vietnamnet - Thứ tư, 23/10/2024 - 09:00 Cuốn sách “Talleyrand - Bậc thầy của nền ngoại giao chính trị” không chỉ là tài liệu lịch sử giá trị mà còn là bức chân dung sâu sắc về một con người với những mâu thuẫn và chiến lược làm thay đổi lịch sử châu Âu mãi mãi.
“Xã hội diễn cảnh” qua góc nhìn của Guy Debord
{Thời báo Văn học nghệ thuật} - 17-10-2024 04:42 Là tác phẩm nổi tiếng nhất của triết gia Pháp Guy Debord, “Xã hội diễn cảnh” đã góp phần định hình nhiều quan điểm phê phán về xã hội hiện đại và văn hóa đại chúng. Nhân dịp ra mắt cuốn sách Xã hội diễn cảnh, Viện Pháp tại Hà Nội và Nhà xuất bản Tri Thức tổ chức tọa đàm thảo luận về cuốn sách với sự tham gia của các diễn giả: Phạm Xuân Thạch, Phùng Ngọc Kiên, Dương Thắng.
Tọa đàm Giới thiệu sách Xã hội diễn cảnh của Guy Debord
Guy Debord là một hiện tượng kỳ lạ của giới trí thức Pháp nửa sau của thế kỷ 20. Chịu ảnh hưởng sâu đậm của chủ nghĩa Marx, ông thường được xem là thuộc cánh cực tả chủ trương cách mạng triệt để. Xã hội diễn cảnh (xuất bản năm 1967) là tác phẩm nổi tiếng nhất của Guy Debord. Bắt chước lối viết của K. Marx trong cuốn Thesen über Feuerbach (Luận điểm về Feuerbach), tác phẩm bao gồm 221 luận điểm thường độc lập với nhau và được chia thành 9 chương.